Tương lai công nghiệp sạch

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
19/04/2019 18:58 GMT+7

Đã có thời ngành công nghiệp, sản xuất của Đà Nẵng bị bỏ quên, nhưng nay làn sóng đầu tư đang được khuyến khích trở lại dù với tiêu chí khắt khe hơn: công nghiệp sạch.

Vang bóng một thời

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa hồi cuối năm 2018, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương, đã phản ánh một thực tế đáng lo ngại về ngành công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ): sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp vang bóng một thời như nhựa, điện cơ khí không mấy đơn vị vươn lên được. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, cũng băn khoăn khi vai trò công nghiệp ở thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng. Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh rất nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn như bia, cao su… nhưng cũng đang bị các khu công nghiệp (KCN) của Quảng Nam cạnh tranh.
Theo ông Trương Quang Nghĩa, đúng là Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có các doanh nghiệp nổi tiếng như cơ khí ô tô, dệt, nhựa… Những ngành này hiện không hề lạc hậu, vẫn là xu hướng, trong đó ngành may vẫn là chủ công xuất khẩu. Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Mất ngành công nghiệp sản xuất có phải do cổ phần hóa hay do sự chuyển hướng lệch lạc qua các ngành khác như bất động sản, du lịch một thời gian dài?”.
Theo phân tích, việc ngành công nghiệp ở Đà Nẵng chậm chân so với nhiều địa phương còn do KCN đang tồn tại nhiều bất cập, như quy hoạch chưa bài bản, bố trí ngành nghề lộn xộn, không chia phân khu, sử dụng đất trong KCN chưa đúng mục đích... Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết nhiều khu đất trống trong KCN cho thuê lại để thu lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất thực sự lại khó tiếp cận; có doanh nghiệp than phiền đã phải thuê lại đất sau 3-4 giá, đội chi phí nên dè dặt.
Vì vậy, từ cuối năm 2018, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hiện trạng sử dụng đất trong KCN, thu hồi đất sai mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận. “Vừa rồi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp “kêu” rất nhiều, mong có đất để vào KCN. Tôi yêu cầu UBND TP chỉ đạo các KCN rà soát lại đất cát trong đấy ra sao, thực hư thế nào”, ông Nghĩa nói.

Ưu tiên công nghệ

Ông Lê Hoàng Đức, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN TP.Đà Nẵng, cho biết Ban quản lý thường xuyên rà soát, đánh giá định kỳ năng lực hoạt động của các dự án trong KCN cũng như quỹ đất, cập nhật công khai đất trống, giá thuê để các doanh nghiệp tiếp cận có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư. TP.Đà Nẵng hiện cũng đang nghiên cứu chuyển đổi ngành nghề trong các KCN theo hướng sinh thái, sạch. Đơn cử các dự án thủy sản trong Khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang sẽ chuyển sang dịch vụ-thương mại thay vì chỉ chế xuất đơn thuần, hướng đến phục vụ du lịch khi cảng cá và âu thuyền Thọ Quang được nâng cấp.
Tương tự, ở các KCN khác cũng phát triển công nghệ mới thay cho nhiều lao động, phù hợp với tình trạng quỹ đất ngày càng hạn chế của Đà Nẵng. Với các KCN đang có dân cư “áp sát” như Hòa Khánh, Hòa Cầm…, địa phương sẽ sắp xếp lại hoạt động của các dự án theo phân khu. Trong đó, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm sẽ được bố trí nơi phù hợp; các nhà máy sử dụng công nghệ cũ được khuyến khích, hỗ trợ đổi mới hoặc dần tiến đến ngừng thuê đất để ưu tiên các công nghệ sạch hơn. Ông Đinh Duy Chính, Giám đốc Công ty CP đầu tư KCN Hòa Cầm, nhận xét nếu 20 năm trước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KCN ưu tiên nhiều lao động, thì từ năm 2012 đến nay quan điểm này đã dần thay đổi khi tập trung cho các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao.
Tính đến nay, TP.Đà Nẵng đang triển khai chuẩn bị đầu tư 3 KCN mới gồm Hòa Nhơn (393 ha), Hòa Ninh (400 ha), Hòa Cầm giai đoạn 2 (119 ha) cùng các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Ngay từ đầu, các KCN mới này được định hướng tiếp cận ngành nghề, công nghệ, dây chuyển sản xuất mới, tiên tiến, hướng đến cơ khí chính xác, điện tử, kỹ thuật cao. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế, chủ trương của TP là sử dụng đất hiệu quả bằng các dự án chất lượng.
Đà Nẵng hiện có 6 KCN với hơn 1.000 ha, trong đó có 86% diện tích đất đã được cho thuê, 460 dự án đang hoạt động với vốn đăng ký hơn 13.000 tỉ đồng, vốn FDI hơn 1 tỉ USD. Quý 1/2019, có thêm 8 dự án đăng ký đầu tư (4 dự án trong nước hơn 132 tỉ đồng, 3 dự án FDI 83 triệu USD, 1 dự án FDI đầu tư vào Khu công nghệ cao 170 triệu USD). Các KCN đóng góp ngân sách 30%, giải quyết 76.000 lao động, trong đó có các doanh nghiệp trong KCN giữ vai trò đóng góp chủ lực như Nhà máy bia VN (bình quân 2.500 tỉ đồng/năm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.