Tương lai của trí tuệ nhân tạo sau năm bầu cử Mỹ

28/07/2024 07:00 GMT+7

Sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo Mỹ sau cuộc bầu cử trong năm 2024 có thể tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, vừa đưa ra đánh giá về vấn đề trên khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, trong khi đảng cầm quyền vừa thay đổi tại Anh.

Kinh nghiệm của bà Harris

Đến nay, Phó tổng thống Kamala Harris gần như trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ. Theo phân tích, bà Harris được xem là người gốc vịnh San Francisco (bang California, Mỹ) có mối quan hệ sâu sắc với Thung lũng Silicon. Bà từng là cựu công tố viên hàng đầu ở San Francisco và bang California, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ lớn nhất và quyền lực nhất thế giới. Phó tổng thống Harris tuy theo đuổi việc yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải tăng cường quyền riêng tư dữ liệu, nhưng nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ nhiều nhà tài trợ hàng đầu của Thung lũng Silicon.

Tương lai của trí tuệ nhân tạo sau năm bầu cử Mỹ- Ảnh 1.

AI đang phát triển bùng nổ trên thế giới (hình chụp tại một sự kiện của Intel Innovation 2023 diễn ra ở Mỹ)

Hoàng Đình

Bà Harris từng cảnh báo: "Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng mang lại lợi ích sâu sắc, nó cũng có khả năng gây ra tác hại sâu sắc". Bà cũng từng lo ngại: "Nếu không có quy định và sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, một số công ty công nghệ ưu tiên lợi nhuận của họ hơn là lợi ích của khách hàng, sự an toàn của cộng đồng".

Tuy nhiên, theo đánh giá của Eurasia Group: "Các vấn đề về chính sách công nghệ không phải là mới đối với Phó tổng thống Harris, người vốn có nhiều kinh nghiệm giải quyết các vấn đề công nghệ quan trọng từ thời còn là Tổng chưởng lý bang California và làm thượng nghị sĩ đại diện bang này. Chuyên môn đó sẽ được sử dụng tốt nếu bà trở thành tổng thống tiếp theo".

Nhờ đó, Phó tổng thống Harris được kỳ vọng "không lạ gì với việc vượt qua ranh giới mong manh giữa ủng hộ đổi mới và cứng rắn với công nghệ". Nói cách khác, nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà Harris được đánh giá có thể cân bằng giữa việc phát triển công nghệ và kiểm soát các rủi ro phát sinh.

Định hướng của liên minh Trump - Vance

Trong khi đó, thượng nghị sĩ J.D Vance - phó tướng của cựu Tổng thống Donald Trump trong liên danh tranh cử hiện nay - được dự báo sẽ có ảnh hưởng then chốt đến chính sách về AI của Nhà Trắng nếu ông Trump đắc cử.

Ông Vance là một chính trị gia có mối quan hệ chặt chẽ với Thung lũng Silicon, nhưng đồng thời cũng là một chính trị gia chỉ trích gay gắt Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ). Nghị sĩ Vance bị đánh giá là đang có sự mâu thuẫn trong các tuyên bố gần đây của ông về AI. Một mặt, ông ủng hộ việc giảm bớt quy định đối với lĩnh vực AI, nhưng cũng chỉ trích các công ty công nghệ đang tìm cách vận động hành lang để chính phủ đưa ra các quy định "dễ thở" hơn cho ngành này.

Dự báo, nếu hoạch định chính sách liên quan công nghệ, ông Vance có thể tìm cách "hạn chế đối với quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào mạng xã hội, các quy tắc bảo mật dữ liệu và điều tra các công ty công nghệ vì hành vi độc quyền". Nghị sĩ Vance được đánh giá là muốn hạn chế quyền lực tập trung đối với các công ty công nghệ.

"Điều này có thể tốt cho đổi mới AI nếu xu thế phát triển của AI là phi tập trung hoặc có thể xấu cho đổi mới AI nếu xu thế phát triển của AI là tập trung, đến từ những công ty lớn nhiều kinh nghiệm với nguồn tài nguyên khổng lồ để đầu tư cho hệ thống, tính toán dữ liệu", báo cáo của Eurasia Group.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng dẫn ý kiến cảnh báo nếu nghị sĩ Vance có xu thế "đặt mối quan tâm của người lao động và gia đình lên hàng đầu trong định hướng chính sách thì sẽ tương đối "thù địch" với các chính sách cụ thể nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ đột phá".

Ukraine kỳ vọng vào UAV tích hợp AI

Theo Reuters, các công ty khởi nghiệp Ukraine đang gấp rút sản xuất máy bay không người lái (UAV) tích hợp AI để có thể mang lại lợi thế cho nước này trong cuộc xung đột với Ukraine. Swarmer là một trong những công ty đang nghiên cứu công nghệ cho phép tạo ra các đàn UAV gần như hoàn toàn tự động nhờ vào AI.

Vì không phải duy trì kết nối với người điều khiển từ xa, UAV AI có thể ngăn chặn việc gây nhiễu tín hiệu của Nga. Theo một đánh giá gần đây, UAV của Ukraine hiện chỉ đạt được tỷ lệ bắn trúng mục tiêu 30 - 50%, nhưng tỷ lệ này có thể cải thiện lên 80% với AI khi không bị gây nhiễu tín hiệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.