Kết quả trên đồng nghĩa đảng này cũng sẽ phải tham gia các thỏa thuận chia sẻ quyền lực phức tạp để có thể cầm quyền, theo Reuters. Điều này có thể đẩy Nhật Bản vào giai đoạn bất ổn về chính trị giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và tình hình an ninh căng thẳng ở Đông Á. Theo hiến pháp Nhật Bản, các đảng hiện có 30 ngày để thành lập liên minh.
"Cuộc bầu cử này thực sự khó khăn với chúng tôi", Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chia sẻ trên truyền hình vào hôm qua (28.10). Trình bày lý do chính dẫn đến thất bại trong cuộc bầu cử của liên minh cầm quyền, ông Ishiba cho biết: "Chúng ta đã không giải quyết được sự nghi ngờ, mất lòng tin và tức giận của người dân về việc báo cáo không đầy đủ các khoản tiền quỹ và vấn đề tài chính trong chính trị".
Niềm tin của cử tri dành cho LDP bị xói mòn sau loạt vụ việc liên quan hàng chục thành viên của đảng bị phát hiện không công khai đúng số tiền đã huy động được thông qua các hoạt động gây quỹ chính trị. Hồi tháng 7, 218 thành viên trong bộ máy cầm quyền Nhật Bản bị kỷ luật với loạt cáo buộc như lạm dụng quyền lực, việc xử lý sai thông tin mật hoặc không trả tiền ăn uống tại căn tin căn cứ.
Song, Thủ tướng Shigeru cũng khẳng định ông sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo chính phủ và giải quyết những thách thức kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng.
Tờ The Guardian dẫn lời giới quan sát nhận định mọi dự đoán lúc này về diễn biến sau bầu cử Nhật Bản đều chưa chắc chắn, đặc biệt là khi một số đảng đối lập lớn vừa đạt được những bước tiến trong kỳ bầu cử 2024 đang có xu hướng từ chối gia nhập chính phủ liên minh với khối cầm quyền do sự khác biệt về chính sách. Bên cạnh đó, Thủ tướng Shigeru ngày 28.10 cũng cho biết ông không cân nhắc đến một liên minh chính trị rộng lớn hơn "vào thời điểm này", đồng thời cam kết cải tổ mạnh mẽ LDP.
Giữa bối cảnh chính trị đang định hình, ông Sakai Saisuke, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu và công nghệ Mizuho (Nhật Bản), đánh giá: "Sự không chắc chắn về khả năng lãnh đạo của liên minh cầm quyền ngày càng tăng và thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ứng bằng một đợt bán tháo, đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài".
Ông Masafumi Fujihara, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Yamanashi (Nhật Bản), cho rằng: "Nếu không có một chính phủ mạnh, ngân hàng Nhật Bản sẽ khó có thể tăng lãi suất và kiểm soát đồng yên yếu trong tương lai".
Bình luận (0)