Tài năng nữ nở rộ ở Hollywood
Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ trong lĩnh vực điện ảnh bắt đầu đòi hỏi được nhìn nhận ở nhiều vai trò khác nhau, nhất là trên cương vị đạo diễn.
Dù số lượng nữ đạo diễn còn ít, thế nhưng họ đã từng bước khẳng định dấu ấn riêng bằng những sản phẩm điện ảnh chất lượng. Tiêu biểu có Wonder Woman của đạo diễn Patty Jenkins đã kịp thời "cứu nguy" cho vũ trụ DC, đồng thời là "bộ phim có doanh thu cao nhất được thực hiện bởi một nữ đạo diễn".
|
Tại LHP Cannes, số lượng phim tham gia của các nữ đạo diễn cũng có sự gia tăng qua các năm. Sự kiện điện ảnh danh giá này từng có công “khai quật” nhiều tài năng nữ như Jane Campion, Sofia Coppola, Naomi Kawase, Lynne Ramsay... Nổi bật ở họ là quan điểm thẩm mỹ và cách tiếp cận vấn đề rất khác so với nam giới, giúp họ đem đến những tác phẩm điện ảnh vừa chỉn chu, chặt chẽ mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật, độc đáo.
Những bông hồng theo đuổi nghiệp diễn cũng không chịu "lép vế". Nhiều tên tuổi như Emma Watson, Angelina Jolie, Scarlett Johansson... đều mạnh mẽ lên tiếng cho nữ quyền. Những ngôi sao này không chỉ sở hữu nhan sắc, tài năng đáng ngưỡng mộ và sự nghiệp đỉnh cao, mà ở họ còn có lòng nhiệt thành và tham vọng sục sôi chẳng kém gì nam giới.
Cảm hứng nữ quyền lên cao
Đỉnh cao của nữ quyền chính là bình đẳng giới. Ở đó, công dân mọi giới tính được tự do phát huy khả năng trong mọi lĩnh vực mà họ có lợi thế, và được đánh giá đúng mức giá trị của thành quả lao động.
Để bình đẳng giới không chỉ là lời nói suông, nhiều ngôi sao nữ đòi công bằng trước nhất trong cát-sê đóng phim. ''Phát súng'' lớn đầu tiên là của Jennifer Lawrence trong năm 2015, khi cô viết hẳn một bài tiểu luận dài gửi đến trang Lenny Letter với nhan đề "Tại sao tôi được trả ít hơn bạn diễn nam?".
|
Gần đây, người đẹp Gal Gadot tiết lộ mức cát-sê gây tranh cãi khi đóng Wonder Woman, thấp hơn Henry Cavill nhiều lần dù cả hai ở cùng xuất phát điểm trong lần đầu đến với vũ trụ DC. Đầu năm nay, theo New York Daily News, Natalie Portman từng phàn nàn về mức cát-sê thấp hơn bạn diễn Ashton Kutcher ba lần khi đóng phim No Strings Attached (2011).
Chưa tính đến chuyện tiền bạc, mỹ nhân Fast & Furious Michelle Rodriguez cũng lên tiếng dọa bỏ phim nếu các nhà sản xuất vẫn cứ tiếp tục xem nhẹ hình tượng phụ nữ.
Và nỗ lực đấu tranh của họ đã dần được hồi đáp. Nhưng sự ủng hộ đó không đến từ đâu xa, mà ngay chính từ những đồng nghiệp nam vẫn sát cánh cùng họ. Bông hồng Fast & Furious cho biết Vin Diesel chính là người ủng hộ cô mạnh mẽ nhất trong vấn đề nữ quyền. Trong khi bạn diễn của Emma Stone đã chấp nhận cắt bớt cát-sê để được bình đẳng về quyền lợi với cô trong bộ phim Battle of the Sexes.
Còn nam diễn viên Ashton Kutcher thì âm thầm ủng hộ bằng cách tổ chức buổi thảo luận về bình đẳng giới trên Facebook. Vốn là diễn viên kiêm nhà hoạt động xã hội, anh tỏ ra cảm thông và hoàn toàn đồng tình với bức xúc của Natalie Portman.
|
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chiến dịch HeForShe mà bông hồng nước Anh Emma Watson đang "cầm trịch". Tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014, người đẹp đã có bài phát biểu gây chấn động về bình đẳng giới, trong đó nữ diễn viên nêu ra những vấn đề như: "Chưa có một quốc gia nào đạt đến sự bình đẳng giới" và "Bình đẳng giới cũng là vấn đề của đàn ông".
Dù vậy, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn còn một chặng đường dài để đi. Không những cho phụ nữ, mà còn cho đàn ông và các ngôi sao thuộc cộng đồng LGBT.
Trong thực tế, nhiều nữ diễn viên vẫn phải khoe thân trên màn ảnh để gây chú ý với dư luận khi đóng một bộ phim. Ở hậu trường, theo một thống kê của The Hollywood Reporter vào đầu năm nay, nếu chỉ tính trong phạm vi 100 phim có doanh thu cao nhất năm 2016, thì tỉ lệ nữ đạo diễn chiếm khoảng 4%, nữ biên kịch khoảng 11%, quay phim khoảng 3%. Nếu tính trung bình những vị trí trọng yếu như đạo diễn, biên kịch, sản xuất, biên tập, quay phim... thì số lượng phụ nữ cùng lắm đạt tới mức 14%.
|
Trong suốt hơn một thập niên qua, số lượng nữ đạo diễn giành giải Oscar chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn ở Cannes có mỗi nữ đạo diễn Jane Campion là từng chạm tay vào Cành cọ vàng. Những tên tuổi khác tuy rất đáng chú ý, nhưng có lẽ còn chưa thực sự thuyết phục để giám khảo đặt vào tay họ giải thưởng cao quý nhất.
Như vậy, những nỗ lực vừa qua chưa thấm tháp vào đâu. Cần nhìn nhận rõ rằng đa phần nữ giới vẫn còn e dè trong việc gánh vác những cương vị nặng nề như sản xuất hay chỉ đạo một bộ phim, và nếu họ không dấn thân vì lý tưởng, sẽ không ai có thể công nhận nỗ lực của họ.
Đây là sự thật phải đối mặt. Bình đẳng giới là một quá trình dài đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và nỗ lực từ nhiều phía. Có như vậy, cuộc cách mạng giới tính ở Hollywood mới thực sự toàn diện.
Bình luận (0)