Cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu mới đây cho biết năm 2023 này "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua, còn tháng 10 vừa qua là tháng nóng nhất trong cùng giai đoạn. Trong tháng 10, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 15,3 độ C, cao hơn 0,4% so với kỷ lục cũ ghi nhận vào tháng 10.2019.
Tính từ đầu năm, nhiệt độ trung bình toàn cầu cũng đạt kỷ lục, cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp (1850 - 1900). Theo Đài ABC News, giới khoa học cho rằng mức nhiệt kỷ lục là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan tàn phá thế giới trong thời gian qua và có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Nghịch lý: Cắt giảm ô nhiễm lại làm nóng hành tinh?
Chịu đựng kỷ lục
Với việc đốt nhiên liệu hóa thạch và tàn phá thiên nhiên, con người đã đưa những khí giữ nhiệt vào bầu khí quyển, nâng nhiệt độ hành tinh lên thêm 1,2 độ C kể từ khi tiến hành cách mạng công nghiệp. "Việc chúng ta chứng kiến năm nóng kỷ lục có nghĩa là nhân loại chịu đựng kỷ lục", theo tờ The Guardian dẫn lời nhà khoa học khí hậu Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London (Anh). Theo ông, các đợt nắng nóng, hạn hán trong năm nay trên thế giới đã khiến vô số người thiệt mạng, mất sinh kế, phải rời bỏ nhà cửa.
Đáng chú ý, hơn 80% dân số toàn cầu trải qua đợt nắng nóng bất thường hồi tháng 7. Trước đó vào tháng 5, đợt nắng nóng lịch sử được ghi nhận tại châu Á, trong đó TT.Hồi Xuân (H.Quan Hóa, Thanh Hóa, Việt Nam) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên đến 44,1 độ C, Luang Prabang (Lào) ở mức 43,5 độ C và Bangkok (Thái Lan) ở mức 41 độ C. Trung Quốc cũng trải qua đợt nóng kỷ lục, trước khi nhiệt độ đột ngột giảm xuống đến 20 độ C vào đầu tháng này tại nhiều nơi. Bên kia địa cầu, Thung lũng Chết tại California (Mỹ) cũng ghi nhận nhiệt độ lên đến 56,7 độ C hôm 10.7. Tương tự, nhiều nơi ở châu Âu và Địa Trung Hải cũng trải qua nắng nóng chưa từng thấy trong mùa hè qua.
Thời tiết cực đoan trong năm nay cũng gây lũ lụt tàn phá, đòi hỏi ngân sách lớn để khôi phục hạ tầng. Đáng chú ý, Libya vào tháng 9 trải qua đợt lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử nước này, khiến hơn 6.000 người chết và 10.000 người mất tích. Các vụ cháy rừng trên thế giới nhiều vô kể, trong đó đám cháy tại Hy Lạp vào tháng 8 là đám cháy lớn nhất lịch sử châu Âu, tàn phá khu vực 77.000 ha.
Nhiệt độ "bầu ướt" vì sao lại nguy hiểm?
Hậu quả khó lường
Giới khoa học luôn nhấn mạnh việc cần duy trì mức tăng nhiệt độ trong giới hạn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Theo Đài ABC News, hậu quả sẽ xảy ra càng thảm khốc hơn nếu nhiệt độ tiếp tục tăng vượt mức này, thể hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cụ thể, hạn hán dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn và kéo dài hơn.
Trong khi đó, nước biển ấm hơn có nghĩa là số lượng các cơn bão mạnh dự kiến sẽ tăng lên, cũng như khả năng chúng sẽ nhanh chóng mạnh lên khi tiếp cận bờ biển. Ngoài ra, cháy rừng sẽ trở nên dữ dội hơn do khí hậu nóng hơn và môi trường khô hạn. Chưa hết, các tảng băng tan sẽ khiến một số vùng ven biển đông dân cư chìm trong nước.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), vòng tuần hoàn nước trên toàn cầu trở nên ngày càng thất thường do nhiệt độ ấm lên. Mực nước biển tiếp tục dâng, nhất là khi băng ở 2 địa cực đang tan.
Theo các nhà khoa học khí hậu, mặc dù cả thời gian và ngân sách đối phó có thể sắp cạn kiệt, nhưng vẫn chưa quá muộn để hạn chế đáng kể lượng khí thải nhà kính nhằm làm chậm sự nóng lên toàn cầu. "Tình hình có thể thay đổi đáng kể với việc cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính cũng như việc áp dụng rộng rãi năng lượng sạch", theo Giáo sư Rob Jackson tại Đại học Stanford (Mỹ).
El Nino sẽ kéo dài đến tháng 4.2024
Trang Cosmos ngày 9.11 dẫn thông cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo rằng El Nino sẽ tiếp tục gia tăng tác động, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài đến tháng 4.2024. El Nino bắt đầu hồi tháng 7 và WMO ban đầu dự báo hiện tượng này kéo dài đến cuối năm nay. Dự báo El Nino đạt đỉnh điểm vào giai đoạn tháng 11.2023 - 1.2024, trùng với thời điểm mùa hè ở nam bán cầu, nhưng các mô hình khí hậu mới nhất cho thấy có 90% khả năng El Nino sẽ tiếp tục cho đến tháng 4.2024.
WMO nhấn mạnh sự cần thiết phải có hệ thống cảnh báo sớm để tránh thiệt hại về người và giảm thiểu những tổn thất khác trong giai đoạn này. Các hiện tượng cực đoan như nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn và lũ lụt sẽ gia tăng ở một số khu vực với những tác động lớn, WMO cảnh báo.
Bình luận (0)