Tương lai tiếp nối vững bền

11/11/2022 08:00 GMT+7

Ngày 8.11, tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia 2022 được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: “Có nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia, nhất là nông nghiệp và viễn thông”.

Thực tiễn mối quan hệ giao thương kinh tế, đầu tư của Việt Nam và Campuchia minh chứng sinh động cho sự khẳng định ấy của Thủ tướng Hun Sen: đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tiếp tục đứng đầu ASEAN, đạt mức gần 3 tỉ USD.

Công nhân cao su thuộc VRG ở Kampong Thom. Tháng 11 hằng năm là cao điểm thu hoạch mủ cao su

Đình Phú

Trong đó, với lĩnh vực nông nghiệp, 16 công ty con mà Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) thành lập trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia (Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siem Reap và Mondolkiri) nhằm thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia từ năm 2007, đã thực chiếm tổng giá trị hơn 800 triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động Campuchia.

Hiệu quả của sự đầu tư ấy cũng đã được ghi nhận từ năm 2019 tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư trồng cây nông - công nghiệp tại Campuchia, với phát biểu của ông Yim Chhayly, Phó thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia: “Các công ty cao su VRG đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của Campuchia đạt được mức tăng trưởng ổn định và bền vững 7%/năm”.

Định vị thương hiệu

Trước đây, lĩnh vực trồng và chế biến cao su thiên nhiên ở Campuchia chưa thật sự phát triển vượt trội. Đến nay, Campuchia đã có vị thế top đầu trên bản đồ cao su thiên nhiên của thế giới, với tổng diện tích hơn 400.000 ha. Ông Yim Chhayly đánh giá, trong số 229 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực cao su, thì các công ty thành viên VRG đầu tư hiệu quả nhất, không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nước sở tại, mà còn đào tạo nghề với tác phong công nghiệp, hỗ trợ nhà ở giúp công nhân và gia đình của họ ổn định cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Khi đi thực tế ở các khu vực vùng biên giới Campuchia sát với Việt Nam, PV Thanh Niên thấu hiểu thêm nội hàm giá trị slogan của VRG: “Cao su dòng chảy cuộc sống”. Cao su trồng tới đâu, cuộc sống được tạo sinh kế đến đó. Sinh kế ấy được chủ động tạo ra, không phải chỉ phục vụ mục tiêu nhất thời của từng dự án, mà tất cả vì sự phát triển bền vững, kiên định trên 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường. “Kiềng 3 chân” ấy, luôn là điều kiện tiên quyết, cần và đủ để cao su mãi là “dòng chảy cuộc sống”, không giới hạn biên cương.

Sinh kế ấy được chủ động tạo ra, thực tế gắn liền niềm hạnh phúc dưới những tán rừng cao su bạt ngàn và đã giữ chân được những người công nhân, những “gia đình cao su” người Campuchia chịu thương, chịu khó, hăng say lao động.

Cuộc sống đi lên

Là tỉnh miền Trung của Campuchia, Kampong Thom là một trong những địa bàn trọng điểm mà VRG đã phát triển hàng chục ngàn hec ta cao su từ 15 năm trước. Tại Kampong Thom, PV Thanh Niên từng trò chuyện với anh Touch Sros, 40 tuổi, làm đội phó nông trường và vợ là chị Chươn Hul làm công nhân nhà máy chế biến mủ cao su (VRG đã đầu tư 7 nhà máy ở Campuchia). Ở nhà miễn phí trong khu dân cư do VRG xây dựng sẵn ngay tại vùng dự án phát triển cao su, được hỗ trợ gạo ăn hằng tháng, tiền lương “cứng” của vợ chồng anh Touch Sros khoảng 2,8 triệu ria/tháng, tương đương khoảng 700 USD (khoảng 15 triệu đồng). “Cuộc sống được cải thiện nhiều, lo được cho 4 người con ăn học” (2 cháu lớp 9, 1 cháu lớp 4 và 1 cháu lớp 3), Touch Sros nói về mức thu nhập này ở vùng biên giới.

Liên hoan văn nghệ của công nhân người Campuchia tại nhà máy chế biến mủ cao su do VRG đầu tư ở Kampong Thom

Đình Phú

Ở Kampong Thom, có rất nhiều “gia đình cao su” như thế. Có công nhân từng đi xuất khẩu lao động, sau đó quay trở lại và nhiều năm gắn bó dưới những tán rừng cao su xanh tốt.

Đặc biệt nhất có thể kể đến chị Chăn Thi, 30 tuổi. Chị có chồng là anh Sốc Liêng, đội phó đội sản xuất nông trường Ou Thum. Nhà cửa của gia đình chị rộng lớn, trong nhà có một chiếc xe Lezus làm phương tiện đi lại. Một phần ngôi nhà được chị Chăn Thi trưng bán tạp hóa, phục vụ cho “cộng đồng cao su”. Ban đầu, chị chỉ dựng 1 lán nhỏ để ở và buôn bán; trong vòng 4 năm, chị có được cơ ngơi khá bề thế. “Mình không để ý tiền lương của chồng, vì để cho chồng giữ riêng”, chị vui vẻ khi chuyện trò với PV Thanh Niên.

Chị Chăn Thi - một trong những hộ dân khá giả của “cộng đồng cao su”

Đình Phú

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom (thuộc VRG) kể: “Vào thời điểm 2010 - những năm đầu VRG qua đầu tư trồng cao su, ông Chan Sa Ron, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông lâm - Ngư nghiệp Campuchia, có lần chia sẻ lo lắng cây cao su có thể khó phát triển như kỳ vọng, vì đất ở Kampong Thom chủ yếu là đất xám bạc màu. Khi đó, chúng tôi tự tin chia sẻ lại rằng cứ yên tâm vì ở Việt Nam, chúng tôi có kinh nghiệm phát triển thành công cây cao su cho năng suất mủ cao khi trồng cả trên đất đỏ và đất xám bạc màu”. Thực tế, có nông trường cao su ở Kampong Thom đạt năng suất 2 tấn mủ/ha đã minh chứng cho sự tự tin của buổi đầu khởi sự gieo mầm vàng trắng ấy.

Đất nước Campuchia ngày càng phát triển. Sự đổi thay về đời sống ngày càng rõ nét ở những vùng khó khăn và xa xôi của Kampong Thom. Ông Sok Lou, nguyên Tỉnh trưởng Kampong Thom kể một chi tiết: “Trước khi thành lập dự án cao su, cả vùng rộng lớn chỉ có vài chiếc xe công nông. Sau khi có dự án đã tăng lên hàng ngàn chiếc”.

Những bàn tay vàng

Ngành cao su Việt Nam có hội thi Bàn tay vàng rất đặc thù, bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ 20, diễn ra 2 năm 1 lần. Trong những kỳ gần đây, hội thi đã khẳng định tính chất quốc tế khi có thí sinh công nhân lao động thuộc VRG là người Campuchia, Lào tham gia.

Tháng 7 vừa qua, Tổng công ty cao su Đồng Nai (DNRC, trụ sở chính tại P.Xuân Lập, TP.Long Khánh, Đồng Nai) - đơn vị hàng đầu của VRG về quy mô diện tích vườn cao su, công nhân lao động… tổ chức hội thi Bàn tay vàng tại Nông trường Bình Lộc (TP.Long Khánh). Hội thi có 176 thí sinh đến từ các nông trường và đơn vị trực thuộc DNRC tham dự, trong đó có 6 thí sinh người Campuchia: Salaiman, Sak Sey, Bora, Vorleak, Theara và Brak Sros (công nhân Công ty CP cao su Đồng Nai - Kratie tại địa bàn ấp PhumVeng, xã Kratie, H.Kratie, tỉnh Kratie, Campuchia).

Tại hội thi này, PV Thanh Niên tiếp xúc với Sak Sey, 23 tuổi, công nhân điển hình của Cao su Đồng Nai - Kratie. Quê nhà của Sak Sey ở xã O’Krieng, H.Sampo (Kratie). Đại gia đình của Sak Sey có hơn 10 người làm cao su. Năm 2018, lần đầu tiên Sak Sey qua Việt Nam tham dự hội thi Bàn tay vàng, khi mới 18 tuổi, là thí sinh trẻ tuổi nhất của hội thi cấp tập đoàn. Lần này, Sak Sey đạt danh hiệu kiện tướng.

Từ những năm đầu còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp khi mới bước chân vào ngành cao su, nay Sak Sey đã trở thành “bàn tay vàng” vững lý thuyết, giỏi thực hành. “Trước đây nhà mình chỉ biết làm vườn đào, khi làm cao su thì thu nhập ổn định hơn. Có tháng mình tiết kiệm được từ 100 - 200 USD nên cả gia đình mình đều ủng hộ và gắn bó làm cao su”, Sak Sey kể.

Cao su Việt trên đất bạn Campuchia là hành trình thấm đẫm tình đất, tình người, là biểu hiện sinh động góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Tại các vùng dự án cao su, sinh kế mới và ổn định đã đến với nhiều gia đình trên xứ sở Chùa Tháp. Dòng chảy cuộc sống, tương lai vẫn đang tiếp nối, vững bền…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.