Tương lai TPP nếu ông Trump hoặc bà Clinton làm tổng thống

09/11/2016 07:00 GMT+7

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trả lời Thanh Niên về nhận định đối với tương lai của TPP và chính sách xoay trục châu Á của Mỹ trong trường hợp ông Trump hoặc bà Clinton đắc cử tổng thống.

Chính quyền Mỹ ngày 3.11 đã đưa ra cảnh báo mới nhất liên quan tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng (CEA) cho rằng hàng triệu việc làm của công dân Mỹ sẽ mất đi nếu TPP không được thông qua, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ khiến các đối thủ trên bình diện kinh tế như Trung Quốc nắm giữ lợi thế cạnh tranh.

Cảnh báo trên đưa trong bối cảnh cả hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Hillary Clinton (đảng Dân chủ) đều bày tỏ lập trường phản đối TPP. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hồi tháng 8 từng nhận định sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào tại quốc hội về TPP trong thời gian “Vịt què” (lame-duck), ý nói giai đoạn sau ngày bầu cử tổng thống và trước lúc người đắc cử tuyên thệ nhậm chức.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan Reuters

Nói cách khác, dù Tổng thống đương nhiệm Barack Obama rất quyết tâm thúc đẩy TPP nhưng ông chỉ còn khoảng 2 tháng để thuyết phục Quốc hội.

TPP là hiệp định tự do thương mại với sự tham gia của Mỹ và 11 nước gồm Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, TPP cũng là một trụ cột trong chính sách “xoay trục về châu Á” của ông Obama. Vậy với việc cả ông Trump lẫn bà Clinton đều có xu hướng phản đối TPP, tương lai của TPP sẽ ra sao nếu một trong hai người làm tổng thống?

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, từng là cố vấn kinh tế cho 3 Thủ tướng Việt Nam, đã trao đổi với Thanh Niên về TPP, cũng như quan điểm của ông về chính sách kinh tế của hai ứng viên tổng thống Mỹ.

Xin ông chia sẻ nhận định về sự khác biệt chủ yếu trong chính sách kinh tế của ông Donald Trump và bà Hillary Clinton?

Ông Bùi Kiến Thành: Những tranh luận về chính sách kinh tế trong cuộc bầu cử chỉ là phương tiện để câu khách bỏ phiếu cho ứng viên, và trong thực tế sẽ không có ảnh hưởng gì nhiều đến các quyết sách về kinh tế sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên cũng có thể phân định chiều hướng của hai ứng viên, một bên là Dân chủ, một bên là Cộng hòa. Đảng Dân chủ được cử tri đánh giá là đại diện cho thành phần thu nhập trung bình và thấp, còn đảng Cộng hòa đại diện cho thành phần thu nhập cao.

Do vậy trong các tuyên bố của bà Clinton, các lý luận đều hướng về bảo vệ quyền lợi cho cử tri của mình, và chủ yếu là sẽ tăng chi phí công trong hầu hết các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, tăng mức lương tối thiểu, đồng thời tăng mức thuế đánh vào thành phần có thu nhập cao.

Trong khi đó, ông Trump cổ vũ cho việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%, và dự kiến việc giảm thuế này sẽ kéo mức tăng trưởng GDP của Mỹ lên từ 4% đến 4,5% (so với khoảng 2% như hiện nay) trong những năm tới, tạo ra 25 triệu việc làm mới.

Cả hai ứng viên đều tuyên bố sẽ huỷ bỏ hoặc thương lượng lại các hiệp định thương mại, kể cả TPP, để giảm thiểu nhập siêu và giành lại việc làm cho người lao động Mỹ.

Theo các chuyên gia thì những đề xuất của cả hai ứng viên này đều không thực tế, không giải quyết được khó khăn của nền kinh tế Mỹ trong hiện tại và tương lai, ngược lại còn có khả năng làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công đến những đỉnh cao chưa từng thấy.

Ông Trump và bà Clinton đều bày tỏ lập trường phản đối TPP. Vậy theo ông, tương lai nào cho TPP nếu họ đắc cử tổng thống Mỹ?

Bà Clinton từng ủng hộ TPP, nhưng trong chiến dịch tranh cử năm nay nói không đồng ý với một số thỏa thuận trong TPP và cần điều chỉnh Reuters

Ông Bùi Kiến Thành: Sau cuộc bầu cử ngày 8.11, Quốc hội Mỹ còn họp một kỳ cuối cùng trước khi nhường quyền lại cho Quốc hội mới. Dự kiến chính phủ của ông Obama sẽ vận động thông qua TPP trong kỳ họp này. Các nghị sĩ sẽ có cơ hội thông qua những quyết định khó khăn vì không còn phải chịu sức ép của cử tri. Nếu không thực hiện được thì việc thông qua TPP phải được trình ra Quốc hội mới. Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều bày tỏ lập trường không ủng hộ TPP nên việc Quốc hội thông qua sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, sau bầu cử tình hình chính trị sẽ lắng dịu, tổng thống mới có thể có lập trường khác với lúc còn là ứng cử viên. Hơn nữa, với các chiến dịch “vận động hành lang” mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, TPP vẫn có khả năng được thông qua.

Theo ông, một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump hoặc bà Clinton sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama, đặc biệt về kinh tế và đối ngoại?

Ông Bùi Kiến Thành: Dù ai lên làm tổng thống, chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama vẫn sẽ tiếp tục. Vấn đề là cần phải thích ứng với tình hình thực tế tại khu vực, năng lực của nền kinh tế Mỹ, chuyển biến của các quốc gia đồng minh và sự phát triển hay suy thoái của Trung Quốc.

Ông Trump từng tuyên bố giành lại việc làm cho người Mỹ từ  các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... Ông nhận xét gì về điều này?

Ông Bùi Kiến Thành: Không những ông Trump, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng thường tuyên bố như vậy, nhưng thực tế là nền kinh tế thế giới đã đi hội nhập sâu vào toàn cầu hóa. Cụ thể, các chuỗi giá trị đã được thiết lập bởi các doanh nghiệp trên khắp các châu lục, nên không có chuyện các nhà lãnh đạo hay các chính phủ có thể dỡ bỏ (chuỗi giá trị) để giành lại việc làm cho người lao động của nước mình. Đầu tư phát triển sẽ đổ về những nơi nào có môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất.

Nhiệm kỳ của ông Obama đã chứng kiến những bước tiến trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Mối quan hệ này có bị ảnh hưởng gì khi ông Obama hết nhiệm kỳ? Đâu là thời cơ và thách thức của Việt Nam đối với chính quyền của ông Trump hoặc bà Clinton, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện từ đầu những năm 1990 và nhất là dưới thời tổng thống Bill Clinton. Nhiều bước tiến quan trọng đã được thực hiện dưới thời Obama. Con đường còn dài và phía Mỹ đã thể hiện mong muốn hai bên tiến nhanh hơn nữa, còn tốc độ thế nào thì phần lớn là do phía Việt Nam. “Tạm gác lại khác biệt để phát huy tương đồng”, có nghĩa là Việt Nam cần phải nhanh chóng xóa bỏ khác biệt để hội nhập với thế giới chứ không phải là thế giới phải chuyển biến theo Việt Nam. Dù bà Clinton hay ông Trump làm tổng thống, Việt Nam vẫn cần phải có những bước đột phá về tư duy, hành động, cải tiến không ngừng để theo kịp thời đại, hội nhập và đứng ngang hàng cùng với các quốc gia trên trường quốc tế.

Riêng trường hợp nếu bà Clinton đắc cử, xin chuyên gia nhận định về chính sách tổng quan về châu Á của ông Bill Clinton trước kia, và liệu bà Clinton có những điểm gì giống và khác so với chồng mình?

Ông Bùi Kiến Thành: Ông Bill Clinton lên nắm quyền trong giai đoạn kinh tế nước Mỹ đang dần được phục hồi, và còn gặp nhiều khó khăn với tiến trình phục hồi ấy. Ưu tiên là xây dựng một thời thịnh vượng mới, nên chính sách đối ngoại về châu Á chưa phải là trọng tâm. Dưới thời Tổng thống Obama, tình hình kinh tế Mỹ và thế giới đã bước vào giai đoạn mới, với sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc cả về lĩnh vực kinh tế cũng như đối ngoại. Những nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sau đó đều phải đối mặt với những thách thức mới không giống như thời kỳ Bill Clinton.

Xin cảm ơn chuyên gia Bùi Kiến Thành về những trao đổi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.