Tướng Mỹ nói Ukraine đang thất thế lớn trước Nga

Trí Đỗ
Trí Đỗ
11/04/2024 18:27 GMT+7

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ Christopher G. Cavoli cho rằng Ukraine sẽ bị Nga áp đảo 10 lần trong vòng vài tuần nếu Quốc hội Mỹ không sớm chấp thuận gói viện trợ đạn dược và vũ khí tới Kyiv.

Ukraine bất lợi

Tướng Cavoli trình bày tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ: "Vào thời điểm này, tình hình cực kỳ nghiêm trọng. Bên nào không thể bắn trả, bên đó sẽ thua". Ukraine sẽ hết đạn pháo và đạn phòng không nếu không có sự hỗ trợ thêm của Mỹ, theo ông Cavoli.

"Bây giờ Nga đang áp đảo Ukraine với tỷ lệ 5:1. Tức là, Nga bắn số đạn pháo vào lãnh thổ Ukraine nhiều gấp 5 số lần Ukraine bắn trả. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ ngay lập tức tăng lên 10:1 trong vài tuần nữa nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ", ông Cavoli nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ Christopher G. Cavoli tham dự cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Quân sự NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 19.1.2023

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ Christopher G. Cavoli tham dự cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Quân sự NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 19.1.2023

REUTERS

Theo South China Morning Post ngày 11.4, việc sản xuất tên lửa của Nga được tăng cường và có thể tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn cứ sau vài ngày. Ông Cavoli nhận định rằng nếu kho dự trữ phòng không của Ukraine cạn kiệt và không có sự cung cấp máy bay đánh chặn của Mỹ, những cuộc tấn công đó sẽ càn quét và làm tê liệt nền kinh tế, xã hội và quân đội Ukraine.

Theo ông, nếu Kyiv thất thủ, điều này có thể gây nguy hiểm cho các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vùng Baltic và có khả năng kéo quân đội Mỹ vào một cuộc chiến kéo dài ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine nói có kế hoạch phản công năm 2024

Bà Celeste Wallander, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, có mặt tại phiên điều trần cho rằng mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là đem đến một thất bại chiến lược cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn còn hiệu lực.

"Chúng tôi làm điều này vì lợi ích, an ninh quốc gia Mỹ và sự ủng hộ của người Mỹ cho Ukraine. Nhưng, mục tiêu cuối cùng là giúp người Mỹ đảm bảo an toàn trong và ngoài nước", theo bà Wallander.

Tương lai viện trợ mờ mịt

Theo tờ Washington Post ngày 10.4, các hoạt động bỏ phiếu để viện trợ cho Ukraine của Mỹ vẫn "giậm chân tại chỗ'. Vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã từ chối bỏ phiếu về dự luật ngân sách liên quan đến gói viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ngày 28.3.2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

REUTERS

Sau nhiều tháng từ chối đưa dự luật ngân sách này ra bỏ phiếu, ông Johnson hiện đang tìm cách thúc đẩy nó trong tháng 4 này, bất chấp lời đe dọa từ các thành viên bảo thủ - những người đe dọa sẽ phế truất ông nếu ông làm vậy. Tuy nhiên, ông Johnson chưa công bố thời điểm cụ thể về cuộc bỏ phiếu.

Hiện các nhà lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về việc tài trợ bổ sung cho Ukraine, mặc dù biện pháp này dự kiến sẽ được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa nếu nó được đưa ra bỏ phiếu.

"Đó là một vấn đề cực kỳ phức tạp vào thời điểm rất hỗn loạn. Đồng hồ đang điểm và mọi người ở đây đều cảm thấy sự cấp bách của gói viện trợ cho Ukraine, nhưng quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận về vấn đề này và chúng tôi đang làm việc để tìm giải pháp," ông Johnson nêu rõ.

Tướng Mỹ nói Ukraine đang thất thế nghiêm trọng trước Nga

Hướng mũi dùi vào châu Âu

Giới chức Mỹ cho rằng gói hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine là chưa đủ, theo Washington Post ngày 10.4.

Hạ nghị sĩ Mỹ Cory Mills cho biết Đức, Pháp và các nước khác ở châu Âu vẫn chưa thực hiện đủ cam kết với NATO là chi 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, Ukraine chưa đưa ra được kế hoạch và cách thức giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Ông Mills nói: "Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về 3 ưu tiên cho một sự thay đổi: nước Mỹ, người Mỹ và lợi ích của người Mỹ".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự họp báo chung ngày 20.4.2023

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự họp báo chung ngày 20.4.2023

REUTERS

Hạ nghị sĩ Michael Waltz cũng chỉ ra sự thiếu hụt liên tục trong chi tiêu của các đồng minh NATO cho chi tiêu quốc phòng của họ. Ông Waltz chỉ trích điều này thật "thảm hại" khi hiện chỉ có 11 thành viên của liên minh NATO đáp ứng cam kết mức 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Mặc dù con số đó sẽ sớm đạt tới 20/32, nhưng sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia.

Ông Waltz nói thêm về viện trợ của các nước châu Âu cho Ukraine: "Họ đang yêu cầu chúng tôi "năn nỉ" người dân Mỹ hết lần này đến lần khác. Người dân Mỹ hãy chi nhiều hơn vì các chính trị gia châu Âu không thể bắt người của họ chi trả. Đó là một thỏa thuận tốt cho châu Âu, nhưng hoàn toàn tồi tệ với Mỹ".

Hạ nghị sĩ Mỹ Bill Keating cũng lên án rằng trong khi các quốc gia châu Âu đã không hành động nhiều hơn để giúp đỡ Ukraine, thì chính Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson là người đang duy trì nỗ lực lưỡng đảng để hỗ trợ nhiều hơn cho Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.