TNO

Tướng Nga: Cam Ranh thời Liên Xô như họng súng chĩa vào đầu đối phương

24/07/2016 08:00 GMT+7

(Tin Nóng) Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, cựu chỉ huy việc xây dựng Cam Ranh thời Liên Xô nói với Tạp chí công nghiệp - quân sự Nga rằng căn cứ Cam Ranh thời gian Liên Xô trú đóng “như họng súng chĩa vào đầu đối phương” trên Biển Đông.

(Tin Nóng) Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, cựu chỉ huy việc xây dựng Cam Ranh thời Liên Xô nói với Tạp chí công nghiệp - quân sự Nga rằng căn cứ Cam Ranh thời gian Liên Xô trú đóng “như họng súng chĩa vào đầu đối phương” trên Biển Đông.

Theo Tạp chí công nghiệp - quân sự Nga ngày 20.7.2016, Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov vừa qua có buổi hội đàm kéo dài gần 4 giờ với đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Nga mới đây. Tướng Aistov chính là người chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng cơ sở cho quân đội Nga ở Cam Ranh thời Liên Xô còn sử dụng căn cứ này.

Cam Ranh, căn cứ quân sự được thiên nhiên ưu đãi

Gần đây Hải quân Nga bắt tay xây căn cứ trên đảo Matua trong quần đảo Kurils, tuy nhiên diện tích 52 km2 của đảo này vừa nhỏ, xa khu dân cư và không so bì nổi với căn cứ Cam Ranh, nơi chỉ riêng mặt vịnh đã hơn 100 km vuông, độ sâu 32 m, đủ đón hơn 40 tàu chiến và cả tàu sân bay vào cùng lúc.

Chưa kể bán đảo phía bắc và nam dẫn vào vịnh như yết hầu, cùng các ngọn núi vây quanh tạo thành pháo đài thiên nhiên bảo vệ vịnh Cam Ranh vững chắc. Đây là một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới, theo tướng Aistov.

Từ tháng 8.1886, tàu tuần tra Vityaz của nước Nga Sa hoàng từng ghé Cam Ranh. Việc xây cảng ở Cam Ranh được Pháp bắt đầu từ những năm 1930, rồi sau này là Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Tướng Aistov cho hay người Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh Cam Ranh với 2 đường băng (dài 3,5 km, đủ cho máy bay ném bom chiến lược đáp), cùng các khu nhà của phi công, kho hàng, bệnh viện, xưởng sửa chữa tàu… Lối vào vịnh còn có các đơn vị pháo binh bố trí trên núi cao.

Tướng Aistov cho biết Liên Xô và các nước khối Hiệp ước Warsaw đã chi viện rất lớn cho miền bắc Việt Nam đánh Mỹ, với hơn 5.600 khẩu súng chống tăng, 316 máy bay chiến đấu, 23 dàn tên lửa phòng không S-75M, 2 trung đoàn tên lửa S-125, gần 700 xe tăng, hơn 70 tàu… “Trong những thời điểm khó khăn nhất, tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến Liên Xô luôn có mặt trên Biển Đông để bảo vệ Việt Nam”, tướng Aistov nói.

Cam Ranh từng là cơ sở hậu cần quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong 23 năm

Sau năm 1975, Liên Xô đã quan tâm đến căn cứ Cam Ranh. Phó đô đốc Hải quân Liên Xô là Valentin Kozlov đã đến khảo sát tỉ mỉ quân cảng này theo chỉ đạo của tư lệnh hải quân Liên Xô lúc đó là ông Sergei Gorshkov. Sau đó ông Kozlov làm bản báo cáo đề xuất sử dụng Cam Ranh làm điểm cung ứng dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền Liên Xô hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông ấn tượng với các cơ sở dịch vụ của Mỹ xây dựng trước đó ở Cam Ranh kéo dài cả 100 km.

Ngày 2.5.1979, chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước sử dụng chung căn cứ Cam Ranh trong vòng 25 năm, đến năm 2004, và tự động gia hạn sau 10 năm.

Máy bay săn ngầm Tu-142M của Liên Xô ở Cam Ranh thập niên 1990

Ban đầu đơn vị hậu cần 922 của Hải quân Liên Xô đến Cam Ranh, thiết lập nơi đây là điểm cung cấp từ thực phẩm, quân trang quân dụng, nhiên liệu, rồi bệnh viện, cứu hoả, và cả ngân hàng. Liên Xô xây trạm điện diesel và turbin khí ở đây để tự chủ về năng lượng.

Lính thuỷ Liên Xô ở Cam Ranh được hưởng các dịch vụ tiện nghi trên bờ, có cả bãi tắm, nhà hát…

Cam Ranh như họng súng chĩa vào đầu đối phương

Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, cựu chỉ huy việc xây dựng Cam Ranh thời Liên Xô - Ảnh: Tạp chí công nghiệp - quân sự Nga

Tuy nhiên việc xây dựng căn cứ chỉ thực sự diễn ra từ năm 1982 với binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17 (hạm đội Thái Bình Dương) đảm nhận tái thiết Cam Ranh.

Đó là thời cao điểm chiến tranh lạnh, khi đứng trước mối lo về các cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ tàu sân bay và tàu ngầm vào Liên Xô đã khiến các lãnh đạo Liên Xô quyết định triển khai hải quân ra thế giới để ngăn ngừa từ xa các đòn tấn công của đối phương.

Binh  đoàn số 17 xây dựng các cơ sở hạ tầng để phát hiện và theo dõi tàu sân bay, tàu ngầm, tên lửa cùng những dấu hiệu hành quân của địch để dễ tiêu diệt. Việc bảo đảm an ninh cho máy bay và tàu bè của Liên Xô thuộc trách nhiệm của quân đoàn này.

Lúc đó Liên Xô còn có binh đoàn tác chiến chiến dịch số 5 ở Địa Trung Hải, số 8 ở Ấn Độ Dương, số 7 phụ trách Đại Tây Dương và Bắc cực.

Còn binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17 ở Cam Ranh phụ trách Thái Bình Dương. Binh đoàn này gồm có sư đoàn tàu ngầm số 38, trung đoàn tàu chiến số 119, sư đoàn tàu vận tải 255 và 300, trung đoàn không quân 169, đơn vị đặc nhiệm dưới nước số 501, trung tâm thông tin…

Tướng Aistov nhận xét, với địa thế quan trọng trên Biển Đông, Cam Ranh như họng súng chĩa vào đầu đối phương. Đây là nơi rất thuận lợi để có thể triển khai phản ứng nhanh trước các động thái của đối phương. Lúc đó đối diện Cam Ranh là 2 căn cứ của Mỹ ở Philippines: Subic (hải quân) và Clark (không quân). Số lượng máy bay, tàu chiến Mỹ ở 2 căn cứ này nhiều hơn Liên Xô ở Cam Ranh, nhưng Liên Xô chú trọng chất lượng hơn là số lượng.

Lần tấn công khiến máy bay Mỹ không dám lai vãng gần Cam Ranh

Theo ông Aistov, thời gian Liên Xô đóng quân ở Cam Ranh, Mỹ thường xuyên cho máy bay, tàu chiến theo dõi và khiêu khích.

Khi máy bay trung đoàn 169 bay làm nhiệm vụ trinh sát, săn ngầm, có lần máy bay chiến đấu Mỹ áp sát và có hành vi khiêu khích, thậm chí còn giơ cho xem… búp bê tình dục (?). Mỹ cũng muốn thu thập thông tin về máy bay Liên Xô hoạt động ở Cam Ranh.

Máy bay trinh sát và săn ngầm Tu-142M tại Cam Ranh thập niên 1980 - Ảnh: ru.wikipedia.org

Một lần nọ, máy bay của chỉ huy trung đoàn 169 là trung tá Semerov được thông báo có một chiến đấu cơ F-4 của Mỹ cách Cam Ranh khoảng 100 km. Ông tắt tín hiệu để tránh máy bay Mỹ, rồi sau đó bắt tín hiệu radar ven bờ để bay thấp, rồi từ hướng mặt trời ông bí mật cho máy bay tăng tốc lao lên phía chiếc máy bay Mỹ thâm nhập không phận. Radar trên máy bay bật lên, máy bay của trung tá Semerov phóng 1 tên lửa về máy bay Mỹ, có tính toán về khoảng cách. Phi công Mỹ không thấy máy bay Liên Xô nhưng radar báo có tên lửa đang lao tới. Máy bay Mỹ liền mở hết tốc lực bay thoát tên lửa và lao thẳng ra biển khơi.

Sau vài lần áp dụng chiến thuật tương tự, không một máy bay Liên Xô nào còn bị máy bay Mỹ quấy rầy nữa.

Áp dụng công nghệ xây dựng quân sự hiện đại nhất

Tướng Aistov cũng nhắc lại thời ông tham gia việc chỉ huy xây dựng lại Cam Ranh, mà theo ông là gần như xây mới hoàn toàn với quy mô hơn hẳn Pháp và Mỹ đã làm. Năm 1987, khi ông đến căn cứ, Liên Xô đã xây mới đến 440 toà nhà và đơn vị hạ tầng. Năm 1988 là 28 đơn vị và năm 1989 là 131 đơn vị.

Tranh vẽ mô tả hoạt động của tàu Liên Xô lúc đóng ở Cam Ranh năm 1985 - Nguồn: academic.ru

Đơn vị xây dựng chủ lực của Liên Xô ở Cam Ranh là Đơn vị Zagrantehstroy số 22 của Bộ Quốc phòng Liên Xô, từng xây các cơ sở quân sự tầm cỡ thế giới. Tướng Aistov là chỉ huy đơn vị này.

Đơn vị của ông xây 7 doanh trại cho lính thuỷ và lính tàu ngầm, 2 nhà ăn sức chứa 500 ghế, bệnh viện 100 giường, nhà Hữu nghị với 400 chỗ ngồi, rạp chiếu phim, 2 cơ sở thể dục, trường trung học cho 120 học sinh, 16 ngôi nhà với 700 căn hộ, trạm điện 24.000 KW.

Quan trọng nhất, Cam Ranh được xây dựng thêm các trung tâm thông tin liên lạc, kho bảo quản tên lửa, mìn, ngư lôi, xăng dầu, khi dự trữ thực phẩm, thiết bị kỹ thuật, và 2 kho lạnh công suất 270 tấn.

Các cơ sở xây mới được áp dụng công nghệ hiện đại nhất, chẳng hạn kho bảo quản tên lưa hành trình đảm bảo tên lửa có thể hoạt động được trong môi trường nhiệt đới.

Tham gia xây dựng bên cạnh công nhân Liên Xô còn có công binh của Việt Nam, có lúc đến 5.000 người.

Đài tưởng niệm phi công Su-27 Liên Xô hy sinh ở Cam Ranh - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Những mất mát

Trong thời gian đóng quân ở Cam Ranh, đã có 44 quân nhân Liên Xô và 176 người Việt Nam qua đời vì các tai nạn. Ở Cam Ranh có dựng một tượng đài kỷ niệm những hy snh này. Những tai nạn đáng chú ý có phi hành đoàn máy bay ném bom chiến lược Tu-95 hy sinh ngày 13.2.1985, phi công và hành khách của máy bay vận tải An-12 rơi ngày 8.7.1989 khi đang hạ cánh, phi công Su-27 của đội bay Dũng sĩ Nga rơi gần Cam Ranh ngày 12.12.1995…

Chờ ngày trở lại

Khi được hỏi vì sao Nga rút khỏi Cam Ranh, tướng Aistov cho rằng vào thời điểm hết hạn của hiệp ước, hải quân Nga đã phải hạn chế các hoạt động trên các đại dương, nên lãnh đạo Nga lúc đó cho rằng Cam Ranh không còn cần thiết với Nga.

Tàu vận tải Liên Xô tại Cam Ranh

Vì vậy ngày 2.5.2002, chính phủ Việt Nam và Nga ký hiệp ước bàn giao lại Cam Ranh cho phía Việt Nam, Nga chính thức rút khỏi nơi này. Sau đó Việt Nam đưa sân bay Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tếvào phục vụ. Còn với các cơ sở phục vụ hải quân thì không có gì trở ngại, theo ông Aistov.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam và Liên bang Nga - đối tác chiến lược của Việt Nam phải sử dụng các tiềm năng hiện có để phát triển vì lợi ích của cả hai nước. Với thái độ này, chúng ta chẳng lo bất kỳ vấn đề gì”, tướng Aistov nói với Tạp chí công nghiệp – quân sự.

Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam tại căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà - Ảnh: Nguyễn Chung

Khi được hỏi liệu Nga sẽ quay lại Cam Ranh, ông Aistov nhận định rằng ngày nay Việt Nam là đất nước mở cửa, du lịch đang được đẩy mạnh, nhưng phải đối mặt với vấn đề môi trường. Trong khi đó Nga là một trong những nước hàng đầu về công nghệ xử lý chất thải, xử lý nước, nên hợp tác công nghệ giữa hai nước là rất gần gũi. Và với kinh nghiệm trong việc xây dựng ở lĩnh vực dân dụng và quân sự, không nghi ngờ rằng Nga sẽ sớm quay lại căn cứ Cam Ranh.

Xem hoạt động máy bay trinh sát và săn ngầm Tu-142M của Liên Xô tại Cam Ranh năm 1991:



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.