Châu Hà được coi là lớp ca sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam nổi lên giữa thập niên 1950. Bà cùng với 2 người bạn thân là các nữ ca sĩ Mộc Lan và Kim Tước đã làm nên một ban tam ca vang bóng một thời. Ba giọng ca mang 3 cá tính khác nhau nhưng nhờ giọng hát thiên phú và kỹ năng hát bè điêu luyện của mỗi người mà phần hòa thanh của họ trở nên độc đáo, mỗi ca khúc họ trình bày đều là những “sản phẩm chất lượng cao”. Họ thường trình diễn trên đài phát thanh và truyền hình.
Ngoài phần tam ca, bộ ba này còn đảm nhận phần hát bè để ghi âm (đĩa nhạc) cho nhiều ca sĩ cùng thời hoặc đàn em như: Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Thanh Vũ... Tuy vậy, Ban tam ca Mộc Lan-Kim Tước-Châu Hà chưa từng thu thanh chung với nhau trong một đĩa nhạc nào. Không chỉ là ca sĩ nổi tiếng, Châu Hà còn là niềm cảm xúc, là “nhân vật chính” trong rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Văn Phụng: Suối tóc, Mưa trên phím ngà, Tôi đi giữa hoàng hôn...
|
Châu Hà tên thật là Trần Thị Hồng Tâm, sinh năm 1935. Bố của bà vốn là một thương gia gốc Hải Phòng, còn mẹ người miền Nam (dòng họ bên ngoại của bà rất mê cổ nhạc, có nhiều cậu dì ca vọng cổ rất hay). Thuở nhỏ Hồng Tâm theo học trường dòng của các nữ tu tại Sài Gòn và quen hát Thánh ca. Ngoài ra, bà còn học đàn piano với thầy Nguyễn Văn Dung nổi tiếng nghiêm khắc. Ông giỏi đủ mọi thể điệu: nhạc Mỹ, nhạc Tây phương, nhạc Âu châu... Ông bắt bà học piano, đàn 4 tiếng một ngày, cho nên Hồng Tâm rất vững về nhạc lý.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
17 tuổi (1952), Hồng Tâm về quê bố sống tại Hải Phòng. Chính nơi đây đã tạo nên “cuộc gặp gỡ định mệnh” với một con người mà sau này gắn bó với bà cho đến khi cả hai cùng từ giã cõi đời.
Một buổi sáng trong một căn nhà 2 tầng. Ở tầng trên, cô tiểu thư Hồng Tâm đang say sưa lướt mười ngón tay búp măng trên phím đàn dương cầm, bỗng cô thấy một bóng người thấp thoáng ở khung cửa. Cô ngưng đàn, nhìn ra. Đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi, anh ta lúng túng: “Xin lỗi cô! Tôi tên là Văn Phụng, con cụ Bảng đang thuê tầng dưới nhà của ba cô. Tôi đến thăm ông cụ, nghe tiếng đàn hay quá, tò mò nên đánh liều lên làm quen”.
Văn Phụng lúc đó dù chỉ mới 22 tuổi nhưng cũng đã nổi tiếng trong làng nhạc bởi khi mới 15 tuổi anh đoạt giải nhất độc tấu piano trong một cuộc thi tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội với nhạc phẩm La prière d’une vierge (Lời nguyện cầu của một trinh nữ). 18 tuổi có sáng tác đầu tay là ca khúc Ô mê ly bất hủ... Thế nhưng, lúc đó cô tiểu thư 18 tuổi Hồng Tâm chẳng hề biết Văn Phụng là ai, bởi trước đó cô sống ở miền Nam và mới chuyển ra Hải Phòng quê bố...
Văn Phụng hỏi: “Vừa rồi cô đánh bài gì mà tôi nghe hay lắm?”. “Dạ, bản nhạc tên là It's a Sin to Tell a Lie của một nhạc sĩ Mỹ mà tôi học được ở miền Nam”. Văn Phụng ngỏ ý: “Vậy cô có thể cho tôi đàn nhờ một tí?”. Rồi thì nhìn bản nhạc đặt trên giá đàn, Văn Phụng chơi một cách xuất thần mà không hề vấp váp dù mới “gặp” bản nhạc này lần đầu.
|
Hồng Tâm lúc đó cảm thấy vừa rồi mình đã “múa rìu qua mắt thợ” và cô phải “tâm phục, khẩu phục” chàng trai. Được cô gái khen rất thực lòng, Văn Phụng tràn đầy cảm hứng, anh sáng tác ngay tại chỗ một bản nhạc rồi đàn cho cô gái nghe. Cả hai rất tương đắc nhưng Văn Phụng lại không biết đặt tên cho bản nhạc ấy là gì. Rồi bỗng anh nhìn mái tóc dài chấm đất của cô gái và nói: “Mái tóc cô đẹp quá, thật là suối tóc. Đặt tên bản nhạc là Suối tóc nhé!”.
Ca khúc Suối tóc ra đời từ buổi đó, sau này Văn Phụng mới đặt lời: “Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi...”. Ca khúc Suối tóc chính là xuất phát điểm cho một mối tình thật đẹp, dù họ phải vượt qua muôn vàn sóng gió để có nhau đến trọn đời...
Nhiều người nhầm tưởng là Văn Phụng và Châu Hà đã yêu nhau từ buổi ấy, nhưng sau này bà Châu Hà kể lại: “Sau đó chúng tôi không gặp nhau nữa là vì đó là năm 1952 mà mãi đến năm 1954 mới di cư. Từ 1952 đến 1954 chúng tôi không gặp nhau vì có quen nhau đâu, có bạn bè gì đâu. Ông đã lấy vợ rồi. Tôi đâu có màng đến người có vợ. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, còn trẻ quá. Nhà ông cụ, bà cụ tôi khá giả thành ra cụ cứ phải chọn lựa người đúng cho mình. Người ta lầm, người ta tưởng thời gian đó chúng tôi lấy nhau rồi hay đã yêu nhau rồi bị gián đoạn. Cái đó không đúng đâu”.
|
Sau khi di cư vào Sài Gòn sinh sống, năm 1955 Hồng Tâm được người anh nuôi là Đoàn Văn Cừu, Tổng giám đốc Đài phát thanh Việt Nam, dành cho 1 giờ mỗi ngày để hát trên đài phát thanh khi đài tăng cường giờ phát sóng từ 8 tiếng lên thành 24 tiếng mỗi ngày. Vì phải trốn nhà đi hát, sợ bố mẹ biết nên cô lấy nghệ danh là Châu Hà. Rồi nhạc sĩ Hoàng Trọng phát hiện khả năng của các ca sĩ từng hợp tác với ông nên lập ban tam ca Mộc Lan-Kim Tước-Châu Hà...
Gặp lại cố nhân
Cũng khoảng năm 1955, ca sĩ Châu Hà gặp lại nhạc sĩ Văn Phụng khi ông từ Nha Trang vào Sài Gòn. Gặp lại nhau nhưng “phải” coi nhau như là bạn vì lúc này Châu Hà đã có chồng... Văn Phụng cũng lập ra ban tam ca nam với Nhật Bằng và Ngọc Giao, vậy là 2 nhóm tam ca này thường hội họp sinh hoạt văn nghệ. Chính trong khoảng thời gian này, tình cảm giữa hai người càng thêm sâu đậm dù mỗi người đều yên bề gia thất.
Bà Châu Hà kể lại, thời gian đó Văn Phụng có sáng tác bài Mưa trên phím đàn lời lẽ thê thiết với những câu: “Còn nhớ chăng chốn xưa nơi đây mỗi chiều mưa/ Bạn khẽ ngân tiếng ca, tôi say sưa trên phím ngà/ Biết đâu đường đời sương gió đành chia lìa/ Thời gian qua ngàn hoa úa, xuân vui không về/ Bạn hỡi, nay thấy đâu tình thương mến/ Nơi cũ mưa đang rơi triền miên/Mình tôi lặng lẽ ôm phím đàn/ Lời ca xưa chìm lắng trong phai tàn...”. Viết xong ông đưa cho người bạn thân là nhà văn Thanh Nam nhờ góp ý. Ông Thanh Nam bèn truy hỏi người có giọng ca trong bài hát là ai? Văn Phụng bèn thú thật là yêu một phụ nữ đang... có bầu ! Thanh Nam hết hồn, gặng hỏi. Văn Phụng đáp: “Không phải vậy, cô ấy đang có chồng!”.
Vậy rồi trong một lần họp mặt, Thanh Nam cầm bàn tay của Châu Hà và viết vào đó 2 mẫu tự “V.P” , Châu Hà đã hiểu được tấm chân tình của Văn Phụng. Vậy là, tuy không được sống bên nhau nhưng họ vẫn “yêu nhau trong tiếng ca, tiếng đàn” hoặc với những nhớ nhung, đớn đau. Và với tâm trạng đớn đau, Văn Phụng đã sáng tác Tôi đi giữa hoàng hôn: “Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, hay những đường xa. Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười, mắt say sưa thắm mộng đời... Nhớ đêm nao, trên bến tìm sao, hai đứa nhìn nhau không nói một câu. Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào. Như thầm hẹn nhau mùa sau...”.
|
Và cái “hẹn nhau mùa sau” đã đến, năm 1963 họ đã “góp gạo thổi cơm chung” sau khi đã cùng nhau vượt qua mọi trở ngại. Hai người không rời xa nhau cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời vào ngày 17.12.1999 tại bang Virginia (Mỹ) trong sự tiếc thương vô hạn của vợ con và bạn bè. Trước khi qua đời, Văn Phụng đã viết ra 3 ca khúc gửi lại cho vợ là Vĩnh Biệt Châu Hà, Em ở lại và Anh đi...
Bà Châu Hà nói sau khi ông Phụng mất, nhiều năm liền bà không dám nghe nhạc của chồng sáng tác vì niềm đau khôn nguôi. “Tôi nghe nhạc, tôi bị hoảng sợ ngay lập tức, suốt 7 năm trời. Nghe nhạc là bị, thế là đi nhà thương, tìm không ra bệnh lại về. Bảy năm như thế, không dám nghe nhạc của Phụng nữa bởi vì nó đau quá. Mình mất tình yêu của mình đau quá không muốn nghĩ tới nữa. Nghĩ tới vẫn còn thấy đau”.
Bà Châu Hà đã khắc lên bia mộ của chồng tên bài hát Tiếng hát với Cung đàn (Tiếng hát là Châu Hà, Cung đàn là Văn Phụng). Bà còn cho khắc tên mình vào đó, nhiều người cho là điềm gở, nhưng bà mặc kệ, nói rằng nếu là điềm gở thì cũng may mắn cho bà vì được đi theo chồng...
Sau 22 năm “vọng phu”, vào lúc 3 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 15.8.2021 tại Vienna (Virginia, Mỹ) danh ca Châu Hà đã thỏa được ước nguyện “Tiếng hát” nương theo “Cung đàn”. Bà giã từ trần thế, bỏ lại sau lưng một thiên tình sử tuyệt đẹp cùng những ca khúc bất hủ của Văn Phụng thấp thoáng dáng hình của bà.
Bình luận (0)