(TNO) Năm 2014 đánh dấu việc Trung Quốc ồ ạt thực hiện các dự án cải tạo đất trên 6/7 thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, biến các đảo/đá và bãi chìm này thành các đảo “nhân tạo” lớn với hệ thống đường băng, cảng tàu và các cơ sở quân sự và dân sự khác.
Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ trên đảo Gạc Ma - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Hành động này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có những tác động rất lớn tới cục diện, tình hình tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông. Đại tá, PGS,TS. Hồ Khang Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã nhận định về việc này trong những mối tương quan cụ thể.
Trước tiên, phải khẳng định rằng, coi Biển Đông là "không gian sinh tồn", mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ hải quân chiến lược, Trung Quốc đặt mục tiêu sở hữu bằng được các quyền lợi sống còn của Biển Đông, mở rộng cương vực hoạt động nhằm tạo thêm sức mạnh trong cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương và giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn lực trước áp lực của sự phát triển.
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập lực lượng hải quân trên đảo Trường Sa, ngày 7.5.1988 - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh chụp lại từ tư liệu ở Bảo tàng Hải quân VN
|
Để thực hiện mục tiêu, Trung Quốc sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau như "vết dầu loang", “tằm thực”, “cắt lát salami”, “bóc cải”…, lấn dần từng bước theo kiểu “gặm nhấm Biển Đông”, tránh tạo ra các bất ổn phá vỡ mối quan hệ với ASEAN và tránh thúc đẩy Mỹ quay lại khu vực.
Theo thời gian, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng quyết liệt hơn, nhất là từ thập niên 90 (thế kỷ 20) đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 - thời kỳ Trung Quốc coi là then chốt, dịp may lịch sử để giải quyết “cơn khát” lãnh hải. Cùng với sức mạnh tổng hợp tăng lên nhanh chóng khiến khoảng cách về kinh tế, quân sự, quốc phòng trong tương quan với Mỹ dần thu hẹp, Trung Quốc ngày càng có các động thái leo thang có tính toán ở Biển Đông, chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang cạnh tranh trực diện, tận dụng mọi cơ hội để thay đổi luật chơi.
Hệ lụy những bước leo thang ấy là vô cùng to lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước khác trong khu vực cũng như hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Về ảnh hưởng đối với nước ta, khi xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Trường Sa (Gạc Ma và Chữ Thập), Trung Quốc nhằm kết nối với căn cứ hải quân Du Lâm (Hải Nam) và Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tam Sa) mà tính theo đường chim bay căn cứ Du Lâm chỉ cách đặc khu kinh tế Vũng Áng hơn 350km; đồng thời chiếu đến dự án Đèo Hải Vân tạo ra một gọng kìm chiến lược, hình thành một tam giác quân sự cả từ hướng biển và đất liền.
|
Nhìn chung, Trung Quốc đang tiến tới áp đặt một vùng chiến lược độc quyền, kiểm soát khu vực, đặt toàn bộ vùng Biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới tầm mắt của mình, mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược tới cực nam Biển Đông để có thể khống chế Việt Nam từ hướng biển.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực,thế giới, đe dọa trực tiếp đến an ninh các đồng minh của Mỹ và tự do hàng hải cũng như việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở Châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù, Mỹ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng có lợi ích trong tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời ở Châu Á - Thái Bình Dương. Phía Mỹ quan niệm rằng, tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời không phải là thứ mà quốc gia này có thể ban phát hoặc không ban phát cho quốc gia khác và nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực cũng như vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là thách thức trực tiếp đối với uy tín của Mỹ với tư cách là chiếc neo an ninh hoặc vị thế người đảm bảo an ninh khu vực. Vì thế, hiện Mỹ đã quyết định tái cân bằng lực lượng toàn cầu theo hướng ưu tiên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian tới, thay vì cân bằng tỉ lệ lực lượng hải quân 50-50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương như hiện nay, Mỹ sẽ điều chuyển tới khu vực Thái Bình Dương 60% năng lực hải quân của mình. Mỹ đang tích cực củng cố quan hệ với các đồng minh trong khu vực, chuyển từ chính sách trung lập” sang “điều phối và can dự” trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Mỹ đã lần lượt thông qua Nghị quyết 412 (7.2014), Nghị quyết H.Res-714 (12.2014) về Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó có nêu đích danh vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HYSY 981 (Hải Dương - 981) - đó là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lấn trên biển.
Bên cạnh đó, một số nước lớn khác cũng quan tâm đến việc giải quyết vấn đề Biển Đông, điều này tạo ra một tập hợp lực lượng mới khiến Trung Quốc e ngại và không thể không quan tâm và suy tính để điều chỉnh hành động, thái độ cho thích hợp. Cần nói thêm rằng, can dự vào Châu Á - Thái Bình Dương, Đông và Đông Nam Á, Mỹ và các nước lớn khác không hình thành nên thế kiểm soát các vùng biển bằng biện pháp quân sự. Trong bối cảnh các siêu cường không quan niệm tăng ngân sách quốc phòng là tối ưu và tính toán câu chuyện biển sao cho “ít tốn kém” nhất; đồng thời vẫn đảm bảo ổn định của khu vực. Xu hướng là nhắm tới mục tiêu quản lý các vụ việc bằng pháp luật, thúc đẩy quá trình đấu tranh hoặc thực thi pháp lý giữa các nước liên quan đến tranh chấp. Nhìn chung, Mỹ ủng hộ việc sử dụng các công cụ pháp lý quốc tế và luôn nhấn mạnh các yêu sách trên biển cần xuất phát từ các thực thể trên đất liền theo UNCLOS.
Là một nước nhỏ, tiềm lực hạn chế hơn Trung Quốc về mọi mặt, Việt Nam có lợi ích trong việc quốc tế hóa giải quyết các tranh chấp, thu hút càng nhiều sự chú ý quốc tế đối với những leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Vị trí địa - chính trị, địa - quân sự của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và khu vực khiến cho vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng lên trong các tính toán chiến lược của các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Tồn tại bên cạnh một láng giềng khổng lồ, có sức mạnh thống trị trong lịch sử thực sự là một áp lực cho Việt Nam. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là một thực tế, là một câu chuyện "không bao giờ kết thúc". Để giảm tải áp lực, để không phải thua thiệt, Việt Nam không còn con đường nào khác là không ngừng xây dựng thực lực đất nước. Lợi ích quốc gia dân tộc được đảm bảo ở mức độ nào, tùy thuộc vào đất nước mạnh hay yếu; thành công hay hạn chế trong quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thực lực mỗi nước. Thực lực của một quốc gia tất nhiên phải được hiểu là sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, địa vị, ảnh hưởng quốc tế…
Cuốn sổ lưu niệm của anh hùng Nguyễn Văn Lanh - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh Ảnh
|
Trong một giai đoạn lịch sử hết sức nhạy cảm như hiện nay, chúng ta đã phải giải quyết tốt hai mặt đối nội, đối ngoại là yêu cầu sống còn nhằm quy tụ tối đa sức mạnh nội lực, quốc tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp cần và đủ để Trung Quốc hiểu rằng không thể dễ dàng hành xử theo lối bất chấp và tự đặt ra luật lệ của mình với nước khác.
Sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc một cách chân thành ở cả trong và ngoài nước chính là yếu tố cốt lõi làm nên sức mạnh cất cánh của đất nước. Sự gắn kết bền chặt giữa người Việt với người Việt tạo ra sức mạnh bất khả chiến bại - sức mạnh của tinh thần dân tộc, ý chí dân tộc. Việc chủ động tạo nên cục diện các nước lớn có lợi ích kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng; gắn lợi ích, gắn các chính sách của Việt Nam vào các hoạt động kinh tế và chính trị của mạng lưới khu vực rộng lớn cũng vô cùng quan trọng .
Ứng phó với Trung Quốc là cả một nghệ thuật, trong cương có nhu, trong nhu có cương, uyển chuyển giữa đối đầu và đối thoại, giữa hợp tác và đấu tranh tạo ra kết quả tốt nhất, phù hợp nhất để giữ vững ổn định và phát triển.
Bình luận (0)