Trong bảng xếp hạng về thành tích cứu thua của các thủ môn ở Premier League tính đến thời điểm này, Ederson (Man.City) đang đứng thứ… 19, với chỉ 25 lần cứu thua trong 18 vòng đấu đã qua. Ở chiều hướng ngược lại, David de Gea (M.U) nằm trong nhóm những thủ môn cứu thua nhiều nhất (53 lần).
Người ta dễ dàng nhớ lại những pha cứu nguy xuất sắc của De Gea trong các trận đấu gần đây, hoặc ở các trận đấu quan trọng, và xem đó là một phần nguyên nhân giúp đội bóng của HLV Ralf Rangnick duy trì hy vọng trở lại “top 4”. Ngược lại, rất khó nhớ ra điều gì đọng lại từ những pha bắt bóng của Ederson. Tất nhiên, Ederson là một thủ môn xuất sắc. Gần đây, có những bình luận viên cho rằng Ederson còn hay hơn Alisson trong khung thành Liverpool. Mới đây, khi Man.City thắng Newcastle 4-0 để củng cố vững chắc ngôi đầu bảng Premier League, thì Ederson cũng vừa qua mặt Alisson, chiếm ngôi đầu bảng trong thành tích giữ sạch mành lưới kể từ đầu mùa (10 trận).
Thủ môn Ederson (trái) mờ nhạt vì Man.City chơi hay, trong khi De Gea vất vả do M.U quá thiếu ổn định |
AFP |
Thế nhưng việc “chỉ” mới cứu nguy 25 lần trong 18 vòng, nghĩa là trận nào mà Ederson phải bắt bóng đến 2 lần đã là quá nhiều. Nguyên nhân dễ hiểu: Man.City bị tấn công quá ít, do lối đá ưu việt của họ. Bình quân đội bóng của Pep Guardiola chỉ phải đối diện với 6 pha dứt điểm mỗi trận, và cứ 3 lần đối phương tung cú dứt điểm thì đã có 2 quả ra ngoài. Chúng ta hiểu thêm về triết lý “chơi bóng từ thủ môn” của Guardiola. Ông không nhìn vào tài bắt bóng để chọn thủ môn (nói đúng ra thì không xem đó là tiêu chí quan trọng nhất), mà lại chủ yếu quan tâm khả năng chuyền bóng, phối hợp với hậu vệ của thủ môn. Vì đó mới là phần việc mà một thủ môn của Guardiola phải làm nhiều nhất.
Ngược lại, M.U trong suốt thời kỳ do Ole Gunnar Solskjaer huấn luyện thường chơi nặng về phòng ngự khi gặp đối thủ mạnh. Họ chực chờ cơ hội phản công. Và khả năng chống đỡ của De Gea trở thành yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại cho M.U. Gần đây, giới hâm mộ M.U có hy vọng mới, khi đội này toàn thắng ở Premier League (luôn là 1-0) dưới thời Rangnick. Kỳ thực, thế công của M.U vẫn chưa khởi sắc bao nhiêu. Họ có bóng nhiều hơn nhưng không thể áp đảo các hàng thủ tầm trung bình. Rốt cuộc, De Gea trong khung thành vẫn là nhân vật quyết định. Anh phải liên tục cứu nguy, và nếu các cầu thủ phía trên ghi được 1 bàn thì M.U thắng! Tần suất bị bắn phá cầu môn của M.U ở Premier League mùa này là 13,9 lần/trận - nhiều hơn Crystal Palace, West Ham, Wolverhampton, và tất cả các đội còn lại trong nhóm “Big 6”.
Trong triết lý Gegen-pressing của Rangnick, cầu thủ tấn công phải nhanh chóng áp sát, gây áp lực ngay khi mất bóng trên phần sân đối phương. Hệ quả là các cầu thủ phòng ngự của đội có thêm thời gian để triển khai thế thủ. Còn khi tấn công thì chỉ có hậu vệ cánh dâng cao. Tiền vệ trung tâm sẽ trụ lại giữa sân và sẵn sàng bọc lót cho khoảng trống sau lưng hậu vệ cánh. Trên lý thuyết, cách chơi này có thể sẽ dẫn đến một sự an toàn cao hơn cho cầu môn của De Gea. Thực tế ra sao, thì còn phải chờ xem tiếp.
Phải chăng đây là một sự tương phản trớ trêu giữa thủ môn của hai đội bóng thành Manchester? Họ đều là thủ môn xuất sắc. Nhưng De Gea thường tỏ ra xuất sắc khi M.U… đá không hay. Ngược lại, Ederson trông có vẻ mờ nhạt khi Man.City thành công. Cho đến khi nào tần suất cứu thua của De Gea giảm bớt, thì người xem có thể hiểu rằng M.U đã mạnh lên, như Ederson ở Man.City.
Bình luận (0)