Tượng thần mặt trời Surya bằng sa thạch được tìm thấy vào mùa hè năm 1928 trong khu vườn của một người dân ở Ba Thê, Long Xuyên, thuộc tỉnh An Giang ngày nay.
>> Võ Cạnh - bia sớm nhất của vương quốc Chăm Pa
Tượng nằm trong lòng đất khoảng 1.500 năm trước khi đem lên và đưa vào lưu giữ tại Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) vào tháng 10.1928. Từ đó đến nay, tượng được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao về hai phương diện: mỹ thuật và nội dung thần thoại (liên quan đến thần mặt trời Surya).
Về mỹ thuật, chưa đầy 10 năm sau ngày phát hiện, tượng được L.Malleret giới thiệu qua cuốn Catalogue General des collections ấn hành tại Pháp năm 1937. Gần đây nhất, tượng được GS Pierre Yves Manguin nhắc đến trong bài chuyên khảo Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long - Văn hóa Óc Eo của Việt Nam đăng trong ấn phẩm đặc biệt về hiện vật Việt Nam trưng bày tại Mỹ các năm 2009 - 2010. Hiện tượng Surya vẫn đang tiếp tục lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1.
|
Theo hướng dẫn, chúng tôi đến trước tượng thần Surya, thấy đó là pho tượng sinh động tạc trong tư thế đứng, với ghi chú về chiều cao 90 cm, bề ngang chỗ rộng nhất 38 cm, nặng 80 kg. Tượng tạo hình với mũ trụ (hình bát giác) đội trên đầu, hàng lông mày trên phía mắt phải kéo dài ra gần nối với hàng lông mày trên mắt trái, thành nét mày liên hoàn trông tựa hình đôi cánh chim mỏng đang bay, vắt ngang vầng trán của thần. Hai tai đều có đeo hoa tai dài xuống chạm vai. Cổ tay có đồ trang sức và hai bàn tay đang cầm hai nụ hoa sen đưa lên trước ngực. Nhìn kỹ, tượng thần bận áo cổ tròn có những đường gờ linh động ở thân áo, tạo thành nếp gấp mềm mại kéo dài xuống phía đầu gối. Với tạo hình mỹ thuật hài hòa, cân đối, tượng thần Surya không chỉ điển hình cho nghệ thuật chạm khắc của nền văn hóa Óc Eo một thời mà còn được xem là một trong những tác phẩm đại diện và tượng trưng cho một phong cách nghệ thuật sớm ở khu vực Đông Nam Á.
Về nội dung thần thoại liên quan đến tượng Surya, TS Bá Trung Phụ - Trưởng phòng Trưng bày và tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - khẳng định: “Nếu không tìm hiểu những câu chuyện xa xưa về thần Surya trong văn học cổ Ấn Độ, hẳn chúng ta sẽ không cảm nhận hết vẻ đẹp và giá trị của tượng này, qua đó làm rõ thêm sự mở cửa đón nhận và hội nhập của văn hóa Óc Eo đối với tinh hoa của các nền văn hóa khác”. Theo đó, chữ Surya có gốc từ tự căn “Sur” hoặc “Svar”, tức là “nguồn sáng của vũ trụ”, không chỉ rọi sáng những vật thể bên ngoài, mà còn chiếu soi vào thế giới tâm linh, siêu hình và sâu thẳm. Thần Surya ngự trị thiên giới, cùng với thần lửa Agni (ngự trị mặt đất) và thần gió Vayu (ngự trị không trung) là ba vị thần có quyền năng lớn.
Riêng Surya, cạnh vẻ nóng bức bỏng cháy bên ngoài, lại có một trái tim đằm thắm và thanh tịnh tiềm ẩn bên trong, kết hợp thành một biểu hiện của thánh thể với vẻ đẹp chói ngời. Surya có 4 vợ mang tên: Prabha (Ánh sáng), Chaya (Bóng tối), Rajni (Hoàng hậu), người còn lại và đẹp nhất là nàng Samjna (Trí tuệ) mà ông rất yêu. Thường khi bị trái ý, toàn thân thần Surya tỏa ra sức nóng gay gắt như giữa trưa mùa hạ. Song bất luận tình cảnh nào và bất cứ lúc nào trong ngày hễ gặp mặt nàng Samjna là thần mặt trời Surya vẫn dịu xuống và hóa thành những vạt nắng nhung lụa bao phủ nàng. Tuy vậy, với thiên chức là “nguồn sáng thiêng liêng” mang tên “mặt trời” nên Surya không tránh khỏi những lần đột ngột phát nóng, khiến nàng Samjna không chịu nổi sức nóng ấy nên bỏ trốn vào rừng. Surya nhớ thương lùng tìm khắp suối ngàn và biết được Samjna đang ẩn mình bên một đồi hoa Bija màu tím. Tức khắc, thần hiện ra trước mặt Samjna, Samjna liền hóa thành con nai cái phóng chạy vào rừng sâu. Surya rượt theo hóa thành con nai đực màu đồng đỏ chói lọi phóng lên ôm lấy nàng Samjna lăn ra cỏ, làm dập nát tám vạn bốn ngàn đóa Bija. Sau cơn sốt của tình yêu chiều hôm ấy, Samjna mang thai và sinh đôi một cặp con trai thông minh, đó là đôi thần Ashvins mình người đầu ngựa - tức hai vị thần chủ trì nguồn sống của mùa màng và dược thảo...
Thần Surya và ba ngôi tối linh Về nguyên lý, ba ngôi tối linh là: Trời (Dyaus) ở ngôi Cha - Đất (Prithivi) ở ngôi Mẹ - Chư thần (Aditya) ở ngôi Con. Ba ngôi này có thể ví như âm dương và các hình thái biểu thị do sự giao hòa của âm dương mà ra. Về thể hiện, ba ngôi là: Lửa (Agni) tức thể chất, Gió (Vayu) tức hơi thở, Mặt trời (Surya) tức phẩm tính sáng suốt, là những yếu tố căn bản của đời sống. Về sau thời Veda, quan niệm về ba ngôi chú trọng đến phương diện hoạt động tích cực với: thần Sáng tạo (Brahman), thần Bảo hộ (Vishnu) và thần Hủy diệt (Siva). GS Phạm Cao Dương - Lịch sử các nền văn minh thế giới - nhóm nghiên cứu sử địa Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1974 |
Giao Hưởng
Bình luận (0)