(TNO) Chiều nay (11.12), Đại hội Đoàn toàn quốc lần X bước vào phiên làm việc thứ hai với phần thảo luận tại tổ về 10 chủ đề tiêu biểu, thiết thực đối với tuổi trẻ cả nước hiện nay.
Đúng 14 giờ ngày 11.12, đã diễn ra buổi thảo luận "Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích" tại Trung tâm thảo luận số 1 (Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình) với 100 đại biểu tham dự.
|
Chủ trì buổi thảo luận có Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lâm Phương Thanh; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh; Phó trưởng ban tuyên giáo T.Ư Đoàn Trần Thanh Giang... Ngoài ra, còn có sự tham gia của các GS-TS, nhà khoa học, nhà giáo đại diện cho nhiều cơ quan, ban ngành.
Phát biểu khai mạc, anh Nguyễn Đắc Vinh nhận xét công tác giáo dục của VN hiện nay có rất nhiều thách thức. Do vậy, buổi thảo luận hôm nay sẽ có nhiều đại diện trong ngành giáo dục để mổ xẻ, chia sẻ các vấn đề thách thức thực tiễn hiện nay.
Anh Nguyễn Đắc Vinh mong muốn các đại biểu (ĐB) từng làm công tác Đoàn trải qua thực tiễn nêu ra những vấn đề cụ thể, vấn đề khó để tìm ra giải pháp, để cụ thể hóa đưa vào nghị quyết sau Đại hội.
Anh Nguyễn Đắc Vinh nói: "Hy vọng tại buổi thảo luận này, các ĐB của chúng ta khen và tự khen ít thôi, mà hãy đặt ra những vấn đề và giải pháp cụ thể, thiết thực khả thi để giúp tổ chức Đoàn làm tốt vai trò trường học xã hội chủ nghĩa cho thanh niên".
Mở đầu buổi thảo luận, GS - TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư nhấn mạnh việc Đoàn có vinh dự mang tên Bác, chính những năm tháng tuổi trẻ của Bác là kiểu mẫu của sống đẹp, sống có ích mà thanh niên cần phải học tập.
|
GS-TS Hoàng Chí Bảo kể câu chuyện cảm động về Bác: vào những năm tháng cuối đời của mình, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Cuba, Bác đã trả lời rằng: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho nhân dân tôi, dân tộc tôi và cho cả nhân loại”. Đó là câu trả lời bất hủ và rõ ràng: “Cuộc đời Bác là sự hóa thân trọn vẹn trong nhân dân mình, dân tộc mình và cho cả nhân loại” - GS-TS Bảo đúc kết.
Ai cũng trải qua tuổi trẻ, nhưng không ai hiểu hết ý nghĩa của tuổi trẻ. Qua nghiên cứu, GS-TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ kinh nghiệm rằng: “Tuổi thanh niên là rất ngắn và trôi qua rất nhanh. Thời gian ủng hộ chúng ta nhưng thời gian không đợi bất cứ ai cả. Do vậy tuổi trẻ phải tận dụng tốt thời cơ mà thời gian mang đến. Không có gì tốt hơn là mỗi ngày chúng ta tâm niệm về Bác, tấm gương của Bác để có thể thực hiện”.
Theo GS-TS Bảo, cuộc đời Bác hoàn toàn vượt qua cả hai vòng: danh và lợi, và thực hiện được triết lý sống vì người khác.
GS-TS Hoàng Chí Bảo tiếp, Bác là người thực hành xuất sắc việc lý luận gắn liền với thực tiễn. Bác từng khuyên thanh niên, tuổi trẻ rằng: “Tuổi trẻ phải ham làm việc lớn chứ không phải làm ham làm quan to”. Muốn làm được vậy, theo GS-TS Bảo thì tuổi trẻ phải dồn sức học tập. Học tập là vấn đề mà Bác đã từng dạy rằng: “Học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”.
|
Bác là người thực hành mẫu mực về dân chủ. Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, Bác là nhà thiết kế về lý luận dân chủ và cũng là người thực hành lý luận thực tiễn dân chủ một cách tốt nhất bằng chứng là suốt cả cuộc đời Bác dù ở vị trí quyền lực cao nhất mà bản thân Bác chưa bao giờ ra lệnh cho ai.
Bác cũng là nhà thực hành công tác dân vận tuyệt vời. Đó là điều mà các cán bộ đoàn có thể học tập một cách gần gũi nhất bởi chính cán bộ đoàn là người tập hợp thanh niên, tổ chức phong trào...
Bao trùm lên tất cả chính là việc Bác thực hành đạo đức cách mạng, bao gồm bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính. GS-TS Bảo đề nghị, việc rèn luyện các đức tính này phải rèn luyện ngay từ khi tuổi trẻ ngay khi bước vào quá trình lập thân, lập nghiệp.
Ngay sau những câu chuyện và chia sẻ kinh nghiệm của GS-TS Hoàng Chí Bảo, ĐB Trần Thị Hương, Trưởng ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM trao đổi: Việc học tập Bác, theo ĐB Hương, cán bộ Đoàn cần chú trọng học tập về phong cách làm việc và phong cách sống. “Hệ thống cán bộ Đoàn mà gương mẫu thì có sự tác động nhất định trong công tác vận động thanh niên” - ĐB Hương kết luận.
Ngoài ra, một trong những đóng góp, đề xuất quan trọng trong nhiệm kỳ tới theo ĐB Hương cần phải có và đặt làm trọng tâm là việc giáo dục truyền thống. Trong đó, việc giáo dục lịch sử phải được quan tâm hàng đầu và nên được quan tâm từ cấp độ thiếu nhi. Ngoài ra, vấn đề về giáo dục về chủ quyền biển đảo cũng cần phải thường xuyên và sâu rộng đến với thanh niên.
Chỉ ra điểm yếu của Đoàn trong nhiệm kỳ qua, ĐB Hương thẳng thắn đề cập đến công tác truyền thông. ĐB Hương cho rằng, cần phải phát huy sản phẩm công cụ truyền thông của Đoàn kết hợp với việc thực hiện công tác truyền thông ngoài tổ chức Đoàn. Đoàn phải chủ động thiết kế các chương trình, xuất hiện các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các game show dành cho thanh niên…
Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết cơ quan T.Ư Đoàn có trong tay nhiều tờ báo nhưng nếu viết về gương điển hình về đoàn viên, thanh niên hơi ít. Một số báo cho hay viết về gương người tốt khó quá. Nhiều báo cũng làm nhưng thực hiện nhiều kỳ thì hơi dài.
Đáp lại sự trăn trở của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Lê Anh Đạt, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong cho hay vừa qua báo có mở bốn chủ đề tập trung vào việc cổ vũ cuộc sống đẹp trong thanh niên và phần nào nhận được sự cổ vũ rất lớn từ phía bạn đọc. Nhiều bài viết về gương người tốt nhận được rất nhiều phản hồi rất tốt.
“Bạn đọc dường như đã quá chán nản với những bài viết về cái xấu. Cho nên viết về cái đẹp, cái tốt vẫn còn có đất sống”, anh Đạt nói.
Anh Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ thêm: “Vừa qua, tôi có đặt hàng với anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên về loạt bài gương người tốt, việc tốt. Một tháng sau gặp tôi có hỏi lượng loạt bài có làm số lượng phát hành của báo giảm hay không? Anh Thông trả lời không và còn cho rằng loạt bài đó còn làm cho Báo Thanh Niên sang trọng hơn”.
Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh Hoàng Văn Nam nêu lên khó khăn của cuộc vận động là một số đảng viên, đoàn viên, thanh niên lại cho rằng việc học theo Bác Hồ quá khó. Tuy nhiên nếu hiểu đúng học theo Bác rất đơn giản, dễ hiểu, điều quan trọng là cách thực hiện vận động.
Một khó khăn tiếp nữa tài liệu viết về Bác Hồ thì nhiều nhưng để cụ thể hóa những bài học đó đưa vào cuộc sống không phải là điều dễ dàng.
Theo ông Nam, thời gian qua Tỉnh đoàn Quảng Ninh phát động phong trào thiếu nhi, thanh niên làm theo lời Bác với mô hình hành trình theo chân Bác và hành trình biển đảo thiêng liêng.
“Bác đã từng nhiều lần đến Quảng Ninh, trong đó có lần đến đảo Cô Tô. Cho nên đưa đoàn viên ra đảo Cô Tô để thực hiện những công trình thanh niên trên đảo này.
|
Bà Lâm Phương Thanh (Phó ban Tuyên giáo T.Ư) nhận định thực tế 80 năm qua việc giáo dục thanh niên qua những tấm gương đẹp, vượt khó hết sức hiệu quả. Một số nơi trong đó có Quảng Ninh đã làm tốt được điều này.
Bà Lâm Phương Thanh đánh giá cao việc hệ thống Đoàn từ T.Ư đến các cấp triển khai rất sáng tạo cách làm và mô hình trong cuộc vận động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà Thanh cho biết, khi tổng kết cuộc vận động thì kết quả thu được từ hệ thống Đoàn được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, khó lớn nhất hiện nay, theo bà Lâm Phương Thanh, là biến từ cuộc vận động nói trên thành việc làm thường xuyên trong việc học tập Bác. Điều này không chỉ không chỉ xảy ra ở tổ chức Đoàn mà ở tất cả các bộ, ban ngành, tỉnh thành.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, bà Thanh đánh giá việc xác định lại lợi ích cụ thể từ cái chung cộng đồng, đến bản thân đoàn viên đã giúp cho các chương trình hành động, công tác của Đoàn khởi sắc rất tốt.
Nói về hạn chế của truyền thông của tổ chức Đoàn, bà Thanh đánh giá dù rất tích cực nhưng trong thời gian qua vẫn có những cái chưa phát huy hết hiệu quả. Bà Thanh cho rằng, muốn một bài báo hay phải có chất liệu tốt.
“Các hoạt động, nhân vật phải làm tốt, điển hình thì báo chí mới tuyên truyền tốt được. Ngoài ra, cũng cần thêm việc người viết có cảm xúc thì việc tuyên truyền mới hay được” - bà Lâm Phương Thanh đúc kết.
Ngoài ra, bà Thanh cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, quan điểm của Đoàn phải rõ ràng và kịp thời. Truyền thông của Đoàn viết cái xấu cũng cần nhưng phải chỉ ra cụ thể cái đó xấu ở đâu, giải pháp nào.
ĐB Trần Đình Long, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cũng góp ý về việc học tập và làm theo tấm gương của Bác. Theo anh Long, trong nhiệm kỳ tới, Đoàn cần giáo dục thế hệ trẻ từ nhỏ. Từ những câu chuyện hiện có về Bác, có thể cụ thể hóa, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đưa thành môn học chính thống trong nhà trường. Đó là việc để cụ thể hóa tấm gương, phong cách sống của Bác trong quá trình phát triển của thế hệ trẻ.
Đề cập đến mô hình học tập Bác có hiệu quả ở địa phương, ĐB Long cho biết tuổi trẻ Hà Tĩnh thực hành tiết kiệm trong việc cưới xin. “Một mâm cưới của địa phương chúng tôi được phát động không thuốc lá, không mời rượu, một mâm cưới chỉ khoảng 100.000 đồng, giúp tiết kiệm đáng kể cho các đôi vợ chồng trẻ. Đó là việc tiêu biểu thực hành tiết kiệm để học tập Bác, để chiến thắng cái tôi hiếu thắng, ganh đua nhau của tuổi trẻ”.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho hay ông vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Tuy nhiên, lúc đó ông Phúc còn trẻ nên chưa hiểu hết những ý nghĩa mà Bác Hồ răn dạy.
Theo ông Phúc, học Bác Hồ chính là học tấm gương của sự vượt khó, học ở cuộc sống giản dị, yêu thương con người. Điểm nổi bật của Bác Hồ là biết rất nhiều ngoại ngữ và đều do Bác tự học.
Từ đó, ông Phúc kiến nghị tổ chức Đoàn nên phát động phong trào cuộc sống đẹp không chỉ trong thanh niên mà trong mọi đối tượng. Ngoài ra cần phải giáo dục con người có đức tính trung thực.
“Tôi nghĩ hiện nay đoàn có nhiều lợi thế để thúc đẩy cuộc sống đẹp, cuộc sống trung thực. Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương rất hay về vượt khó, làm giàu chính đáng, ý chí vươn lên. Phần lớn những tấm gương này lại rơi vào người trẻ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Đoàn cũng cần quan tâm tới lợi ích chính đáng của giới trẻ, thanh niên, chứ đòi hỏi mà không quan tâm tới lợi ích của thanh niên sẽ không tạo được hiệu quả. Cần phải cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật Thanh niên.
Tổ chức Đoàn cũng nên phối hợp với ngành giáo dục quan tâm hơn tới nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng lượng cao ở đây bao gồm cả người lao động, công nhân có tay nghề giỏi chứ không chỉ riêng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ…
Nguyễn Trọng Hoàng, Bí thư Thành đoàn TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết trước nay Đoàn ít lưu tâm trong việc đấu tranh phê phán. “Trước khi sống đẹp, sống có ích thì lớp thanh niên phải biết phê phán, đấu tranh với cái xấu” - Hoàng đúc kết.
Ngoài ra, theo ĐB này, Đoàn cũng phải quyết liệt hạn chế bệnh hình thức trong việc tuyên truyền, đề nghị: “Nói ít làm nhiều, cụ thể hơn”. Ví dụ như: Thanh niên nông thôn làm gì, thanh niên công chức trẻ thì làm gì? Hiện nay việc vận động vẫn còn chung chung mà thiếu tính đặc thù. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn còn yếu, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.
Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng mạng, internet trong việc tuyên truyền, anh Hoàng cho rằng nhiềm kỳ tới Đoàn cần đẩy mạnh vai trò giáo dục trong cộng đồng, vận động những người chủ cộng đồng mạng cùng tham gia cùng Đoàn trong công tác tuyên truyền.
Các hoạt động thiết thực và mang ý nghĩa cần được đẩy mạnh hơn nữa ví dụ như chương trình Thắp nến tri ân.
ĐB Hoàng cho rằng nhiệm kỳ tới Đoàn tiếp tục cần nhân rộng gương điển hình một cách sâu hơn và rộng hơn. Về công tác giáo dục, cần phối hợp chặt chẽ nhiều hơn với các Ban ngành…
Chia sẻ với ý kiến đóng góp của ĐB Hoàng, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết nhiều đoàn viên cho rằng việc phát hiện các gương điển hình thường thì T.Ư làm tốt, tuy nhiên thực tế thì các gương điển hình đa số đều được phát hiện từ cơ sở. Chính từ việc phát hiện ở cơ sở mà các gương điển hình được T.Ư biết đến. Từ đó có sự kết hợp với các cấp ủy địa phương để tuyên truyền và nhân rộng trong thanh niên cả nước.
Kết thúc buổi thảo luận, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh thừa nhận cán bộ tuyên giáo của Đoàn hiện nay đang thiếu thuyết phục đối với thanh niên.
Từ đó, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định nội dung của cuộc tọa đàm này sẽ kéo dài suốt nhiệm kỳ tới. Theo đó, T.Ư đoàn sẽ vừa thảo luận, vừa trao đổi và cụ thể hóa những vấn đề đại biểu nêu lên ở hội thảo để áp dụng trong thực tế. Tránh trao đổi, bàn luận rồi để đó.
“Từ chủ trương đến thực tiễn không dễ chút nào. Nói phải đi đôi với làm. Nói mà không làm thì khi nói sẽ khiến người khác khó nghe”, anh Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh. (Thành Trung - Trung Hiếu)
Qua triển khai thực hiện, việc học tập và làm theo Bác đã tạo ra được phong trào thi đua sâu rộng, sự chuyển biến mạnh mẽ trong thế hệ trẻ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng lý tưởng sống đẹp, sống có ích trong thanh niên hiện nay. Có rất nhiều những mô hình, điển hình, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo từ cơ sở thể hiện qua những con số ấn tượng như: tôn vinh 58.581 tập thể và 1.035.295 cá nhân điển hình tiên tiến làm theo lời Bác qua các Gặp gỡ, Liên hoan, Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Hơn 2 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia viết “Nhật ký làm theo lời Bác”; phát hành 40.000 cuốn sách “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; 2.000 đĩa phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”; trang bị hơn 19.000 tủ sách với hơn 1,1 triệu cuốn sách làm tài liệu phục vụ sinh hoạt, học tập về Bác; tổ chức hơn 8.000 chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”... Các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu thanh niên được tổ chức đã thu hút số lượng lớn đoàn viên, thanh niên tham gia. Tiêu biểu như diễn đàn: “Thanh niên cán bộ công chức trẻ học tập và làm theo lời Bác”; “Hành trình theo chân Bác”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”... Đặc biệt, đoàn viên thanh thiếu nhi cả nước đã xây dựng, sáng tạo hàng trăm mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực trong quá trình thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; tiêu biểu như: "Nhật ký làm theo lời Bác"; "Sổ Vàng học tập và làm theo lời Bác"; "Sổ tay tự rèn"; cuộc thi "Tôi yêu Tổ quốc, tôi yêu đồng bào"; mô hình "Xây dựng ý thức tiết kiệm, tiêu dùng đúng khả năng"; "Quỹ đồng đội" của thanh niên quân đội; thực hiện khẩu hiệu “Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân” của thanh niên công an... Thông qua hoạt động các địa phương đã triển khai cho thấy, các nội dung tuyên truyền giáo dục về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có tác động và sức ảnh hưởng to lớn đến tâm tư tình cảm của đoàn viên thanh niên, đã hình thành và tạo ra những giá trị tốt đẹp trong thanh thiếu nhi, biểu hiện ở lối sống đẹp, sống có ích, vì cuộc sống cộng đồng của đông đảo đoàn viên thanh niên, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. (Trích báo cáo đề dẫn tại Trung tâm thảo luận “Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích") |
10 trung tâm thảo luận tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần X 1. Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích. |
Cần chú trọng chất lượng đoàn viên
Tại trung tâm thảo luận số 2, 100 đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần X đã tham gia thảo luận chủ đề "Xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân".
Phát biểu tại buổi thảo luận, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang, anh Mai Sơn cho rằng: Đoàn muốn mạnh thì đội ngũ cán bộ phải thực sự am hiểu về chính trị, trình độ lý luận để tham gia định hướng cho thanh niên. Công tác phát triển đoàn viên hiện tại vẫn nặng về giao chỉ tiêu số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng. Điển hình là khu vực nông thôn, miền núi thậm chí là ở các đô thị, số lượng đoàn viên luôn biến động do đi làm ăn xa hoặc di cư đến địa bàn khác. Thế nên có muốn phát triển Đoàn cũng không biết tìm đâu ra thanh niên để kết nạp.
Thế nên có thực trạng, chi đoàn tranh thủ dịp Tết, hè để tổ chức hội nghị và cử luôn cán bộ Đoàn chứ không thể tổ chức hội nghị để bầu cử.
Anh Sơn kiến nghị, công tác Đoàn nên chú trọng vào chất lượng đoàn viên chứ không nên giao chỉ tiêu áp đặt về số lượng.
Theo anh Sơn, để thu hút tập hợp các nhóm thanh niên tự phát vào phong trào Đoàn, cán bộ Đoàn, Hội nên chủ động tìm đến với họ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chủ động tìm hiểu nhu cầu để trợ giúp. Theo cách này, Đoàn vẫn có thể nắm bắt và định hướng đồng thời giúp họ xây dựng tổ chức hoạt động chủ động, chuyên nghiệp hơn. (Phan Hậu)
|
|
Người trẻ cần được tin tưởng, giao việc để trưởng thành
Tại trung tâm số 5 (trụ sở Bộ Nội vụ), các ĐB đang thảo luận về nguồn nhân lực trẻ xây dựng đất nước. Chánh văn phòng Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Hà Thảo Chi đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay của TP.Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện cho người trẻ cơ hội để cống hiến.
Một trong những mô hình đó là Câu lạc bộ (CLB) trẻ. Theo Thảo Chi, đây là mô hình trực tiếp chịu sự chỉ đạo, quản lý, gợi ý hoạt động của Thành ủy Đà Nẵng, được hình thành từ năm 2004.
CLB tập trung tất cả cán bộ trẻ có triển vọng phát triển, chức danh từ phó trưởng phòng trở lên đến phó giám đốc các sở, quận, huyện ủy viên và là nơi cán bộ trẻ giao lưu, đóng góp các ý kiến phản biện cho lãnh đạo TP về các chính sách, quy định trước khi ban hành, áp dụng trong thực tiễn.
Thảo Chi đơn cử, vừa rồi TP muốn triển khai một trung tâm hành chính tập trung cho tất cả sở ngành tại một tòa nhà, các cán bộ trẻ ở CLB được mời phản biện, góp ý, những ý kiến đó được lãnh đạo rất chăm chú lắng nghe, tiếp nhận, phân tích cân nhắc nhiều mặt trước khi quyết định.
CLB công chức trẻ còn có một cách làm khác nữa rất hữu ích, đó là tập trung trí tuệ, thông tin ở lĩnh vực hoạt động của mỗi thành viên thành một cuốn sổ tay thông tin nho nhỏ, giúp cho các lãnh đạo TP nắm bắt thông tin ở tất cả các lĩnh vực để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, công tác điều hành.
Ngoài ra, theo Thảo Chi, ở Đà Nẵng còn có mô hình xuất bản các bản tin ý tưởng hằng quý. “Đây là nơi cán bộ trẻ đưa ra các ý tưởng, như ở Đà Nẵng có sản phẩm thi trình diễn pháo hoa quốc tế hàng năm, xây trụ sở hành chính tập trung cấp TP… đều do các cán bộ trẻ đề xuất với lãnh đạo TP”, Thảo Chi nói.
Cũng theo cán bộ Đoàn trẻ tuổi này, hằng năm TP vẫn dành phần thưởng cao cho các ý tưởng xuất sắc của cán bộ trẻ, với giải nhất 100 triệu đồng, giải nhì 70 triệu đồng và giải ba là 50 triệu đồng. Theo Thảo Chi, đây là sự động viên trân trọng rất lớn lãnh đạo TP dành cho cán bộ trẻ của TP.
Đáng chú ý là TP còn có Đề án 89 đào tạo các chức danh từ phó chủ tịch xã, phường. Từ mô hình đào tạo này, rất nhiều bạn trẻ sinh năm 86, 89 đã trở thành phó chủ tịch UBND các xã phường của TP.
“Lãnh đạo TP không ngần ngại đặt người trẻ chúng tôi vào vị trí này để chúng tôi có cơ hội được cọ xát, trải nghiệm, trưởng thành”, Chi chia sẻ. (Bảo Cầm)
|
Tạo môi trường, động lực cho thanh niên nghiên cứu khoa học
Tại trung tâm thảo luận số 7 về chủ đề “Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp”, Bộ GD-ĐT khẳng định, sẽ phối hợp với các tổ chức Đoàn tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT, chú trọng bồi dưỡng năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, khả năng lập thân, lập nghiệp của thanh niên; tổ chức tốt các hoạt động thi đua học tập, các hội nghị nghiên cứu khoa học, cuộc thi Olympic, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, khuyến khích động viên học sinh, sinh viên, cán bộ giảng viên trẻ học tập ngoại ngữ, tin học, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, cổng trực tuyến, diễn đàn online… để đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ trong học sinh, sinh viên.
Chủ trương này cũng là mong muốn của nhiều ĐB tham dự buổi thảo luận. ĐB Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế, nơi đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên và đạt rất nghiều giải thưởng trong các cuộc thi của Bộ GD-ĐT, của T.Ư Đoàn đề nghị: Để phát huy tính xung kích của thanh niên trong nghiên cứu khoa học thì cần phải giải quyết tốt nhiều vấn đề, trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc tạo môi trường và động lực cho nhà khoa học trẻ, để họ có thể cống hiến nhiều nhất sức lực và trí tuệ cho vấn đền này. Theo ĐB cần xây dựng một quỹ hỗ trợ đoàn viên thanh niên nghiên cứu khoa học để bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học hiện có, sẽ có thêm nhiều đoàn viên viên thanh niên được tiếp cận với việc làm này.
Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD-ĐT cho hay: Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Đoàn xây dựng quy hoạch các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trên các lĩnh vực. Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ trong nước và tài năng trẻ học tập, công tác sinh sống ở nước ngoài trở về tham gia xây dựng đât nước; các ngành, địa phương có quy hoạch, kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển tài năng trẻ. (Tuệ Nguyễn)
** Sáng nay, Đại hội Đoàn lần X đã bước bước vào phiên làm việc đầu tiên với việc thông qua danh sách Đoàn chủ tịch điều hành ĐH, trình danh sách Ban kiểm phiếu và nghe báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu...
Trước đó, 1.000 đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhóm PV TNO thực hiện
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần X bắt đầu làm việc
>> Tặng 1.400 áo khoác thanh niên cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần X
>> Tâm thư của thanh niên quần đảo Thổ Châu gửi Đại hội Đoàn
>> Lãnh đạo Thành uỷ Cần Thơ gặp gỡ đoàn đại biểu đi đại hội Đoàn toàn quốc
>> Thường trực Đảng uỷ Khối gặp mặt đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
>> Giao lưu trực tuyến trước thềm Đại hội Đoàn
>> Hà Tĩnh: Sôi nổi các hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
>> Nữ sinh báo chí hiến kế cho Đại hội Đoàn X
>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X: Nhiều điểm mới
>> Hà Tĩnh: Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh cho cán bộ Đoàn 6 cụm thi đua
>> Lào Cai: Ra quân hưởng ứng 10 ngày thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X
>> Đại hội Đoàn thanh niên Quân đội
>> 10 ngày chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần X
>> Sẵn sàng cho Đại hội Đoàn toàn quốc
>> Dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần X
>> Thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đoàn
Bình luận (0)