Tường trình của PV Báo Thanh Niên từ Brussels về nước tương Chin-su

26/07/2005 00:27 GMT+7

* Bộ Y tế: Sẽ xét nghiệm rộng rãi các loại nước tương, dầu hào... 11h sáng (giờ địa phương) ngày 25/7, PV báo Thanh Niên tại Brussels đã có cuộc tiếp xúc với ông Alain Lacroix, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm của Cơ quan An toàn thực phẩm liên bang Bỉ (Agence Fédérale pour la Sécurité de la Chaîne Alimentaire - AFSCA), tại trụ sở cơ quan này ở Brussels về chuyện nước tương Chin-su. Sau đây là những ghi nhận từ cuộc tiếp xúc này:

Xuất xứ của mẫu thử và quá trình xét nghiệm

Mẫu nước tương Chin-su được thử, theo thông tin ghi trên sản phẩm, được sản xuất tại Công ty LD CBTP Việt Tiến (VITEC FOOD L.V.C) đóng tại Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh ngày 18/2/2004. Hạn chót sử dụng ngày 17/2/2006. Loại nước tương này được nhập vào châu u qua Công ty VIET-FOOD Handel GmbH, Leipzig, Đức; và sau đó vào thị trường Bỉ bằng cách nào không ai biết. Mẫu nước tương trên được AFSCA thu thập tại cửa hàng Que Hong (có thể là Quê Hương, nhưng do AFSCA viết nhầm?) số 288 phố Chaussée de Boendael, 1050 Brussels vào ngày 10.7.2005 và phân tích ngày 18/7/2005. Đây là cuộc kiểm tra chất lượng thực phẩm hằng năm của cơ quan này. Năm 2004, trong số 30 mẫu nước tương từ các loại khác nhau được phân tích, AFSCA phát hiện chai nước tương Con Gấu của cơ sở Lâm Thuận, Việt Nam, dung tích 650 ml có hàm lượng 3-MCPD cao khủng khiếp, khoảng 960 mg/kg. Thông tin này đã được thông báo rộng rãi trong toàn Cộng đồng chung châu u. Và chính vì lý do đó, năm nay (2005), AFSCA tăng số mẫu lên đến 114. Trong số 114 mẫu nước tương được xét nghiệm lần này, mẫu nước tương Chin-su có hàm lượng 3-MCPD cao như đã thông báo 86 mg/kg, trong khi tiêu chuẩn của Cộng đồng chung châu u là 0.05 mg/kg. Ông Lacroix cho biết, quy trình kiểm nghiệm chất 3-MCPD đã được áp dụng ở châu u hơn chục năm nay và khả năng sai sót là gần như không có.

Chai nước tương Chin-su do PV Thanh Niên chụp tại trụ sở AFSCA (3 ảnh trái) và nước tương Chin-su đang bán tại VN (3 ảnh phải) - (ẢNH: THỤC MINH - N.THẠCH)

Mẫu nước tương Chin-su nói trên là thật hay giả?

Nhãn của nhà nhập khẩu VIET-FOOD Handel GmbH

Xin trả lời ngay là không ai biết ngoại trừ VITEC FOOD có thể nhận diện đó có phải là sản phẩm của mình không, hoặc có chăng là nhà nhập khẩu VIET-FOOD của Đức. PV Thanh Niên xin cung cấp những chi tiết cụ thể về mẫu nước tương Chin-su mà AFSCA đã kiểm nghiệm để VITEC FOOD có thể đối chiếu với sản phẩm của mình.

1) Chai làm bằng nhựa ít đàn hồi, khi cầm mạnh tay có thể bị móp vào và không tự trở lại vị trí ban đầu, dung tích được ghi 250 ml, dưới đáy chai có dòng chữ nổi “VITEC FOOD LVC”  sắc nét.

2) Nắp chai được làm bằng nhựa trắng có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, được bọc chắc chắn bằng nilon trong, có in chữ “Chin-su”, và biểu tượng ông đầu bếp.

3) Toàn bộ nhãn mác ghi bằng tiếng Việt, không có một thứ ngôn ngữ nào khác, trừ chữ “Export Quality” và nhãn hiệu của nhà nhập khẩu ghi bằng tiếng Đức. Có những điểm đáng lưu ý là chữ in đẹp, rất sắc nét, không hề có một lỗi chính tả (những điều này rất thường gặp đối với những sản phẩm “nhái” Việt Nam được sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, hoặc được gia công lại ở một nước châu u nào đó). Ngoài các thông tin về thành phần, cách sử dụng, địa chỉ sản xuất còn có cả giá bán tại Việt Nam 5.500 đồng. Và mã vạch bắt đầu là số 893, mã vạch của Việt Nam (nói rõ thêm chi tiết này, ở Bỉ có rất nhiều mặt hàng được ghi là “Product of Việt Nam”, nhưng sản xuất hoặc đóng bao ở một nước khác, khi đó mã vạch của sản phẩm không bao giờ là 893). Trên nhãn của nhà nhập khẩu Đức cũng ghi “được đóng chai tại Việt Nam” (hergestellt in Vietnam).

 4) Một điểm đáng lưu ý nữa là các nhãn mác dược dán vào chai có phần lỏng lẻo và không chuẩn, dù in ấn rất đẹp.

Thật sự là PV Thanh Niên “bó tay”, không thể nói đó là sản phẩm Chin-su thật hay giả.  Nhưng điều ngạc nhiên là nếu sản phẩm để xuất khẩu sao lại không có một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt? Lại có cả giá bán bằng tiền đồng Việt Nam?

AFSCA xử lý việc này thế nào?

 

Nước tương Con Gấu của Lâm Thuận trong đợt xét nghiệm năm 2004, do PV Thanh Niên chụp tại trụ sở AFSCA

Khi tôi đặt vấn đề liệu đây có phải là hàng giả, cả ông Lacroix và ông Pascal Houbaert, phát ngôn viên của AFSCA, tỏ ra ngạc nhiên, họ bảo họ chưa hề nghĩ tới chuyện này, và họ cũng không có trách nhiệm điều tra nguồn gốc và tính thật giả của sản phẩm. Theo trách nhiệm, AFSCA gửi kết quả lên Ủy ban châu u và thông tin trên website của họ. Ủy ban này lập tức thông báo đến toàn thể các nước thành viên để ngăn chặn ngay việc sử dụng sản phẩm này, đồng thời cũng đã gửi công văn đến nhà nhập khẩu Đức để yêu cầu xác minh nguồn gốc sản phẩm, tuy nhiên chưa có phản hồi nào từ nhà nhập khẩu này. Tiếp theo, Ủy ban châu u sẽ làm việc với Chính phủ và nhà sản xuất Việt Nam để giải quyết vụ việc.

Đặt câu hỏi giả sử một đơn vị nào đó bị phát hiện đã làm giả nước tương Chin-su thì AFSCA sẽ xử lý thế nào, Ông Lacroix trả lời sẽ thông báo rộng rãi trên công luận, vì hiện tại AFSCA cũng không nêu tên nhà sản xuất trên thông cáo của mình. Ông Lacroix nhấn mạnh: "Chúng tôi không cố tình gây tổn hại cho nhà sản xuất Việt Nam, chúng tôi chỉ thông báo sự thật để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ở cả châu u. Bản thân tôi cũng hy vọng nếu Công ty VITEC FOOD chứng minh được sản phẩm của mình bị giả hiệu thì ngay lập tức thông báo đến chúng tôi, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi để minh oan cho họ”.

Bộ Y tế: Sẽ xét nghiệm rộng rãi các loại nước tương, dầu hào...

Nước tương lên men kiểu cổ truyền và nước mắm không có chất 3-MCPD

Thông tin về hàm lượng chất 3-MCPD gây ung thư cao trong nước tương đang khiến người tiêu dùng rất lo ngại. Ông Chu Quốc Lập (ảnh), Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế đã trao đổi với  Thanh Niên về các vấn đề liên quan đến tác động của 3-MCPD tới sức khỏe người sử dụng. Ông nói:

- 3-MCPD là một nhóm  hóa chất  ô nhiễm có tên gọi là Chloropropanols mà chỉ mới gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra. 3-MCPD  được sinh ra trong quá trình thủy phân các protein thực vật bằng axit chlohydric như đậu tương (axit HPV). Axit HPV là một nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm có tác dụng tăng mùi vị, nếu cho nhiều sẽ giảm được thời gian sản xuất.

Tác nhân được cảnh báo gây ung thư chính là  1,3 DCP - chất được hình thành từ tiền thân của nó là 3-MCPD. Người ta chưa tìm ra cơ chế tạo thành 1,3 DCP cũng như  mối quan hệ giữa 3-MCPD và 1,3 DCP trong sản phẩm, nhưng các nghiên cứu cho thấy chất 1,3 DCP xuất hiện khi hàm lượng MCPD trong thực phẩm ở mức cao. Vì vậy, các nước đều có quy định về hàm lượng của MCPD thấp ở mức cho phép để hạn chế sự xuất hiện của 1,3 DCP.

* Vậy ảnh hưởng của 1,3 DCP với cơ thể sống ra sao?

- Trong một số nghiên cứu trên chuột, với liều sử dụng 1,3 DCP 10 mg/kg/ngày hoặc cao hơn có thể gây nhiễm độc gan. Một số nghiên cứu khác của chất này  trên động vật có vú thấy  có biểu hiện biến đổi và nhiễm độc gen. 1,3 DCP đã được khuyến cáo là chất gây ung thư, vì vậy mức ô nhiễm của nó trong thực phẩm cần phải được giảm xuống tới mức thấp nhất có thể.

* Vì sao mãi tới tháng 3/2005 cơ quan chức năng mới có quy định về hàm lượng chất 3-MCPD ?

- Việc xét nghiệm để tìm ra chất 3-MCPD là rất khó và tốn  kém, gần đây trong nước mới có một cơ sở xét nghiệm một cách bài bản là cơ sở Viện Y tế công cộng TP.HCM, cho kết quả chính xác, ổn định về chất này. Ta chỉ có thể ban hành quy định với điều kiện đã có khả năng thực hiện các mẫu xét nghiệm, tránh việc kiện tụng trong trường hợp các  kết quả xét nghiệm không đạt độ tin cậy. Cũng xin lưu ý rằng, các loại nước tương sản xuất theo phương pháp ủ men cổ truyền không sử dụng axid HPV nên không có chất 3-MCPD và chất này không có trong nước mắm.

* Chất lượng sản phẩm nước tương Chin-su cũng như các sản phẩm nước tương nói chung khác có đáng lo ngại hay không ?

- Chúng tôi đang kiểm tra lại việc thực hiện công bố chất lượng của Công ty liên doanh Chế biến thực phẩm Vitec Food đối với sản phẩm nước tương Chin-su. Nếu công ty đã thực hiện công bố  và  sản xuất sản phẩm đúng theo quy định về tiêu chuẩn đã ban hành của Việt Nam thì sản phẩm đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhưng để có cơ sở chính xác hơn, chúng tôi sẽ có sự phối hợp với Sở Y tế TP.HCM thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, không chỉ với sản phẩm nước tương Chin-su mà với các mẫu nước tương, dầu hào khác nữa. Việc này sẽ được thực hiện sớm nhất.

Nói chung, người tiêu dùng chỉ nên mua các sản phẩm nước tương, dầu hào, xì dầu có nhãn đầy đủ và có ghi rõ hàm lượng  chất 3-MCPD. Hàm lượng này cho phép tại Việt Nam là không vượt quá 1 mg/kg, cao hơn tiêu chuẩn châu u nhưng ngang Mỹ và thấp hơn Thái Lan.

Liên Châu
(thực hiện)

Thục Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.