Tương tư nụ cười

22/01/2012 07:58 GMT+7

Đêm 1-11-2011 hẳn là đêm hỉ hả của đài TV nhà nước France 2, khi, cực hiếm hoi, họ có 7,7 triệu khán giả, trong lúc đài tư nhân nổi tiếng ăn khách TF1 có 5,3 triệu. Lý do chiến thắng là một chương trình xảy ra ở Việt Nam.

Đêm 1-11-2011 hẳn là đêm hỉ hả của đài TV nhà nước France 2, khi, cực hiếm hoi, họ có 7,7 triệu khán giả, trong lúc đài tư nhân nổi tiếng ăn khách TF1 có 5,3 triệu. Lý do chiến thắng là một chương trình xảy ra ở Việt Nam.

 
Những nụ cười ở Lô Lô - Ảnh: TV 

Đêm qua chị có xem người Lô Lô ở Việt Nam không? Nhất định em phải đi tới đó. Hôm kia các bạn có xem Michalak ở Việt Nam không? Cực lôi cuốn. Có nhiều chỗ vừa xem vừa rơm rớm. Việt Nam đẹp quá, người Lô Lô sao hay thế… Đó là vô số bình luận xôn xao, kéo dài suốt tháng sau chương trình du ký Hẹn nhau nơi đất lạ (Rendez-vous en terre inconnue) về chuyến thăm dân tộc Lô Lô sống trong các thung lũng cực bắc tỉnh Cao Bằng của ngôi sao bóng bầu dục Pháp Frederic Michalak.

Lô Lô và phải lòng

Frederic Michalak đa tài

Michalak sinh ngày 16-10-1982 tại Toulouse, Pháp, cao 1,80m, nặng 80kg. Anh bắt đầu sự nghiệp trong màu áo đội bóng Toulouse vào năm 1998 với sở trường là trung vệ. Michalak đã cùng Toulouse giành chức vô địch Pháp năm 2001 và hai lần vô địch Heineken Cup vào các năm 2003, 2005. Trong 11 năm khoác áo Toulouse (2000-2011), Michalak đã chơi tổng cộng 189 trận, ghi được 708 điểm.

Ngày 31-5-2011, Michalak quyết định rời Toulouse, chuyển sang ký hợp đồng có thời hạn một năm cho CLB Sharks ở Nam Phi và tiếp tục tỏa sáng. Ngoài thành tích ấn tượng trong màu áo CLB, Michalak cũng từng cùng đội tuyển Pháp tham dự World Cup bóng bầu dục vào năm 2003, 2007. Từ năm 2001 đến nay, Michalak đã chơi tổng cộng 54 trận cho đội tuyển Pháp, ghi được 252 điểm. Không chỉ nổi tiếng như một ngôi sao bóng bầu dục tài năng, Michalak còn được biết đến như một người mẫu, nhà sản xuất âm nhạc.

Hẹn nhau nơi đất lạ có công thức đưa người nổi tiếng đến thăm một vùng đất  xa xôi mà họ chỉ được biết khi… máy bay cất cánh. Họ phải sống thật sự với người dân bản xứ hai tuần, và khi phim phát sóng họ sẽ lại xuất hiện để giao lưu với khán giả ở phần 2 mang tên Trở về từ đất lạ. Chương trình Hẹn nhau nơi đất lạ đã khởi động nhiều năm nay và đã đưa khán giả đến nhiều nước như Mông Cổ, Indonesia, Ấn Độ, Ethiopia, Mali, Bolivia… Người viết bài không có dịp theo hết mọi chương trình, nhưng đêm 1-11 thì dĩ nhiên phải xem.

Dù đã được nghe giới phê bình ngợi khen, nhưng người viết không thể ngờ phim hấp dẫn đến như vậy. Suốt 1 giờ 40 phút khán giả liên tục phải ngẩn ngơ trước thiên nhiên khoáng đạt và những mô ruộng bậc thang chạm khắc kỳ công của con người, liên tục phải đong đưa giữa cười vui - rơm rớm. Cười Michalak ngô nghê cấy lúa, cuốc đất, bắt heo, cày ruộng bị trâu kéo băng băng... Rơm rớm thấy Michalak xúc động nghe cụ bà vuốt ve, nói tao thương mày giống như con. Rơm rớm thấy Michalak tặng cho làng quả bóng kỷ niệm… Nửa cười nửa rơm rớm khi đêm liên hoan tiễn đưa, một cô gái xin cưới Michalak, và rưng rưng khi Michalak nói tôi có vợ rồi…

Về phim, thoạt tiên người viết định nêu lên cảm xúc riêng, nhưng rốt cuộc chọn cách trích trả lời khán giả của Michalak được France 2 lưu lại, bởi nó cũng tràn trề cảm xúc và là khởi nguyên cho cảm xúc của người viết.

Michalak: Tôi như đứa trẻ giữa cộng đồng

Bạn phản ứng thế nào khi nhà sản xuất nói bạn sẽ đi gặp người Lô Lô?

Michalak (M): Thật kỳ lạ, nghe tên họ tự dưng tôi cảm thấy thân thiện! Tôi cố gắng hình dung nhưng không thể. Tôi không biết gì về Việt Nam. Tôi ngạc nhiên từ đầu đến cuối cuộc phiêu lưu này.

Cảm xúc đầu tiên của bạn khi đến làng Lô Lô?

M: Đập vào mắt tôi trước tiên là những nụ cười. Từ đó, tôi bị mê hoặc bởi lối sống của họ, nhà cửa, quần áo, tập quán, cảnh quan bao quanh… Tôi cảm thấy như đang ở trong phim, bởi tất cả vẻ đẹp đó dường như không thật, như phép lạ. Tất nhiên có rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng cử chỉ chúng tôi tiếp cận nhau rất nhanh, đặc biệt với trẻ em - những người không cần lời để giao tiếp. Tôi dần dần cảm nhận có một sợi dây tự nhiên, mạnh mẽ nối kết tôi với gia đình tôi đến sinh sống.

Cuộc sống của người Lô Lô là lao động cật lực. Bạn có khó khăn đuổi theo họ?

M: Có. Tôi không chờ đợi sự nhọc nhằn quá thể như vậy. Làm việc với người Lô Lô giống như chuẩn bị World Cup. Tôi mất bảy ký! Nhưng đó là điều quan trọng để tôi được yêu mến. Đối với họ, lao động là giá trị nền tảng. Những người làm việc nhiều nhất được tôn trọng nhất. Có lần tôi hỏi người đàn ông rằng ông có thấy vợ mình đẹp. Ông trả lời: “Sắc đẹp với tôi không quan trọng, điều cần thiết là cô ta làm việc tốt”. Câu nói này có thể gây sốc cho chúng ta, nhưng với người Lô Lô có vẻ như rất hợp lý. Người Lô Lô chỉ cho tôi thấy lao động luôn luôn được đền đáp.

 

Những gì bạn ấn tượng nhất trong cuộc sống của họ?

M: Sự chia sẻ, tình đoàn kết. Khi phụ nữ lo chuyện đồng áng thì đàn ông chăm sóc con cái, nhà cửa. Các gia đình Lô Lô rất gắn bó, người cao tuổi duy trì giềng mối với người trẻ và luôn được tôn trọng. Cửa nhà của họ không bao giờ đóng. Vào buổi tối, họ tập hợp trong ngôi nhà lớn, thảo luận các công việc của làng. Nếu ai đó có vấn đề trục trặc, cả cộng đồng sẽ đến giúp.

Bạn có thấy ý nghĩa chia sẻ này tương song với thế giới bóng bầu dục?

M: Có, trong tinh thần đoàn kết. Tính chia sẻ của họ rất gần với tinh thần thể thao của tôi. Bạn tìm thấy vị trí của bạn trong làng bằng cách biểu lộ sự khiêm nhường. Chính những người Lô Lô là ngôi sao chứ không phải tôi. Tôi muốn làm họ hài lòng, cho họ cảm nhận rằng tôi quan tâm văn hóa sống của họ, mong muốn cùng tham gia bằng tất cả nỗ lực. Với tôi, chuyến đi này là một ký ức không thể quên. Nhờ đến đây mà tôi tin rằng một trong những bí quyết của hạnh phúc là mối liên hệ giữa con người với con người.

Bạn hòa hợp tốt đến mức vào cuối thời gian, bạn nhận được một đề nghị kết hôn…

M: Điều này diễn ra khá buồn cười! Đó là cô gái tham gia với tôi trong lớp học chữ. Đêm cả làng tập hợp chia tay, cô đề nghị cưới tôi. Khi đó tôi rất thẹn, nhưng cô thì tự nhiên thổ lộ tâm tư trước cả làng. Tôi xúc động, thấy mình như đứa trẻ trong tình cảm cộng đồng…

Nụ cười: bài học sống tuyệt vời

Mặc dù được quay rất đẹp, dựng phim xuất sắc, âm nhạc rất hay, nhưng sự cởi mở, tự nhiên của các nhân vật mới khiến người xem thật sự phải lòng. Một trong những chi tiết lý thú, cảm động của phim là khi ông Phong cựu chiến binh kể cho khách nghe chuyện chống Mỹ năm xưa, con trai ông ngồi cạnh bên cứ rưng rưng thảng thốt, hóa ra đây là lần đầu tiên người thanh niên nghe cha mình nói tới đời chiến tranh ác liệt. Nhà sản xuất Frederic Lopez đã không khách sáo khi nói: “Sự chân thành, tin cậy này khiến chúng tôi hết sức xúc động”.

Michalak là mỹ nam đáng yêu trong thế giới bóng bầu dục, nhưng sau chuyến đi này chắc chắn anh sẽ được yêu quý hơn bởi sự chan hòa khó tin ở một ngôi sao. Ta thấy anh khóc - cười, thấy anh lem luốc, lăn lóc…, thấy anh cố gắng ăn thêm chén cơm - không hợp khẩu vị - để vui lòng chủ nhân, thấy anh đúng như “đứa trẻ trong tình cảm cộng đồng”… Lopez rất tự hào nhân vật của mình: “Đoàn kết là một phần quan trọng trong bản sắc của người Lô Lô. Tôi tin Michalak đã được người Lô Lô công nhận theo cách này”.

Nếu ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên với Michalak là nụ cười của người Lô Lô, thì nó cũng là điều lưu lại mạnh mẽ trong tâm khảm khán giả, đặc biệt sau khi nghe Michalak tâm sự trong tiết mục Trở về từ xứ lạ: “Khi chia tay, tôi nói tôi không muốn họ quên tôi, bởi chính tôi không thể nào quên họ. Tôi luôn nhớ những nụ cười Lô Lô. Một lần tôi hỏi Chiến tại sao lúc nào anh cũng cười, anh trả lời: “Đối với chúng tôi điều này rất tự nhiên. Tôi cười mỗi khi gặp ai đó, dù xa lạ, bởi tôi biết nụ cười sẽ khơi động cái tốt, cái hay nhất ở người khác. Ở nước bạn người ta không cười như vậy sao? Tôi ngờ rằng ở xứ bạn người ta giàu có hơn chúng tôi, vậy tại sao lại không cười?”. Với tôi đó là bài học sống tuyệt vời. Tôi rất nhớ họ, tôi tự hứa với lòng sẽ trở lại làng Lô Lô - nơi có những vòng tay rộng mở…”.

Qua những gì được xem, được nghe, người viết tin Michalak nói thật. Người viết cũng tin mình sẽ là một trong ào ạt du khách sẽ đi đến xứ Lô Lô sau bộ phim này, không chỉ để chiêm ngưỡng mênh mông lạc cảnh, mà còn bởi “bài học sống tuyệt vời”: Nụ cười khơi động cái tốt, cái hay nhất ở người khác. 

Người Lô Lô và tục chôn trống kỳ lạ

Lô Lô là một trong số hơn 50 dân tộc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, hiện có hơn 3.000 người, phân bố tập trung ở vùng núi non xa xôi thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu.

Trang phục của người Lô Lô khá sặc sỡ. Họ từng có chữ viết trên gỗ, da thú và giấy dày thô, nhưng đến nay số mảnh có ghi thứ chữ này hầu như còn lại rất ít và ít ai có thể đọc được. Tại Việt Nam, có lẽ đặc điểm văn hóa phong tục nổi bật nhất của người Lô Lô chính là việc họ vẫn lưu giữ và sử dụng trống đồng một cách phổ biến cho đến ngày nay! Vì sợ rồng thiêng lấy cắp mất trống, bà con Lô Lô thường chôn trống xuống đất sâu, khi nào có hội hè, dân vũ thì mới đào trống lên và sử dụng. Tiếng trống đồng là thứ dường như không thể thiếu để dẫn dắt linh hồn người quá cố về với nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.

Theo các nhà nghiên cứu, vì tục lệ chôn trống lạ kỳ này mà trống đồng của người Lô Lô càng bị thất lạc nhanh hơn. Trống đồng Lô Lô gồm trống đực và trống cái, với nghi thức sử dụng khá cầu kỳ. Tại mỏm đất cực Bắc Việt Nam - Lũng Cú, người Lô Lô đã được chính quyền cơ sở đứng ra tổ chức trình diễn trang phục, các nét son văn hóa rực rỡ của mình để phục vụ khách du lịch. Đó là một điểm  nhấn ấn tượng trên Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Hà Giang.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.