Tượng vàng Oscar: Người cần không có, người có không cần

11/02/2017 12:51 GMT+7

Nghịch lý là nhiều tài năng xuất chúng được đề cử từ năm này qua năm khác vẫn chưa được vinh danh. Trong khi đó, một số ít người, tượng vàng Oscar trao tận tay vẫn chối từ.

Glenn Close là một trong những diễn viên gạo cội, liên tục được đề cử nhưng chưa một lần chạm tay tượng vàng Ảnh: Reuters
Nhiều người tự hỏi liệu có phải thật sự có những ngôi sao dính “lời nguyền Oscar”, sẽ không bao giờ được chạm tay vào tượng vàng hay không? Bởi trong lịch sử giải thưởng này, không ít cái tên đen đủi mãi cứ vô duyên với Oscar.
Đó là Richard Burton chưa một lần được vinh danh dù nắm giữ 6 đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc và 1 đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc. Glenn Close 3 lần được xướng tên đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc đến Nữ diễn viên phụ xuất sắc vẫn tay trắng. Hay Thelma Ritter - ngôi sao chuyên nhận đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc, chưa từng chiến thắng dù 6 lần nhen nhóm hi vọng.
Tom Cruise gia nhập danh sách dính “lời nguyền Oscar” với các đồng nghiệp như Johnny Depp, Mark Ruffalo… Ảnh: Reuters
Một loạt diễn viên khác tài năng nhưng cũng hẩm hiu gồm Amy Adams với 4 đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc và 1 đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc; Irene Dunne với 5 đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc; Albert Finney với 4 đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc, 1 đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc; Arthur Kennedy nhận 4 đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc, 1 đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc. Thậm chí, nam tài tử điển trai Tom Cruise (3 đề cử), Johnny Depp (3 đề cử), Mark Ruffalo (3 đề cử), Bradley Cooper (3 đề cử)… cũng chưa đủ may mắn.
Dù không đoạt giải nhưng các sao nói trên đều cố gắng xuất hiện trên thảm đỏ mỗi độ Oscar về để mong chờ, hi vọng. Trái ngược hẳn với họ là những người may mắn giành giải nhưng lại phũ phàng từ chối dưới đây.
Woody Allen
Woody Allen: “Tất cả các giải thưởng đều ngu ngốc” Ảnh: AFP
Biên kịch kiêm nhà làm phim này không hứng thú tham gia lễ trao giải Viện Hàn lâm dù từng thắng 3 giải Kịch bản xuất sắc cho Annie Hall, Midnight in Paris Hannah and her Sisters, giải Đạo diễn xuất sắc cho Annie Hall. Ngoại trừ năm 2002, khi ông có mặt để giới thiệu phim làm về New York nhằm tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công thành phố ngày 11.9, Woody Allen mới thẳng thắn thể hiện suy nghĩ của mình về giải Oscar.
Woody Allen phát biểu: “Tôi chẳng phải bày tỏ điều gì. Tôi chẳng phải nhận bất cứ cái gì” và cho rằng “tất cả các giải thưởng đều ngu ngốc”.
Paul Newman
Paul Newman chờ đợi mòn mỏi đến nỗi hết muốn nhận tượng vàng khi được trao Oscar danh dự Ảnh: Reuters
Sau 6 đề cử Oscar diễn xuất và 2 Oscar danh dự, Paul Newman cuối cùng cũng được trao tượng vàng nhờ The Color of Money vào năm 1987. Nhưng ông không ở đó nhận giải và tâm sự với AP: “Chuyện này giống như bạn theo đuổi một người phụ nữ suốt 80 năm trời. Cuối cùng, khi cô ấy dễ thương với bạn, bạn quay lại nói: “Xin lỗi, anh mệt rồi!”.
Dudley Nichols
Một năm sau khi bỏ giải Oscar, Dudley Nichols trở thành Chủ tịch Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ Ảnh: Chụp màn hình MoviesDrop
Biên kịch Dudley Nichols được vinh danh nhờ viết ra kịch bản chuyển thể xuất sắc cho The Informer (1935). Nhưng ông không nhận tượng vàng vì lúc đó Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ có mâu thuẫn với Viện Hàn lâm, theo About.
Tờ The Los Angeles Times viết rằng mặc dù ban tổ chức đã gửi phần thưởng tới tận tay nhưng ông trả lại, kèm một bức thư ghi rõ quan điểm: “Tôi không thể phản bội gần một ngàn thành viên, những đồng nghiệp đã mạo hiểm tất cả để đấu tranh cho Hiệp hội biên kịch chân chính”. Chỉ một năm sau khi bỏ giải Oscar, Dudley Nichols trở thành Chủ tịch Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ.
George C.Scott
George C.Scott: "Oscar là một màn phô trương xác thịt kéo dài 2 giờ… Tôi không muốn thành bất cứ phần nào của nó” Ảnh: Chụp màn hình phim
George C.Scott từng cảnh báo trước với Viện Hàn lâm rằng ông sẽ từ chối giải nếu được trao tặng. Nhưng vì diễn xuất của ông trong Patton (1970) quá tốt nên Viện Hàn lâm vẫn vinh danh. George C.Scott không chỉ là người đầu tiên từ chối giải Nam diễn viên xuất sắc mà còn lăng mạ thậm tệ giải thưởng này.
Ông nói Oscar là “một màn phô trương xác thịt kéo dài 2 giờ, một sự thể hiện giả tạo vì lý do kinh tế” và “tôi không muốn thành bất cứ phần nào của nó”. Bất chấp những lời xúc phạm ấy, George C.Scott tiếp tục có tên trong danh sách đề cử năm sau đó với vai diễn trong The Hospital.
Jean-Luc Godard
Đối với Jean-Luc Godard, giải Oscar chẳng có ý nghĩa gì Ảnh: Reuters
Năm 2010, Viện Hàn lâm quyết định trao cho nhà làm phim người Pháp Jean-Luc Godard giải Oscar danh dự. Tuy nhiên, sau nhiều tháng cố gắng liên lạc bằng cách thức khác nhau, ban tổ chức vẫn không nhận được hồi đáp.
Sau đó, khi được hỏi giải thưởng có ý nghĩa gì với ông, ông trả lời: “Chẳng có gì cả. Nếu Viện Hàn lâm thích làm thế thì để họ làm thôi. Nhưng tôi nghĩ thật là lạ. Tôi tự hỏi mình: Họ từng xem những phim nào của tôi? Họ có thật sự biết phim của tôi không?”. Ông cũng nêu lý do không tham gia lễ trao giải vì phải xin visa đến Mỹ mà ông thì không muốn làm vậy. “Với cả tôi cũng chẳng thích bay xa đến thế đâu”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.