(Tin Nóng) Vụ lùm xùm giữa tàu tuần tra Nga Yaroslav Thông thái và tàu tuần dương Mỹ Gravely thuộc nhóm tàu sân bay Harry Truman đối đầu trên Địa Trung Hải mới đây khiến một tướng về hưu của Nga nói rằng Nga có 5 loại vũ khí thừa sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman (CVN 75) trên Địa Trung Hải ngày 15.6.2016 - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Theo LifeNews ngày 30.6, cựu Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga, đô đốc Viktor Kravchenko nói rằng vụ tàu tuần tra Yaroslav của Nga tiến sát tàu sân bay Mỹ cho thấy tàu sân bay dễ bị tổn thương như thế nào. Ông cũng gợi ý 5 loại vũ khí có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tấn công bằng tên lửa diệt hạm
Tên lửa diệt hạm siêu thanh Onyx, bản xuất khẩu gọi là Yakhont - Ảnh: topwar.ru |
Loại tên lửa diệt hạm hạng nặng Granit của Nga được xem là loại hiện đại trên thế giới, có tầm bắn xa 625 km. Loại tên lửa này được cho là thông minh khi có thể vượt qua hàng phòng thủ của đối phương và chọn mục tiêu quan trọng nhất để tấn công. Các tên lửa có thể phóng thành nhóm và trao đổi thông tin với nhau. Granit được bố trí trên tàu nổi và tàu ngầm của Nga.
Một loại tên lửa diệt hạm tương tự cũng của Nga và uy lực không kém là P-800 Onyx (bản xuất khẩu là Yakhont) và BrahMos (hợp tác Nga - Ấn).
Tấn công bằng ngư lôi
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Yasen của Nga là loại mới nhất mà Mỹ cũng phải gờm, trang bị ngư lôi Physika có tầm bắn 50 km, tốc độ 110 km/giờ |
Loại ngư lôi Physika có tầm bắn 50 km, tốc độ 110 km/giờ được vũ trang cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Dự án 955 Borey, Dự án 885 Yasen. Ngoài ra loại ngư lôi Futlyar cũng đang được thử nghiệm và phía Mỹ không có vũ khí tương tự, theo cựu tổng tham mưu trưởng hải quân Nga.
Máy bay chiến đấu
Các máy bay tiêm kích - ném bom hiện đại của Nga có thể đánh đắm tàu sân bay Mỹ khi tấn công ồ ạt từ nhiều hướng, nếu vượt qua được hàng phòng thủ tên lửa của các tàu chiến hộ tống.
Tiêm kích của Nga thừa sức hạ tàu sân bay Mỹ nếu tấn công thành nhóm và vượt qua lưới phòng không của tàu hộ tống. Trong ảnh: Máy bay trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga - Ảnh: Hải quân Nga |
Trong cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 giữa Anh và Argentina, máy bay Super Etendard của Argentina đã phóng tên lửa diệt hạm Exocet (Pháp chế tạo) đánh chìm tàu khu trục Anh Sheffield, tàu chở trực thăng Atlantic Conveyor; máy bay tiêm kích Skyhawk và Mirage đã ném bom gây thiệt hại tàu sân bay Invincible của Anh.
Đặc công nước
Đặc công nước Ý lần đầu tiên lái loại ngư lôi đặc biệt để đánh chìm tàu chiến đối phương trong Thế chiến II |
Các đơn vị đặc công nước có thể bí mật áp sát bên dưới tàu sân bay đối phương. Nếu không đánh chìm được tàu sân bay thì đặc công nước cũng có thể gây thiệt hại đáng kể cho con tàu đồ sộ này. Hồi Thế chiến II, người nhái của Ý vào tháng 12.1941 đã lái loại ngư lôi đặc biệt (2 người điều khiển mặc đồ lặn ngồi bên trên) vào bên dưới vịnh Alexandria (Hy Lạp), đánh chìm hai thiết giáp hạm Valiant và Queen Elizabeth của Anh.
Đặc công Israel với ngư lôi tự hành, 1967 - Ảnh: Wikipedia
|
Đồ hoạ đặc công Anh với ngư lôi tự hành phỏng theo hoạt động của đặc công nước Ý thời Thế chiến II
|
Ngày 29.10.1955, thiết giáp hạm Novorossiysk của Liên Xô – vốn là tàu Julius Caesar chiến lợi phẩm thu của phát xít Ý – đang đậu tại quân cảng Sebastopol ở Crimea thì bất ngờ phát nổ rồi lật chìm, làm chết 829 người. Nguyên nhân chính thức được đưa ra là do thuỷ lôi của Đức còn sót lại, nhưng có giả thuyết cho rằng đặc công nước của Ý ra aty để trả thù việc tàu chiến Ý lọt vào tay Liên Xô (?).
Vũ khí laser từ vũ trụ
Mỹ và Nga đang chạy đua phát triển vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu trong quỹ đạo gần trái đất. Theo trang tin điện tử Vũ khí Nga (của Bộ Quốc phòng), các hệ thống vũ khí laser của Nga sẽ xuất hiện vào thời gian 2015-2020.
Bên trái: Đồ hoạ vũ khí laser từ vũ trụ. Bên phải: Vũ khí laser Skif-D (17F19D) tại nhà máy ở Khrunichev, Liên Xô năm 1988
|
Thời Liên Xô những năm 1980 đã phát triển loại vũ khí laser với tên gọi Skif-D để trả đũa chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI, hay còn gọi là Chiến tranh giữa các vì sao của Mỹ). Skif-D trông như 1 tàu vũ trụ, dài 37 m, nặng 80 tấn, phát chùm laser carbon-dioxide mạnh 1 MW, có thể phá huỷ các vệ tinh. Vũ khí này được tên lửa đẩy Energia đưa lên vũ trụ.
Sau nhiều thử nghiệm, dự kiến ngày 15.5.1987 Skif-D sẽ được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur. Tuy nhiên trước đó 3 ngày, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đến Baikonur, tận mắt xem Skif-D và lo ngại vũ khí này có thể gây ra căng thẳng và tạo cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương Tây nên yêu cầu huỷ bỏ.
Sau này Skif-D thử nghiệm với máy bay vận tải Il-76. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, chương trình vũ khí này cũng chấm dứt.
Bình luận (0)