Nguyên nhân
Bé L. (11 tuổi, ở TP.HCM) bị tình trạng một bên đầu vú phía trái tụt hẳn vào trong, tạo thành một cái lỗ nhỏ ở ngay đầu vú. Chị H. - mẹ bé cũng bị tình trạng này thuở nhỏ, cùng bên trái như thế. Chị lập gia đình, có con, cho con bú bình thường, nhưng theo chị khi bé bú phía bên đầu vú tụt có khó khăn hơn một chút...
|
Theo bác sĩ Dương Phương Mai (Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM), vú là cơ quan bài tiết đặc biệt của phụ nữ. Các tuyến vú phát triển từ tuổi dậy thì và có nhiệm vụ bài tiết sữa trong quá trình sinh đẻ. Vú có hình bán cầu ở thiếu nữ, nửa dưới tròn và nhô ra phía trước. Cùng với quá trình sinh đẻ, nửa trên bầu vú sẽ lõm dần và vị trí của quầng vú cũng hạ thấp đi. Tỷ lệ phụ nữ bị tình trạng tụt núm vú chiếm khoảng 10%. Tình trạng này có thể xảy ra bẩm sinh, hay xuất hiện trong quá trình cơ thể phát triển, một số trường hợp mắc phải sau sinh con.
Nguyên nhân tụt núm vú chủ yếu là do sự ngắn của các ống tuyến sữa, thiểu sản và thiếu hụt các tổ chức liên kết tuyến vú; một số là do sự teo các tổ chức tuyến vú và tổ chức liên kết tuyến vú sau sinh. “Nhưng cũng không loại trừ các trường hợp viêm nhiễm, khối u tuyến vú gây co kéo làm ngắn các ống tuyến vú. Do vậy, với các trường hợp tụt núm vú cần được khám loại trừ các trường hợp bị viêm nhiễm, u tuyến vú trước khi xử trí”, bác sĩ Phương Mai lưu ý.
Các mức độ và phương pháp cải thiện
Bác sĩ Phương Mai cho biết có 3 mức độ tụt núm vú. Với mức độ 1 thì dễ dàng lấy tay kéo núm vú ra và cho con bú bình thường sau khi sinh. Mức độ 2, có thể kéo núm vú ra, nhưng sau đó núm vú bị tụt trở lại khi không còn áp lực; cũng có thể cho con bú được, nhưng có khó khăn một chút. Mức độ 3 thì hiếm khi kéo núm vú ra được, với trường hợp này ống sữa thường bị chít hẹp và không cho con bú được; và người mẹ sẽ gặp khó khăn khi vệ sinh núm vú.
Tùy vào mức độ tụt của núm vú mà sẽ có phương pháp cải thiện thích hợp. Những người gặp phải tình trạng này nên đi khám, kiểm tra ở bệnh viện phụ sản hay nơi chuyên về nhũ khoa. Nếu bác sĩ khám xác định tụt đầu vú lành tính thì không nhất thiết phải can thiệp phẫu thuật. Cũng cần biết, nhiều trường hợp bị tình trạng tụt núm vú có thể cải thiện một phần nào trong quá trình mang thai, hoặc có thể do động tác (bú, mút) của bé sau sinh. Nhiều bà mẹ bị tình trạng này sau khi có con vẫn cho con bú bình thường.
Thanh Tùng
Bình luận (0)