Đối với phương Tây và chính phủ tạm quyền Ukraine thì cuộc trưng cầu dân ý là những mắt xích tiếp theo của phản ứng dây chuyền từ Crimea và đương nhiên họ không coi sự kiện này là hợp pháp và hợp hiến. Nhưng họ cũng không thể không cay đắng khi không ngăn cản được và không thể không lo ngại về những kịch bản có thể xảy ra trên cơ sở kết quả trưng cầu dân ý vì dù thế nào thì Nga vẫn ở thế chủ động.
Lực lượng chống Kiev ở miền đông Ukraine trên thực tế đã thực hiện phương châm “tùy cơ ứng biến”. Crimea đã tạo ra tiền lệ nhưng chưa làm nên xu thế. Những chính sách sai lầm của chính phủ tạm quyền Ukraine đã khuấy động trào lưu “thái cực hóa” ở cả hai phía. Vì thế, họ đối đầu chứ không hòa giải, dùng vũ khí nhằm vào nhau chứ không nói chuyện với nhau.
Bằng cách đề ra mục tiêu mập mờ nói trên, lực lượng chống đối chủ ý để ngỏ mọi khả năng hành động trên cơ sở kết quả trưng cầu. Tùy theo kết quả cụ thể và dư luận trong cũng như ngoài mà họ có thể thành lập nhà nước độc lập mới, có thể gia nhập Nga mà cũng có thể ở lại Ukraine với vị thế khác trước. Trường hợp nào thì họ cũng lợi và Nga cũng vậy. Chỉ có phương Tây và Kiev là phải chấp nhận quả đắng mà thôi.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)