Tùy tiện đóng dấu mật

Đây là nhận định của TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), liên quan đến việc đóng dấu mật tràn lan hiện nay.

Đây là nhận định của TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), liên quan đến việc đóng dấu mật tràn lan hiện nay.

Tùy tiện đóng dấu mậtMinh họa: Dad
Dự thảo luật cũng đóng dấu mật
Ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, cho biết tại nhiều phiên họp của QH ông đã phải góp ý về tình trạng lạm dụng đóng dấu mật. “Thậm chí một số dự thảo luật khi cung cấp cho ĐBQH cũng có dấu mật. Để đóng góp ý kiến, các ĐBQH cần trao đổi, thậm chí cung cấp văn bản cho các chuyên gia. Văn bản có dấu mật thì chúng tôi phải bảo quản theo chế độ mật, không thể sao chụp, cung cấp. Nó đã hạn chế quyền tiếp cận thông tin trong xây dựng pháp luật”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nhận định.

Không thể tùy tiện đóng dấu mật tràn lan như hiện nay, bởi việc này gây ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, báo chí...

TS Lê Hồng Sơn

TS Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), thành viên ban soạn thảo dự luật Tiếp cận thông tin (TCTT), cho biết tại phiên họp vừa qua của UBTVQH cũng đã có ý kiến đề nghị ban hành luật Bảo vệ bí mật nhà nước đồng thời với luật TCTT. Theo bà Mai, đề nghị này là hợp lý vì chỉ có thế mới đảm bảo người dân biết rõ ràng những loại thông tin nào, văn bản nào thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin nào được cung cấp và công khai.
Càng chậm phát triển thì càng thích giữ bí mật
Theo GS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội), TCTT không phải là quyền tuyệt đối mà quyền bị hạn chế như với các thông tin mật liên quan đến an ninh, quốc phòng... “Ở nhiều quốc gia khác họ cũng có các thông tin mật mà người dân bình thường không được tiếp cận. Tuy nhiên ở các nước thông tin mật đó là hữu hạn chứ không rơi vào tình trạng đóng mật vô biên, tràn lan như ở VN hiện nay”, GS Dung nhận định. Theo ông Dung, cần thấy rằng việc lạm dụng dấu mật là mâu thuẫn với luật TCTT, đi ngược lại xu hướng bảo vệ nhân quyền mà nhà nước chúng ta đang hướng tới.
“Nhu cầu giữ bí mật thì nhà nước nào cũng có nhưng có xu hướng các nước càng chậm phát triển thì càng thích giữ bí mật. Chúng ta cần nhớ rằng thông tin do các cơ quan nhà nước làm ra cũng là tài sản của người dân, do dân làm chủ nên người dân có quyền được tiếp cận những thông tin ấy”, GS Dung nói.
Theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc xây dựng luật TCTT (Bộ Tư pháp chủ trì) phải tiến hành song song với luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Bộ Công an chủ trì). “Tôi cho rằng phải tổng rà soát lại các quy định, văn bản liên quan đến việc đóng dấu mật, làm rõ cái gì thì được coi là mật, cái gì không mật, độ mật thế nào, giải mật thế nào, chứ không thể tùy tiện đóng dấu mật tràn lan như hiện nay, bởi việc này gây ảnh hưởng đến quyền TCTT của người dân, doanh nghiệp, báo chí... Dấu mật không phải ai cũng được dùng, ai cũng được đóng”, ông Sơn nói. 
Càng tỏ ra mật, dân càng tò mò
Danh mục tài liệu tuyệt mật, tối mật, mật được quy định trong pháp lệnh 30/2000 của UBTVQH về bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, Điều 5, Điều 6 nêu rõ những trường hợp được cho là bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật, tối mật nhưng quy định về bí mật nhà nước thuộc độ mật chỉ nói chung chung. Cụ thể, Điều 7 thể hiện: “Bí mật nhà nước ngoài phạm vi quy định tại Điều 5, Điều 6 của pháp lệnh này thì thuộc độ mật; Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định”.
Vì quy định chung chung như trên nên một số tài liệu, công văn, văn bản... cứ tùy nghi đóng dấu mật.
Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết dấu mật hay thông tin mật thường “xuất hiện” trong các vụ kiện hành chính về yêu cầu hủy quyết định của UBND. Rõ nhất là những tài liệu mang tính định hướng, công văn trao đổi giữa các ngành với nhau về một vụ việc thường được đánh dấu mật hoặc rỉ tai nhau là thông tin mật, không được để lộ.
LS Trương Xuân Tám (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết việc nhận định thông tin nào là mật đều do các cơ quan, tổ chức ban hành đưa ra và việc lạm dụng tính chất mật để không cung cấp thông tin là có. “Công văn trao đổi, thư mời họp mà đóng dấu mật thì hết sức buồn cười, không đáng. Như thế thì quá lạm dụng, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Cứ càng tỏ ra mật thì người dân càng tò mò, càng nghi ngờ”, ông Tám nói.
Phan Thương
Cần chế tài đối với hành vi lạm dụng con dấu mật
Hồi cuối tháng 3.2015, Nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền thông đã công bố nghiên cứu “Báo chí với quyền tiếp cận thông tin” theo đặt hàng của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng với vai trò là “diễn đàn của nhân dân”, báo chí đã thực hiện quyền TCTT cho công dân bằng việc tiếp nhận, cung cấp và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, quyền này chưa hề có cơ chế để bảo đảm thực thi mặc dù có tới gần 50/330 luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến quyền TCTT. Đặc biệt, không ít rào cản đã hạn chế những quyền TCTT này, điển hình là tình trạng lạm dụng dấu “mật” hoặc sử dụng các rào cản kỹ thuật khác...
Nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền thông đã kiến nghị cần luật hóa các quy định bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng phân biệt chi tiết các loại thông tin thuộc diện “mật”, “tuyệt mật”, “tối mật” và quy định rõ những nội dung thuộc bí mật của các cơ quan, các bộ, ngành; chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng con dấu mật của các cơ quan nhà nước. Các thông tin không được phép tiếp cận phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và Hiến pháp năm 2013 và phải do Quốc hội quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.