Tuyên bố chung Việt Nam-New Zealand

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung New Zealand và Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của 5 lĩnh vực hợp tác chiến lược được xác định trong Chương trình hành động 2013-2016.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung New Zealand và Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của 5 lĩnh vực hợp tác chiến lược được xác định trong Chương trình hành động 2013-2016.


Hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand - Ảnh: chinhphu.vn
1. Nhận lời mời của Ngài John Key, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Ngài Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức New Zealand từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 3 năm 2015.
2. Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra tại Tòa nhà Chính phủ ở
Auckland ngày 19 tháng 3. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng John Key và dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng John Key với sự tham dự của các Bộ trưởng và quan chức cấp cao của hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chào xã giao Toàn quyền New Zealand Trung tướng Jerry Mateparae; hội kiến với Chủ tịch Hạ viện David Carter và Lãnh tụ Công đảng Andrew Little. Ngày 20 tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi tọa đàm với lãnh đạo doanh nghiệp của New Zealand; thăm trường Đại học Công nghệ Auckland và gặp gỡ các kiều bào, sinh viên New Zealand và Việt Nam.
3. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh các tiến triển tích cực trong quan hệ song phương kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và New Zealand ngày 19 tháng 6 năm 1975, và hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra ở hai nước trong năm 2015. Hai bên cũng ghi nhận dấu mốc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa New Zealand và ASEAN trong năm 2015, và ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác Toàn diện giữa New Zealand và ASEAN.
4. Hai nhà Lãnh đạo đã kiểm điểm những bước phát triển trong quan hệ kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa New Zealand và Việt Nam năm 2009. Hai bên hoan nghênh việc hoàn thành tốt Chương trình Hành động giai đoạn 2010-2013 và những kết quả tích cực trong việc triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2013-2016; đánh giá cao các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước, bao gồm Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại mới nhóm họp tháng 11 năm 2014, Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (cuộc họp sắp tới dự kiến tổ chức trong năm 2015), Đối thoại Quốc phòng thường niên, Đối thoại Chiến lược Quốc phòng và đối thoại Kênh II giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Châu Á-New Zealand được tổ chức vào tháng 2 năm 2015.
5. Hai bên ghi nhận những chuyến thăm cấp cao gần đây từ hai phía, bao gồm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền New Zealand Trung tướng Jerry Mateparae vào tháng 8 năm 2013. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh các văn kiện hợp tác quan trọng đã ký kết như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (ký năm 2013) và Bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (ký năm 2013), và những văn kiện hợp tác mới được ký ngày 19 tháng 3, như Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không, Thỏa thuận về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật.
6. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận thương mại hàng hóa hai chiều tính đến tháng 6 năm 2014 đạt trên 800 triệu đô la, tương đương với mức tăng trưởng 120% trong 5 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, đồng thời ghi nhận cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng cân bằng hơn. Hai nhà Lãnh đạo tin tưởng rằng hai bên có thể đạt được mục tiêu 1 tỷ đô la thương mại hàng hóa và dịch vụ vào cuối năm 2015. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp của mỗi bên tận dụng các cơ hội và lợi ích sẵn có trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand.
7. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của 5 lĩnh vực hợp tác chiến lược được xác định trong Chương trình hành động 2013-2016, bao gồm nông nghiệp và thương mại nông nghiệp, giáo dục, hàng không, công nghệ sạch, quản lý môi trường, quản lý rủi ro thiên tai và du lịch.
8. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hỗ trợ phát triển của Chính phủ New Zealand đối với Việt Nam, tập trung vào nông nghiệp, kỹ năng và kiến thức, quản lý rủi ro thiên tai. Thủ tướng
John Key nhấn mạnh New Zealand sẽ tiếp tục dành hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào việc chuyển giao kiến thức và công nghệ của New Zealand trên những lĩnh vực phát triển quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi nhận sáng kiến mới của New Zealand về mô hình hợp tác mới với Việt Nam có tên quan hệ Đối tác Thương mại liên Chính phủ, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận sở hữu trí tuệ đẳng cấp quốc tế của Chính phủ New Zealand.
9. Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa hai nước trên các diễn đàn khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN+ (ADMM+), và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS); ghi nhận tầm quan trọng của những diễn đàn trên trong việc tăng cường và duy trì thịnh vượng trong khu vực cũng như giải quyết các thách thức an ninh khu vực. Hai nhà Lãnh đạo tái cam kết nỗ lực hoàn tất đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại có tính toàn diện, chất lượng cao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trên cơ sở FTA ASEAN+1.
10. Hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn và hợp tác chặt chẽ, vào bất cứ dịp nào có thể, về các vấn đề quốc tế quan trọng như các sáng kiến thương mại đa phương, hòa bình và an ninh toàn cầu thông qua hợp tác gìn giữ hòa bình, và ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác. New Zealand khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Hai bên hoan nghênh việc ủng hộ các ứng cử của nhau tại các tổ chức đa phương và cam kết tiếp tục dành cho nhau sự ủng hộ này bất cứ khi nào có thể. Thủ tướng John Key một lần nữa cảm ơn Việt Nam đã tích cực ủng hộ New Zealand ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2015-2016, đồng thời cam kết ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017. New Zealand và Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định tại khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với Luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
11. Trước những bước tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 và sau chuyến thăm thành công của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến
New Zealand từ ngày 19-20/3, hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí về một tầm nhìn chung nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước hiện nay, hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong thời gian tới, cụ thể gồm các thành tố sau:
- Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao với mục tiêu cứ 3 năm, mỗi bên lại có 1 chuyến thăm cấp cao;
- Đặt mục tiêu tăng gấp đôi tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương từ 860 triệu đô la Mỹ hiện nay lên mức 1,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020;
- Tăng cường hợp tác trên 2 lĩnh vực chiến lược cùng có lợi là nông nghiệp/kinh tế nông nghiệp và giáo dục;
- Tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại New Zealand từ mức hiện tại là 2.000 du học sinh hiện nay.
- Thúc đẩy kết nối hàng không giữa hai nước, bao gồm việc đánh giá thường xuyên việc triển khai Thỏa thuận Dịch vụ vận chuyển Hàng không song phương và đặt mục tiêu mở đường bay thẳng giữa hai nước vào năm 2017;
- Phát triển một kế hoạch “kết nối” giữa hai nước nhằm tăng cường nhận thức và sự quan tâm của người dân New Zealand và Việt Nam, bao gồm đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Lao động Kỳ nghỉ, phát triển các cơ chế trao đổi thiết thực như giao lưu doanh nghiệp và lãnh đạo trẻ, thúc đẩy kết nối giáo dục, du lịch và văn hóa;
- Cùng đánh giá tình hình hợp tác của quan hệ Đối tác Toàn diện đến năm 2020, nhằm hướng tới quan hệ Đối tác Chiến lược.
12. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ và nhân dân New Zealand về sự tiếp đón chu đáo dành cho Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ tướng John Key thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất. Thủ tướng John Key đã vui vẻ nhận lời mời. Thời gian của chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.