Những phát biểu của ông Biden trong chuyến thăm hai nước Đông u đã đề cập thẳng đến vấn đề nhạy cảm nhất gây chia rẽ giữa Nga với phương Tây, và được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Moscow nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai siêu cường. Tuyên bố của nhân vật số 2 ở Mỹ củng cố cam kết của Washington khuyến khích dân chủ kiểu phương Tây tại các nước thuộc Liên Xô trước đây bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Nga đối với hành động mà họ coi là can thiệp vào “sân sau” của Moscow.
“Khi chúng tôi khởi động lại quan hệ với Nga, chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi với một Ukraine độc lập, và chúng tôi không công nhận có vùng ảnh hưởng hoặc khả năng bất kỳ một nước nào khác phủ quyết những lựa chọn của một quốc gia độc lập”, hãng tin AP dẫn lời ông Biden tuyên bố tại Kiev, thủ đô của Ukraine. Sau đó, tại buổi tiệc ở thủ đô Tbilisi của Georgia vào tối 22.7, Phó tổng thống Mỹ tuyên bố ông muốn gửi “một thông điệp rõ ràng cho những ai sẽ lắng nghe và một số người không muốn nghe, rằng Mỹ đứng cạnh các bạn (Georgia) và sẽ tiếp tục như thế”.
Georgia và Ukraine xoay sang phương Tây sau các cuộc “cách mạng hoa hồng và màu cam” vào năm 2003 và 2004, đồng thời đặt mục tiêu gia nhập NATO, khiến nước Nga “nổi giận”. Tuy nhiên, các cuộc cách mạng nói trên đã bị vấy bẩn, khi giới lãnh đạo cách mạng cam của Ukraine lâm vào một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, trong khi phe đối lập tại Georgia xuống đường phản đối sự cai trị độc tài của Tổng thống Mikhail Saakashvili cũng như thất bại trong cuộc chiến tranh kéo dài 5 ngày với Nga hồi năm ngoái.
Nga đã đánh bại một chiến dịch quân sự của Georgia tại lãnh thổ ly khai Nam Ossetia vào tháng 8.2008, tác động mạnh đến lòng tin của phương Tây với Georgia trong vai trò là điểm trung chuyển dầu khí sang châu u, cũng như gây căng thẳng quan hệ Nga - phương Tây. Ngay sau khi cuộc xung đột với Georgia kết thúc, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow có một “vùng đặc quyền” ở các nước Xô viết cũ và Đông u. Cuộc xung đột cũng đã đào sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ NATO về việc kết nạp Georgia và Ukraine vào khối này. Hãng tin Reuters dẫn lời giới phân tích nói rằng việc gia nhập NATO của hai nước này sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
Nga đã công nhận Nam Ossetia và Abkhazia, một vùng lãnh thổ ly khai khác của Georgia, là những quốc gia độc lập. Hàng ngàn binh lính Nga đang đóng tại Nam Ossetia, và Tổng thống Saakashvili đang tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ. Georgia đã đề nghị quan sát viên của Mỹ tham gia phái đoàn của EU giám sát khu vực giáp giới giữa Nam Ossetia với phần còn lại của lãnh thổ Georgia. Theo AP, ông Saakashvili đã lặp lại đề nghị này trong cuộc gặp ông Biden vào hôm qua, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ cung cấp vũ khí tối tân cho Georgia. Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin hôm qua tuyên bố Nga sẽ thực thi “các biện pháp cụ thể” để ngăn chặn Georgia tái vũ trang sau cuộc xung đột với Moscow, theo Itar-TASS.
Reuters dẫn lời giới ngoại giao nói rằng hiện chưa rõ chính quyền của Tổng thống Obama sẽ hậu thuẫn Georgia bằng cách nào để không ảnh hưởng đến sự hợp tác với Moscow trong hàng loạt vấn đề từ kiểm soát vũ khí đến cuộc chiến tại Afghanistan.
Trùng Quang
Bình luận (0)