Tuyển sinh 2023: Trường ĐH vẫn chuộng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

04/02/2023 06:06 GMT+7

Nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Năm nay mặc dù có nhiều vấn đề xung quanh các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng các trường ĐH vẫn có xu hướng chuộng các chứng chỉ này.


Trong khi đó, có những đơn vị bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước để xét tuyển.

TỪ TIÊU CHÍ ƯU TIÊN ĐẾN TIÊU CHÍ CHÍNH

Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm nay tiếp tục sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị phục vụ tuyển sinh đầu vào. Cụ thể, theo phương thức đã công bố của trường này, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên) là một trong 3 tiêu chí không bắt buộc của 2 phương thức (xét học sinh giỏi và quá trình học tập THPT theo tổ hợp môn).

"Điều này có nghĩa, không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thí sinh vẫn đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, số điểm được quy đổi từ các chứng chỉ này trong tổng điểm xét tuyển cho thấy thí sinh (TS) có thêm điều kiện này rất lợi thế", ông Hùng cho hay.

"Trình độ tiếng Anh chuẩn quốc tế là một trong những tiêu chí ưu tiên của trường để đào tạo người học trở thành công dân toàn cầu", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói thêm.

Tuyển sinh 2023: Trường ĐH vẫn chuộng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế  - Ảnh 1.

Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2022, một trong những trường có nhiều chương trình xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho biết một điểm mới trong phương án tuyển sinh của trường là có thay đổi trong nguyên tắc xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Năm nay trường quy đổi điểm chứng chỉ và đưa vào tiêu chí chính để xét tuyển ở phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển tất cả các ngành. Khi đó, TS cần thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chí: có hạnh kiểm tốt và tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá hoặc tương đương trong các năm học THPT; tổng điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn học trong tổ hợp xét tuyển TS đăng ký lớn hơn hoặc bằng 24; có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn thời hạn.

Trong đó, điểm xét tuyển bao gồm: điểm học tập (50 - 60%), điểm chứng chỉ ngoại ngữ (30 - 40%), điểm video (10 - 20%) và điểm ưu tiên (nếu có).

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM không chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà còn chấp nhận chứng chỉ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP). Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, cho biết từ năm 2022 trường đã bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP nhưng rất ít TS nộp chứng chỉ này.

Tuyển sinh 2023: Trường ĐH 
vẫn chuộng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - Ảnh 2.

Thí sinh ôn thi IELTS tại nhà

N.L

NHIỀU CHỈ TIÊU Ở CHƯƠNG TRÌNH XÉT CÓ CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ QUỐC TẾ

Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu ĐH chính quy cho 50 ngành, chương trình đào tạo. Trường cũng dự kiến dành 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển TS đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành; TS có chứng chỉ quốc tế phải có điểm tổng kết từng môn học trong tổ hợp đăng ký xét tuyển của tất cả các học kỳ từ 7,5 điểm trở lên và có một trong các chứng chỉ: ACT ≥ 20, SAT ≥ 1.000; tiếng Anh quốc tế IELTS Academic ≥ 5.5, TOEFL iBT ≥ 50; tiếng Hàn TOPIK ≥ 3; tiếng Trung HSK ≥ 3; tiếng Nhật N ≤ 4 (chứng chỉ trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày đăng ký xét tuyển).

Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến 6 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức 2 và 3 là xét tuyển kết hợp có chứng chỉ ngoại ngữ.

Cụ thể, phương thức 2 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho TS hệ chuyên và hệ không chuyên. Phương thức 3 là phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cả 2 chương trình đều áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại.

Tuyển sinh 2023: Trường ĐH 
vẫn chuộng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - Ảnh 3.

Đáp ứng nhu cầu của học sinh, nhiều trung tâm luyện thi IELTS tiếp cận đến tận trường học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến xét tuyển theo các phương thức sau: xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, với phương thức 2 (xét tuyển thẳng), đối tượng xét tuyển là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1.6).

Trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tuyển sinh 60 mã ngành, chương trình với 6.200 chỉ tiêu ĐH chính quy, sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Phương thức 4 được phân bổ nhiều chỉ tiêu nhất (70%), là xét tuyển kết hợp theo đề án của trường, xét 5 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm đối tượng 1 là TS có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT (được dành 3% chỉ tiêu); nhóm 2 là TS có điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia; nhóm 3 là TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia (20% chỉ tiêu); nhóm 4 là TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (20%). Như vậy, với các nhóm đối tượng liên quan tới chứng chỉ quốc tế, TS được dành tới 43% chỉ tiêu.


Điều kiện để xét học bổng
Không chỉ là tiêu chí xét tuyển ĐH, năm 2023, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC còn là điều kiện để xét nhiều loại học bổng có giá trị.
Năm 2023, Trường ĐH Hoa Sen sử dụng phương thức tuyển sinh mới là xét tuyển thẳng đối với TS đã tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT và thỏa mãn một trong các điều kiện theo yêu cầu của ngành, của trường, trong đó có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 5.5 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên.
Ngoài ra, đây là năm thứ 2 trường sử dụng tiêu chí xét dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ IELTS trong việc xét và cấp học bổng dành cho TS trúng tuyển từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/suất.
Trường Đại học Yersin Đà Lạt cũng tuyển thẳng TS có học lực lớp 12 đạt loại khá và có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên.
Trong khi đó, TS đã tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.0 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên, cũng có cơ hội xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM trong năm 2023.
Bên cạnh thành tích học thuật xuất sắc, đạt giải thưởng trong các kỳ học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia hay quốc tế, TS có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm số cao, đặc biệt là IELTS từ 6.5 trở lên, luôn có nhiều lợi thế hơn TS có thành tích tương tự nhưng chưa có các chứng chỉ trong việc xét cấp học bổng của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng cấp học bổng cho TS trúng tuyển vào trường có chứng chỉ IELTS 6.0 (25% học phí), IELTS 6.5 (50% học phí) và IELTS 7.0 (100% học phí).
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM, nhận định: “Việc sử dụng chứng chỉ Anh ngữ quốc tế trong xét tuyển ĐH và xét cấp học bổng là xu hướng cần thiết của các trường ĐH, vì ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để học tập và làm việc. Hơn nữa, các chứng chỉ quốc tế có độ tin cậy cao và ngày càng phổ biến. TS ở thành phố hay các tỉnh thành ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi để học và thi lấy chứng chỉ này”.
Theo PGS-TS Phong, việc các đơn vị bị dừng thi chứng chỉ IELTS vừa qua không phải nguyên nhân từ gian lận, nay cũng đã được Bộ GD-ĐT cấp phép trở lại, nên không ảnh hưởng tới việc các trường ĐH sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.