Tuyển sinh đại học: Những ngành được thí sinh 'đổ' vào nhiều nhất

Thúy Hằng
Thúy Hằng
07/09/2022 08:08 GMT+7

Việc đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển của thí sinh đã hoàn tất, vậy đến thời điểm này những nhóm ngành nào thu hút nhiều nguyện vọng nhất? Cơ hội trúng tuyển của những nhóm ngành được thí sinh “đổ” vào nhiều nhất này ra sao?

Chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên diễn ra chiều 6.9 với chủ đề “Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành hot” mang đến nhiều thông tin thú vị. Chương trình được truyền hình trực tuyến trên các kênh thanhnien.vn, Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Ngành “hút” nhiều nguyện vọng nhất

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho hay trong năm 2022 trường tuyển sinh 35 ngành, hiện tại với các phương thức xét tuyển thì trường ghi nhận khoảng 30.000 nguyện vọng được đăng ký, con số này tương đồng với các năm trước. Điều khác mọi năm đó là chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 15% trong tổng số chỉ tiêu của trường.

Những ngành được đăng ký nhiều nhất là quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, ngôn ngữ Nhật. Đây là những ngành mũi nhọn đào tạo của trường. Thí sinh (TS) cần lưu ý là ngành có số lượng đăng ký càng nhiều thì độ cạnh tranh càng cao. Bức tranh chung năm nay là các ngành xét tuyển bằng tổ hợp có môn văn, lịch sử thì điểm chuẩn sẽ cao hơn một chút.

Thạc sĩ Nguyên cũng chia sẻ tại UEF trong số các TS đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm thì có một số nhỏ không đăng ký lên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT, có thể do các bạn điều chỉnh lại nguyện vọng.

Các chuyên gia tham dự chương trình đưa ra những lưu ý về dự kiến điểm chuẩn, đặc biệt ở những ngành “nóng”

LÊ THANH HẢI

Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), cho hay năm nay tổng chỉ tiêu của trường là 1.100 cho 3 phương thức xét tuyển. Thế mạnh của trường là phương thức đánh giá năng lực và xét học bạ, con số này nhỉnh hơn năm trước; khối ngành khoa học máy tính, khối ngành kinh doanh là mũi nhọn.

Những ngành nào được đăng ký nguyện vọng nhiều ở SIU? Theo ông Tư, đứng đầu là các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Đứng thứ 2 trong tốp là khối ngành kinh doanh.

Thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết năm 2022 nhà trường tuyển sinh 9.900 chỉ tiêu, bằng 4 phương thức. Đến nay đã ghi nhận hơn 42.000 TS đăng ký vào HUTECH. Những ngành được đăng ký nhiều nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện. Ngành mới “hot” là digital marketing cũng được đăng ký nhiều.

Một số ngành khác được đăng ký nhiều không kém như quan hệ công chúng, ngôn ngữ Anh, thú y.

Có phải cứ ngành “hot” là lương cao ?

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, nhiều người cứ nghĩ ngành “hot” là ngành có lương cao, doanh nghiệp săn đón, nhu cầu xã hội cao. Nhưng thực tế ngành đó có “hot” không còn dựa trên nhiều yếu tố khác. Có những bạn chọn ngành chưa gọi là “hot”, nhưng giỏi, đóng góp được nhiều điều cho xã hội.

“Không phải cứ ngành “hot” thì người vào ngành đó cũng “hot” theo. Điều quan trọng nhất là con người. Bạn học cái đó rồi bạn có phù hợp với với ngành đó không có tạo ra được giá trị trong ngành không? Lương của ngành “hot” có cao hay không còn phụ thuộc vào trình độ của người học”, ông Tư nói và dẫn chứng có những sinh viên xuất sắc học khoa học máy tính vừa đi học, vừa thực tập trong các phòng lab có lương tính bằng tiền đô.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khẳng định năng lực, thái độ, phẩm chất của bạn quyết định mức thu nhập bạn sẽ nhận được. “Không có ngành nào toàn người giàu, cũng như không có ngành nào toàn người nghèo. Trước khi TS xác nhận vào học ở một ngôi trường, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhóm ngành nào càng nhiều người chọn thì việc cạnh tranh khi đi học, đi làm đều càng cao. Dù bạn trúng tuyển vào ngành nghề chưa “hot” bây giờ nhưng bạn cứ học cho giỏi, để trở thành con người “hot” trong ngành nghề ấy”, ông Nguyên nói.

Đồng quan điểm với ông Nguyên, thầy Vũ Quang Huy cho rằng “thà giỏi, xuất sắc trong nghề bình thường còn hơn bình thường trong những nghề được cho là “hot”. TS nên chọn ngành phù hợp với năng lực và sở trường của mình.

Ông Huy nêu ví dụ, sinh viên học ngành công nghệ thông tin khi ra trường mỗi người sẽ có mức lương khác nhau. Có em đang đi học đã có việc làm, thu nhập cao và ngược lại. Mức lương tùy thuộc vào năng lực và sự tiếp cận hội nhập với thị trường lao động của mỗi TS.

Ý kiến

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: “Ngành có số lượng đăng ký càng nhiều thì độ cạnh tranh càng cao. Bức tranh chung năm nay là các ngành xét tuyển bằng tổ hợp có môn văn, lịch sử thì điểm chuẩn sẽ cao hơn một chút”.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư: “Những ngành được đăng ký nguyện vọng nhiều là các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, khối ngành kinh doanh”.

Thầy Vũ Quang Huy: “Những ngành được đăng ký nhiều nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện, digital marketing…”.

Các mốc thời gian thí sinh đừng quên

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhấn mạnh từ ngày 10 - 15.9 các trường sẽ chạy lọc ảo, sau đó công bố điểm trúng tuyển, muộn nhất là 17 giờ ngày 17.9. Có trường sẽ công bố sớm hơn, có thể từ ngày 15.9.

Sau ngày 30.9, TS nên theo dõi kỹ website của các trường, nếu mình không trúng tuyển thì xem các trường có xét tuyển bổ sung không. Các TS cũng nên chịu khó đọc những tờ báo lớn, như Báo Thanh Niên, để nắm nhiều thông tin quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.