Tuyển sinh đại học, trường có muốn 'vơ vét' cũng không được!

Quý Hiên
Quý Hiên
14/05/2019 07:06 GMT+7

Trước tình trạng có nhiều trường ĐH tìm mọi cách tuyển được thí sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, khẳng định thực tế tuyển sinh một vài năm qua cho thấy những trường này dẫu có muốn 'vơ vét' cũng không được.

Bà Phụng cho biết: Năm nay số chỉ tiêu xét tuyển của khối ĐH và các ngành sư phạm là 489.637, tăng khoảng 7,5%. Có 3 yếu tố tác động tới số chỉ tiêu tăng.
Trước hết là do năng lực đào tạo của các trường hằng năm đều tăng (lực lượng giảng viên năm qua tăng từ 72.000 lên 79.000).
Thứ hai, năm nay những trường đã được kiểm định (trên 120 trường) được tự đề xuất chỉ tiêu theo năng lực mà không bị khống chế như khi chưa được kiểm định.
Thứ ba là yếu tố để tính chỉ tiêu có thay đổi khi tính đến mức độ sàng lọc của các trường.
Với 3 nguyên nhân trên, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay tăng nhẹ. Cần hiểu chỉ tiêu tuyển sinh là năng lực đào tạo tối đa của trường nhưng trong thực tế những năm qua, số thí sinh (TS) tuyển được của hầu hết các trường chỉ dao động trong khoảng 80 - 85%. Chỉ tiêu tăng nhưng chưa chắc số lượng tuyển được đã tăng, do còn phụ thuộc vào số người có nguyện vọng đi học ĐH.

Có trường chỉ có dưới 50 nguyện vọng đăng ký

Sẽ có tổ giám sát thanh tra thi THPT quốc gia
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Hướng dẫn quy định rõ việc thực hiện thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi. Đáng chú ý, hướng dẫn đặt ra yêu cầu: Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tổ giám sát có thể gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm có ít nhất 2 thành viên (trong đó ít nhất 1 thành viên là cán bộ, giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH thuộc đơn vị phối hợp tổ chức thi) để giám sát hoạt động thanh tra thi tại tất cả các điểm thi theo quy định.
Tuệ Nguyễn
Bộ GD-ĐT có lo ngại rằng nhiều trường tuy có vẻ như có năng lực đào tạo qua con số chỉ tiêu tuyển sinh mà họ tự xác định nhưng chất lượng đào tạo thấp, nên sẽ dẫn đến việc “vơ vét” TS để đủ chỉ tiêu mà bất chấp chất lượng đầu vào?
Thực tế là có những trường có biểu hiện “vơ vét” TS nhưng cũng có một sự thật khác là có những em không muốn vào ĐH chỉ để có bằng ĐH. Qua phân tích số liệu thống kê mấy năm gần đây, chúng tôi nhận thấy có một quy luật tương đối ổn định: khoảng 3/4 số TS đăng ký dự thi THPT quốc gia đăng ký xét tuyển ĐH, số vào ĐH khoảng 40% số đăng ký dự thi. Con số này nếu tính trên tổng số thanh niên 18 tuổi của toàn quốc thì khoảng 20%. Như vậy nếu nói thanh niên vào học ĐH quá nhiều là không đúng.
Một số trường do quá ít TS đăng ký xét tuyển nên họ không có điều kiện để sàng lọc, nên bất kỳ TS nào đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH (nghĩa là chỉ tốt nghiệp THPT thôi) cũng đều có thể... đỗ. Những trường này dẫu có muốn “vơ vét” cũng không được. Trong giai đoạn này, ngay lúc đăng ký tuyển sinh, cũng đã có hơn 20 trường chỉ có dưới 50 nguyện vọng đăng ký, những nguyện vọng này chủ yếu thấp (không phải vị trí 1, 2, 3). Như vậy có thể thấy trước, TS tuy đăng ký dự tuyển vào trường nhưng dẫu có trúng tuyển chưa chắc các em đã học.
Thực tế, năm 2018 có tới 10 trường chỉ có dưới 20 TS trúng tuyển đợt 1 nhưng như trên đã nói, các em tuy trúng tuyển cũng chưa chắc đã vào học. Nếu không đảm bảo chất lượng một cách thực sự thì các trường có muốn “vơ vét” cũng không được.
Bà có thể giải thích rõ hơn về nguyên nhân thứ 3 tăng chỉ tiêu năm nay mà bà đã đề cập ở trên?
Bình quân mỗi thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, mấy năm gần đây hầu hết các tổ hợp truyền thống đều được các trường sử dụng với tỷ lệ lớn, được các TS tập trung đăng ký. Những tổ hợp truyền thống như A00, A01, B00, C00, D01 vẫn được đa số các trường sử dụng và hầu hết TS đăng ký, 5 tổ hợp này chiếm 90% nguyện vọng của TS. Hơn 130 tổ hợp còn lại chỉ có 10% TS đăng ký. TS đăng ký khá tập trung, không chọn quá nhiều nguyện vọng, không chọn quá nhiều trường. Bình quân mỗi TS chỉ đăng ký khoảng 4 nguyện vọng. Tuy nhiên, vẫn có một số TS chọn nguyện vọng tràn lan. Đơn cử có 1 TS ở Hà Nội chọn tới 50 nguyện vọng.
Theo Thông tư 01 vừa ban hành năm nay, các trường khi tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì được tính đến mức độ đào thải trong quá trình đào tạo, từ khi tuyển sinh đến khi tốt nghiệp để đảm bảo các trường tạo được sự cạnh tranh của người học trong quá trình học. Chất lượng đào tạo không chỉ chú ý tới chất lượng đầu vào mà còn tới quá trình học, đầu ra.
Vì vậy những trường có tỷ lệ đào thải ở mức độ nhất định thì chúng tôi cộng một tỷ lệ nhất định vào chỉ tiêu tuyển sinh, để đảm bảo việc đào thải của các trường tạo ra sự cạnh tranh và chất lượng tốt hơn, nhưng không làm thiệt hại các trường, nhất là trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Đào tạo văn bằng 2 để giải quyết thừa - thiếu giáo viên

Được biết chỉ tiêu sư phạm năm nay cũng tăng, thưa bà?
Đối với tuyển sinh sư phạm, năm nay do nhu cầu đào tạo giáo viên của các địa phương có tăng nên tổng chỉ tiêu sư phạm tăng, năm ngoái 35.000 thì năm nay hơn 46.000.
Việc xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm, từ 2 năm nay Bộ kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên hằng năm, trên cơ sở đó chúng tôi phân bổ chỉ tiêu cho các trường sư phạm trên cơ sở năng lực đào tạo và vùng tuyển sinh của các trường. Nhưng chỉ tiêu cũng chỉ khoảng hơn 70% so với nhu cầu giáo viên của các địa phương.
Vậy việc thiếu giáo viên trong tương lai được giải quyết như thế nào khi 2 năm gần đây số chỉ tiêu tuyển sinh đều thấp hơn số nhu cầu?
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không nên vì số lượng mà hạ thấp chất lượng tuyển sinh sư phạm. Năm vừa rồi điểm sàn tuyển sinh sư phạm khá cao, những nguyện vọng không đạt sàn đều bị loại. Số giáo viên nếu thiếu hụt trong tương lai sẽ được giải quyết bằng 2 nguồn.
Một là sinh viên mới được đào tạo xong và sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp các năm trước mà chưa có việc làm đúng ngành đào tạo.
Thứ hai, trong hai năm gần đây chúng tôi đã chủ trương đào tạo văn bằng 2 cho riêng sinh viên khối ngành sư phạm, để đảm bảo những sinh viên đã học sư phạm rồi, nếu như có sự thừa - thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học hay các môn học thì sẽ được học văn bằng 2 để vẫn đứng trong đội ngũ, chỉ là thay đổi môn/cấp học giảng dạy của mình.
2 loại điểm sàn với ngành sức khỏe và sư phạm
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, một trong những điểm mới được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm nay là quy định có điểm sàn với cả ngành sức khỏe và sư phạm. Có 2 loại điểm sàn, tương ứng với 2 hình thức tuyển sinh. Một là điểm sàn của điểm thi THPT quốc gia. Khi nào có kết quả thi, các hội đồng điểm sàn sẽ họp để xem xét tư vấn cho bộ trưởng quyết định điểm sàn cho hai nhóm ngành này. Một loại điểm sàn cho hình thức xét tuyển theo học bạ, được quy định ngay trong quy chế tuyển sinh.
Với các ngành đào tạo trình độ ĐH, nếu xét học bạ, nhìn chung phải có kết quả lực học loại giỏi mới được vào học ở 2 nhóm ngành quan trọng này, trừ một số trường hợp chỉ yêu cầu loại khá. Với nhóm ngành sức khỏe, quy định về điểm sàn chỉ quy định với trình độ ĐH, và cũng có 2 loại: nhóm ngành bác sĩ dược sĩ điểm sàn học bạ loại giỏi, các nhóm ngành còn lại điểm sàn học bạ loại khá. Với các trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng cũng chỉ yêu cầu học lực loại khá. Hoặc ngành giáo viên mà đòi hỏi xét năng khiếu, thí sinh đạt xuất sắc về năng khiếu thì cũng chỉ yêu cầu văn hóa loại khá.
Bà Phụng khuyến cáo: “Thí sinh tránh ngộ nhận, cho rằng chỉ có học lực loại khá hay giỏi thì mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành này. Nếu đăng ký vào những trường xét học bạ thì mới cần đạt sàn về lực học, còn nếu vào những trường xét điểm thi THPT quốc gia (năm ngoái có 80% các trường y xét tuyển bằng hình thức này) thì được tự do đăng ký xét tuyển cho dù học lực trong học bạ được xếp ở mức độ nào. Vì điểm sàn sẽ căn cứ vào điểm thi của TS”. 
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.