Tương lai gần, học sinh có thể đăng ký xét tuyển cùng lúc ĐH và CĐ trên hệ thống
Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay lứa học sinh đầu tiên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp và tham gia xét tuyển. Để chuẩn bị cho những thay đổi này, Bộ GD-ĐT đã công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non.
"Có thể nói, kết hợp với sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì năm 2025 chắc chắn sẽ có những thay đổi trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, bản chất của tuyển sinh vẫn giữ ổn định trong 3 năm gần đây, nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh, sự công bằng trong tuyển sinh, đáp ứng chọn ngành trường theo sở thích, năng lực và nguyện vọng của các em", Vụ trưởng chia sẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, sắp tới sẽ có một sự thay đổi khá quan trọng theo tinh thần sắp xếp và tinh gọn bộ máy, phần giáo dục nghề nghiệp sẽ thuộc về Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp, trong đó Vụ Giáo dục ĐH sẽ quản lý các trường CĐ. Trong tương lai gần, cơ sở dữ liệu tuyển sinh các trường CĐ sẽ nhập về cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Hiện, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực cập nhật quy chế, chính sách và đặc biệt về kỹ thuật để học sinh có thể đăng ký nguyện vọng trên hệ thống vào các trường ĐH và CĐ luôn. Bộ GD-ĐT sẽ lo gánh vác các công việc này.
"Khi đó, học sinh sẽ có cơ sở dữ liệu hiệu hoàn chỉnh để có thể ứng tuyển cùng lúc vào các hệ đào tạo ĐH và CĐ hệ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, tiết kiệm thời gian và công sức của toàn xã hội", Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh.
Dự kiến không còn xét tuyển sớm
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy, dự thảo quy chế tuyển sinh đã được đăng tải công khai lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đa chiều, Ban soạn thảo quy chế dự kiến sẽ đề xuất lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố, chủ yếu về kỹ thuật.
Thứ nhất là điều chỉnh so với dự thảo đã công bố về quy định điều chỉnh ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Theo dự thảo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển 2 khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, từ những ý kiến của thí sinh tự do không thể quay lại cải thiện kết quả học lực THPT để đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Do đó, sẽ bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để thí sinh có thể lựa chọn một trong 2, hoặc căn cứ vào điểm học tập THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT chứ không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện.
"Điều chỉnh thứ 2 liên quan tới xét tuyển sớm, chúng ta sẽ bỏ khái niệm xét tuyển sớm, không xét tuyển sớm", Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định. Lý giải dự kiến điều chỉnh này, Vụ trưởng cho biết nhiều chuyên gia tuyển sinh đề xuất xét tuyển sớm khi hệ thống tuyển sinh đã quá ưu việt, dù xét tuyển sớm hay xét tuyển chung thí sinh vẫn đặt toàn bộ nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Do đó, Ban soạn thảo đệ trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT là bỏ khái niệm xét tuyển sớm. Sớm ở đây là về mặt thời gian nhận hồ sơ xét tuyển sớm, còn giai đoạn xét tuyển chung có thể áp dụng tất cả các phương thức tuyển sinh đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Thậm chí, không xét tuyển sớm còn đảm bảo hơn quyền lợi của những thí sinh không đủ điều kiện tham gia các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) còn cho biết điểm mới được giữ lại trong dự thảo liên quan đến xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập phải sử dụng điểm của cả năm lớp 12.
Liên quan đến các tổ hợp xét tuyển, quy chế có quy định về kỹ thuật khi xây dựng tổ hợp xét tuyển cho một ngành hoặc một nhóm ngành. Theo đó, số lượng các môn chung giữa các tổ hợp phải giống nhau 50% trở lên, để 1 ngành như kỹ thuật không thể tuyển hết các môn từ văn, sử, địa... Do đó, quy định 50% môn liên quan đến năng lực cốt lõi cần thiết của một ngành, 50% còn lại các môn khác. "Như vậy sẽ giảm thiểu sự rắc rối cho bản thân các trường ĐH và bản thân thí sinh khi các tổ hợp xét tuyển quá khác nhau", Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nói thêm.
Bình luận (0)