Tuyển sinh ĐH: Đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất?

Quý Hiên
Quý Hiên
03/03/2023 08:13 GMT+7

Năm 2022, bình quân cả nước cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT thì có 48 em xác nhận nhập học ĐH; tỉnh nào cao có khoảng trên 60 em, riêng các tỉnh miền núi phía bắc chỉ khoảng hơn 20, dưới 30 em.

Sáng nay 3.3, tại Hội nghị tuyển sinh ĐH 2023, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố một số dữ liệu của kỳ tuyển sinh ĐH 2022, trong đó có tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT của các địa phương trúng tuyển nhập học vào các cơ sở đào tạo. Qua đó cho thấy, số thí sinh tốt nghiệp THPT ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn cũng đồng thời có tỷ lệ trúng tuyển và nhập học cao hơn.

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 1.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học ĐH theo từng địa phương, qua đó cho thấy đâu là vùng "trũng" trong tuyển sinh ĐH

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

24 tỉnh, thành đạt từ mức mặt bằng chung

Mặt bằng tỷ lệ chung của cả nước là 48,09% (tỷ lệ này là tính số thí sinh nhập học ĐH so với số thí sinh tốt nghiệp THPT). Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học ĐH. Cả nước chỉ có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên.

Tuy nhiên, dẫn đầu danh sách này không phải là một số địa phương vốn nổi tiếng là "đất học" ở phía bắc như Nam Định, Hải Dương… hay là những nơi có mật độ trường ĐH cao và đời sống kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP.HCM…

Thậm chí, trong số 5 tỉnh, thành dẫn đầu danh sách không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Hồng - khu vực vẫn được xem là có mặt bằng giáo dục phổ thông cao, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nhìn chung không khó khăn bằng nhiều khu vực khác.  

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 2.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

6 địa phương dẫn đầu danh sách, cũng là những địa phương đạt tỷ lệ trên 60% lần lượt là: Bình Dương (67,42%), Thừa Thiên - Huế (62,57%), Đà Nẵng (61,88%), Khánh Hòa (60,76%), TP.HCM (60,74%), Nam Định (60,54%).

Tiếp theo là Hải Phòng (58,25%), Phú Yên (57,10%), Hà Nội (56,81%), Bắc Ninh (56,12%), Hưng Yên (56,02%).

Các tỉnh từ trên mặt bằng chung đến gần 55% gồm (xếp từ cao xuống thấp): Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Tiền Giang, Thái Bình, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Trị và Bạc Liêu.

Miền Trung hiếu học

Có thể nhận thấy, trong danh sách trên có đại diện của cả 6 vùng (trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long).

Tuy nhiên, riêng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 9/14 tỉnh, thành góp tên trong danh sách cao hơn mặt bằng chung toàn quốc. Trong top 6, vùng này cũng góp tên một nửa (3 tỉnh, thành). 5 tỉnh không có tên trong danh sách 24 gồm Bình Thuận, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Trong đó, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An nối đuôi nhau sàn sàn ở mức khoảng 42 - 41 - 40%.  

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 3.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

Đồng bằng sông Hồng có 8/11 tỉnh, thành. Đây là vùng tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH khá đồng đều. Tuy có 3 tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh là những cái tên không nằm trong danh sách này, nhưng vị trí của cả 3 nằm trong top đầu các tỉnh gần đạt mức mặt bằng chung.

Tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH của Quảng Ninh (46,56%) không thấp hơn mấy so với Vĩnh Phúc (46,60%) và Hải Dương (47,40%) là một con số gây ngạc nhiên. Vĩnh Phúc và Hải Dương lâu nay vẫn có tiếng là những nơi có mặt bằng giáo dục phổ thông cao, còn Quảng Ninh chưa tạo được ấn tượng nào.

Đông Nam bộ có 3/6 tỉnh, thành. Khoảng cách giữa tỉnh có tỷ lệ cao nhất với thấp nhất trong khu vực này khá lớn (67,42% của Bình Dương với 41,01% của Tây Ninh).  

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 4.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

Những vùng "trũng"

Tiếp tục xét danh sách nêu trên cho thấy, Tây nguyên có 1/5 đại diện. 4 tỉnh còn lại (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) cũng không quá thấp, đều nằm trong dải gần 35% đến khoảng gần 46%.

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 5.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2/13 tỉnh đạt từ mức mặt bằng chung. 11 tỉnh còn lại không có địa phương nào quá thấp, thấp nhất cũng trên 30% (Hậu Giang, có tỷ lệ 32,69%); cũng chỉ có 3 tỉnh dưới 40% (tính cả Trà Vinh, suýt soát 40%), 8 tỉnh còn lại đều từ trên 40% đến gần 48%.

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 6.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

Trung du và miền núi phía bắc có 1/14 tỉnh, là Thái Nguyên (51,63%). Điều đáng chú ý là, 13 tỉnh còn lại nhìn chung đều có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học ĐH rất thấp. Tỉnh bám sát Thái Nguyên nhất trong vùng này cũng cách Thái Nguyên tới cả chục phần trăm, là Bắc Giang (39,48%), tiếp theo là Phú Thọ (38,44%), Lào Cai (35,60%). Bắc Kạn kém hơn, nhưng cũng được trên ngưỡng 30% (cụ thể là 30,74%).

Tuyển sinh ĐH: đâu là vùng 'trũng', có tỷ lệ thí sinh nhập học ĐH thấp nhất? - Ảnh 7.

ĐỒ HỌA KHÁNH HUYỀN

Đặc biệt, 9 địa phương thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc, gồm: Yên Bái (29,36%), Tuyên Quang (28,8%), Hòa Bình (28,54%), Điện Biên (27,46%), Cao Bằng (24,92%), Lạng Sơn (24,87%), Sơn La (23,66%), Hà Giang (21,53%) và Lai Châu (20,39%).

     

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.