Tuyển sinh ĐH: Thi một trường, xét vào nhiều trường

Hà Ánh
Hà Ánh
11/01/2023 06:05 GMT+7

Thay vì chỉ sử dụng điểm từng bài thi riêng lẻ để tuyển sinh như trước, nhiều trường ĐH có xu hướng công nhận kết quả bài thi đánh giá năng lực lẫn nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Các bài thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác nhau sẽ được công nhận để đưa vào xét tuyển ra sao?

Những bài thi được dùng chung

Theo định hướng của Bộ GD-ĐT về xu hướng tuyển sinh năm 2023, nhiều trường ĐH bắt đầu công nhận và dùng chung kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực trong xét tuyển đầu vào.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

NHẬT THỊNH

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM có thỏa thuận về việc công nhận và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Trước khi được công nhận, năm 2022 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 86 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển trực tiếp. Năm ngoái, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có hơn 50 đơn vị sử dụng, trong đó có những đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ năm 2023 với việc công nhận kết quả lẫn nhau kỳ thi giữa hai ĐH quốc gia, thí sinh phía bắc muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển không cần phải di chuyển vào phía nam dự thi và ngược lại.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết ngay từ năm đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vào năm 2022, trường này đã ký thỏa thuận công nhận kết quả với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong năm 2023 này, hai trường bắt đầu thực hiện việc công nhận kết quả kỳ thi lẫn nhau trong xét tuyển đầu vào của mỗi trường. Thí sinh khu vực phía bắc muốn xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ngược lại.

Cũng được sử dụng để xét tuyển cho nhiều trường, từ năm 2022 kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an được tổ chức để xét tuyển vào các trường công an nhân dân trong toàn quốc. Bài thi có tổng điểm 100 gồm 60 điểm phần trắc nghiệm và 40 điểm tự luận. Kết quả bài thi này chiếm 60% tổng điểm xét tuyển và 40% còn lại từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính với thời gian 150 phút. Năm ngoái, kết quả kỳ thi này không chỉ sử dụng phục vụ tuyển sinh của ĐH này mà còn trên 20 trường khác.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 5, năm 2022

ngọc điệp

Bài thi khác nhau được công nhận ra sao ?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết bài thi đánh giá năng lực của hai trường ĐH sư phạm có sự khác nhau về cấu trúc, mức độ đánh giá và hình thức thi. Nhưng điểm tương đồng của cả hai kỳ thi là đều có nhiều bài thi chuyên biệt. Trong đó, kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gồm các môn: toán, lý, hóa, sinh, văn và tiếng Anh. Mỗi bài thi sẽ kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm và trả lời ngắn đáp án hoặc viết luận. Trong khi đó, kỳ thi năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 - 90 phút gồm các môn: toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử và địa.

Bộ GD-ĐT ủng hộ việc công nhận kết quả đánh giá năng lực lẫn nhau

Tại cuộc họp giao ban quý 4 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT cuối tháng 11.2022, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khuyến cáo các trường trong việc tổ chức các kỳ thi riêng. Thứ trưởng đề nghị các trường cần có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng. Ông Sơn cho biết Bộ ủng hộ xu hướng công nhận kết quả đánh giá năng lực lẫn nhau. Các trường nếu có nhiều kỳ thi được tổ chức cũng cố gắng tạo điều kiện để kết quả các kỳ thi được liên thông, sử dụng lẫn nhau.

“Khi công nhận điểm kỳ thi năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ quy đổi về thang điểm 10. Trong đó, điểm thi năng lực chỉ là môn chính trong tổng điểm xét tuyển 3 môn, 2 môn còn lại dựa vào điểm trung bình từng môn trong 6 học kỳ THPT. Như vậy, việc quy đổi về cùng một thang điểm sẽ tạo được sự công bằng giữa các thí sinh khi sử dụng kết quả kỳ thi khác nhau để xét tuyển vào trường”, thạc sĩ Trung chia sẻ.

Năm 2023, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được điều chỉnh thành một đầu điểm thay vì có 4 đầu điểm năm trước. Từ điểm mới này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết bài thi năng lực giữa hai ĐH quốc gia khá tương đồng: chỉ còn 1 bài thi nhằm kiểm tra đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh.

Tiến sĩ Chính phân tích: “Do hai bài thi có cách tính điểm khác nhau nên để công nhận kết quả lẫn nhau, hai ĐH sẽ đưa ra một thang điểm quy đổi tương đương dựa vào một thuật toán được xây dựng và công bố cụ thể. Với thuật toán này, một thí sinh đạt 1.200 điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tương đương với mức điểm tối đa 150 điểm bài thi năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.