Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non (gọi chung là quy chế tuyển sinh ĐH). So với dự thảo quy chế mà Bộ GD-ĐT công bố đầu tháng 4, nội dung quy chế chính thức đã được điều chỉnh phần quy định về chính sách ưu tiên.
Bộ GD-ĐT điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng về chính sách tuyển sinh, áp dụng từ năm sau |
Thanh Tâm |
Những thay đổi này căn cứ vào góp ý của dư luận xã hội và các nhà chuyên môn, căn cứ vào dữ liệu điểm thi và điểm xét tuyển của những năm gần đây. Trong đó đáng chú ý là quy định giảm dần điểm ưu tiên với những thí sinh đạt tổng điểm tổ hợp 3 môn ở mức khá giỏi trở lên.
Vẫn chia 4 khu vực, 2 nhóm ưu tiên
Cũng như quy chế trước đây, với quy chế mới, thí sinh được hưởng tối đa 2 loại ưu tiên: ưu tiên khu vực (KV) và ưu tiên đối tượng.
Thi tốt nghiệp THPT 2022: vật dụng cá nhân cách 25m, F0 được tham gia thi! |
Với ưu tiên khu vực, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên 4 KV như từ trước đến nay. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 là 0,75 điểm, KV2-NT là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm (theo thang điểm 30). KV3 không được tính điểm ưu tiên. KV tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các KV tương đương nhau thì xác định theo KV của trường học gần đây nhất mà thí sinh theo học.
Tuy nhiên, có một số trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo địa chỉ thường trú, như học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của nhà nước theo quy định; hoặc học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã đặc biệt khó khăn theo các quy định của nhà nước.
Các điểm mới được thực hiện từ năm 2023
Theo dự thảo quy chế, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên KV chỉ được hưởng trong năm mà các em tốt nghiệp THPT. Nhưng theo quy chế chính thức, các em được hưởng chính sách ưu tiên KV trong 2 năm: năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và năm kế tiếp. Nhưng quy định này cũng chỉ bắt đầu thực hiện với thí sinh tốt nghiệp năm 2022.
Với ưu tiên đối tượng, Bộ GD-ĐT vẫn giữ 2 nhóm đối tượng ưu tiên như từ trước đến nay, mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 1 đến 4) là 2,0 điểm; mức điểm ưu tiên ấp dụng cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 5 đến 7) là 1,0 điểm (cũng đều theo thang điểm 30).
Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách thì chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
Tuy nhiên, từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi (22,5 điểm) trở lên. Cụ thể, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo KV, theo đối tượng của thí sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, với công thức tính điểm ưu tiên như trên sẽ không xảy ra bất kỳ trường hợp nào điểm chuẩn trên 30 điểm, vì khi thí sinh đạt 30 điểm/3 môn nghĩa là điểm ưu tiên của các em sẽ bằng 0.
Bình luận (0)