Minh bạch hóa điểm học bạ
Ông Nhạ yêu cầu để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phổ thông tập trung dạy và ôn tập theo hướng dẫn của Bộ (cấu trúc đề thi về cơ bản giữ ổn định như năm ngoái). Vì có nhiều trường căn cứ vào kết quả học tập để xét tuyển nên phải làm sao để điểm học bạ phổ thông đảm bảo trung thực.
“Bộ rất khuyến khích điểm học bạ phải được minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho các trường tuyển sinh với phương thức xét tuyển theo học bạ, đảm bảo cho chất lượng kỳ thi THPT 2020 đạt được mức tốt nhất”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ khẳng định kỳ thi THTP quốc gia 2020 vẫn sẽ được tổ chức theo mô hình phối hợp giữa trường ĐH và Sở GD-ĐT như kỳ thi năm 2019. Trường ĐH vẫn cử cán bộ đi coi thi, chấm thi, thanh tra.
Tránh mở ngành mới dựa vào nhu cầu nhất thời
Ông Nhạ đề nghị các trường phải tính toán rất kỹ việc mở ngành. Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào ý kiến đề xuất của một số thầy cô hay một số đơn vị, hay là căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời mà mở ngành mới. Đặc biệt, tránh việc đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học, không căn cứ thực tiễn, làm cả người học và xã hội lo lắng.
Sẽ chỉ đạo kịp thời về thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Về thời điểm tổ chức kỳ thi THTP quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết hiện Bộ đang rất sát sao với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 và sẽ có chỉ đạo kịp thời để quy định thời hạn kỳ thi. Tại thời điểm này, Bộ vẫn chỉ đạo các nhà trường sát sao với tình hình dịch bệnh và có khung thời gian để dự phòng học bù vào trong kế hoạch của nhà trường. Bao giờ có thông báo mới, Bộ sẽ thông báo cho các trường.
|
“Năm ngoái là có, nên năm nay đề nghị phải thận trọng. Chúng ta càng làm chắc chắn khâu nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng, thì khi chúng ta tổ chức tuyển sinh và thực hiện quá trình tổ chức giảng dạy, đầu ra sẽ rất tốt. Trong trường hợp mà vội vàng sẽ bị trả giá”, ông Nhạ nói và giải thích: “Nếu vội vàng mở ngành mới thì dễ dẫn đến việc trong quá trình đào tạo không có đầu ra, không có giáo viên dạy, chỉ cần có một ngành không đảm bảo chất lượng, thì sẽ bị tai tiếng cả trường”.
|
“Tự chủ không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Ngành mới không phải là ngành do mình tạo ra, nó phải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra rất kỹ các ngành mới”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng khuyến cáo: “Chỉ tiêu bao giờ cũng là vấn đề nóng của tuyển sinh. Qua thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, số thực tuyển sinh thường chỉ chiếm 2/3 chỉ tiêu đăng ký. Như vậy, khi xây dựng chỉ tiêu là chưa sát thực tế, dẫn đến nhu cầu người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ điểm đầu vào. Chúng ta phải tiếp cận khác, nghĩa là không phải tính tuyển sao cho đủ chỉ tiêu, mà là người học đó có chất lượng đầu vào tốt hay không. Có thể tuyển ít nhưng chất lượng đầu vào đảm bảo, còn hơn tuyển rất đông mà trong quá trình cứ rơi vãi dần. Đề nghị Vụ Giáo dục ĐH ngay từ khâu các trường làm đề án tuyển sinh là phải quan tâm hướng dẫn, làm sao để khi trường công bố đề án thì đó là những đề án có chất lượng”.
Nhiều trường tuyển sinh không đúng với đề án đã công bố
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm qua đã có một số trường đặt ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, hoặc lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố...
|
Bình luận (0)