Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Ngậm ngùi một bản hùng ca

07/09/2013 10:55 GMT+7

Trong khi nhiều địa danh gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc đã được nhiều người biết đến, thì vùng Bang - Sứt gắn với sự kiện ngày 1.5 cách đây hơn 42 năm vẫn là chốn hoang vu lạnh lẽo, ít người biết đến.

Trong khi nhiều địa danh gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc đã được nhiều người biết đến, thì vùng Bang - Sứt gắn với sự kiện ngày 1.5 cách đây hơn 42 năm vẫn là chốn hoang vu lạnh lẽo, ít người biết đến.

 
Điểm đầu tuyến 16A với chỉ một tấm bia đã hoen mờ, không một công trình, chỉ dẫn nào vào vùng Bang - Sứt, nơi có hàng chục TNXP Nam Hà đã hi sinh - Ảnh: M.Đ.T

Nhạt nhoà dấu tích

Địa danh Ngã tư Thạch Bàn giờ đã quá quen thuộc với nhiều người bởi nơi này dẫn vào khu du lịch suối nước khoáng Bang chỉ 12km. Ông Lê Ngọc Hiềng luôn nhắc hậu thế như tôi cần biết những địa danh Ngã tư Thạch Bàn, bởi đây là điểm đầu dẫn vào tuyến đường 16A máu lửa dẫn sang tây Trường Sơn và Lào trong cuộc chi viện chiến lược cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỗi mét trên đường 16A đều nhuốm mồ hôi, nước mắt và máu của bao lớp người đi trước. Ông Hiềng chỉ vào một tấm bia đã hoen mờ, phủ kín rong rêu, trên ấy có hàng chữ “Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn”. Phía bên dưới bia ghi đây là điểm đầu tuyến đường 16 được xây dựng năm 1966 - 1967, là cụm chiến đấu hợp đồng binh chủng, cụm trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt từ năm 1965 - 1973. Cố tìm để mong gặp một dấu tích ngày trước, nhưng không hề có.

Rời Ngã tư Thạch Bàn, ông Hiềng đưa tôi đi thêm chừng 2km, đến điểm ở đường 16A hướng đi tây Trường Sơn. Ông Hiềng nói lực lượng dân quân đại đội của ông đã mai táng các TNXP Nam Hà hy sinh tại Bang - Sứt 40 năm trước. Lách vào bên trong cái cồn rộng chừng 500m2 có nhiều cỏ lau, cây tạp. ông Hiềng thổn thức : “Chỗ ni gọi là trạng Nhà Hoà. Hồi đó ván đưa về không đủ để đóng quan tài, đành phải bó các chiến sĩ hy sinh trong các tấm tăng, bạt để đưa ra chỗ ni mai táng. Trạng Nhà Hoà không đủ đất, anh em mang một số người ra ngã ba Thác Cốc mai táng. Không biết các anh chị ấy nay đã về với quê hương, gia đình mình chưa”.

Quạnh quẽ Hói Ma

Rời trạng Nhà Hoà, chúng tôi đến Trạm Khí tượng thuỷ văn Kiến Giang. Khu vực này ngoài trạm Khí tượng và nhà của 3 hộ dân ở cách nhau lưa thưa, bốn bề gần như tĩnh mịch giữa những cánh rừng thông già. “Đồi trước mặt từng là kho trung chuyển lương thực, hàng hoá, quân trang quân dụng... Đội TNXP Nam Hà đang làm nhiệm vụ bốc xếp, vận tải ở đây thì bị máy bay địch oanh kích” - ông Hiềng giải thích.

Đó là một vùng gò đồi chừng 2.000m2. Từ đường 16A có một lối mòn nhỏ rậm rịt cỏ lau dẫn vào đồi. Theo ông Hiềng dẫn lối, tôi nhẹ chân rảo bước một vòng quanh ngọn đồi nhưng không tìm thấy dấu tích gì ngoài thảm lá thông khô rụng phủ đầy. Bất chợt chúng tôi gặp cái hố bom um tùm cỏ mọc. Hố bom sâu chừng 3m, đường kính khoảng 3,5m. Định thắp nén nhang, nhưng lại sợ làm cháy rừng khi những thảm lá thông khô dày đặc sẵn sàng bén lửa trong cái nắng nóng Quảng Bình 37 - 380C.

Mất gần nửa giờ chúng tôi mới tìm ra được một nơi tương đối thích hợp để thắp nén nhang tri ân các anh chị. Đó là hàng cây keo bên cạnh khe nước. Ông Hiềng nói cái khe nước này còn gọi là Hói Ma. Năm xưa khi máy bay địch ném bom, nhiều người đã chạy xuống Hói Ma để ẩn nấu.

Thấy chúng tôi thành tâm khấn vái giữa ngọn đồi hoang vắng, người phụ nữ ở gần bên đồi tên Lê Thị Tâm đến hỏi han: “Các anh đang đi tìm kiếm mộ liệt sĩ à?” Giải thích với Tâm chúng không phải đi tìm mộ liệt sĩ, mà đến vùng Hói Ma này nén nhang tri ân các liệt sĩ - những người đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, vì sự thanh bình mà tôi cũng như gia đình Tâm đang hưởng. Tâm ngạc nhiên: “Khu vực đồi ni có nhiều người hy sinh ạ? Lâu ni cũng chẳng thấy ai tới đây hương khói nên không biết!”.

Chia tay Hói Ma im lìm, rời Bang - Sứt khắc khoải tôi lại nhớ tới những dòng hồi ức của người con quê hương Quảng Bình - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, Bộ đội Trường Sơn anh hùng: “Quảng Bình là tâm điểm của năm tuyến đường ngang, năm trục vượt khẩu, nối đông và tây Trường Sơn. Trên mảnh đất này, với bề ngang có chỗ không quá năm chục cây số, có biết bao tên đất, tên làng, dòng sông... như Mụ Giạ, Xuân Sơn, Long Đại, ngã ba Dân Chủ, Khe Ve, Khe Rinh, bến phà Gianh đã đi vào lịch sử như biểu tượng sáng ngời tinh thần bất khuất, kiên cường của con người Việt Nam trong cuộc đối đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ”.

Rời Bang - Sứt, rời Quảng Bình cồn cát chang chang nắng, lòng tôi bỗng quặn thắt khi nhớ đến ánh mắt đau đáu, niềm khoắt khoải đợi chờ ít nhất “một tấm bia để cắm nhang” của các cựu binh, cựu quân nhân tuổi cao sức yếu như bác Lại Văn Ly, bác Lê Ngọc Hiềng, chú Phùng Xuân Thủy, chú Trương Văn Tòng…

Mai Đình Toàn

>> Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Đội quân trên tuyến đường huyền thoại
>> Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Tìm lại những chứng nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.