Tuyển thủ Anh thua xa tuyển thủ Đức

10/11/2017 19:32 GMT+7

Đa phần các tuyển thủ Anh đều bị đem cho mượn trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nhưng rất ít tuyển thủ Đức phải trải qua tình trạng này.

Giới hâm mộ Anh luôn xem đội tuyển Đức là kình địch số 1 đối với "tam sư" trong làng cầu quốc tế. Duyên nợ giữa đôi bên trải dài suốt từ trận chung kết World Cup 1966 cho đến kỷ nguyên hiện đại. Ở hai giải đấu thành công gần đây nhất (Euro 1996 và World Cup 1990), Anh đều bị Đức chặn lại ở vòng bán kết, bằng loạt sút luân lưu 11m.
Từ cấu trúc của nền bóng đá cho đến quan điểm chơi bóng, đặc điểm riêng của hai trường phái Anh, Đức đều khác nhau như ngày và đêm. Bây giờ, khi hai đội tuyển Anh và Đức thi đấu giao hữu trong loạt trận quốc tế ngày vào đêm nay, rạng sáng mai, một trong những đặc điểm đáng lưu ý nhất vẫn là sự khác biệt kỳ lạ, mang tính "thời đại", giữa các tuyển thủ đôi bên.
Đâu là chỗ kỳ lạ, khi cầu thủ Joe Gomez của Liverpool được gọi hàng ngũ "tam sư"? Trong số 22 hảo thủ được HLV Gareth Southgate triệu tập kỳ này, chỉ có 7 người chưa bao giờ bị... cho mượn, và Joe Gomez là một trong số những trường hợp đặc biệt ấy.
Tổng cộng, các cầu thủ trong đội tuyển Anh hiện thời đã có đến... 66 bản hợp đồng thi đấu theo hình thức "cho mượn tạm". Ngay bây giờ, hợp đồng của thủ môn Joe Hart (West Ham), tiền vệ Ruben Loftus-Cheek (Crystal Palace) và tiền đạo Tammy Abraham (Swansea) cũng chỉ là dạng cho mượn. Nói cách khác, họ không kiếm được chỗ đứng ngay trong CLB của mình. Vậy mà họ lại xứng đáng là tuyển thủ quốc gia!
Joe Hart là thủ môn số 1 của tuyển Anh nhưng không thể giữ vị trí tại Man City AFP
Hãy so sánh: chỉ có 4 cầu thủ trong danh sách đội Đức từng thi đấu theo hình thức "cho mượn" ở đấu trường CLB, và mỗi người cũng chỉ "bị cho mượn" đúng 1 lần từ khi bắt đầu sự nghiệp cầu thủ nhà nghề. Tất cả cộng lại vẫn còn là quá ít so với một mình hậu vệ Ryan Bertrand trong đội tuyển Anh. Bertrand vươn lên từ đội trẻ Chelsea, "ra lò" ở tuổi 16 và thuộc quyền sở hữu của Chelsea trong suốt 9 năm (2006-2015). Nhưng anh chỉ khoác áo Chelsea tổng cộng 28 lần ở Premier League. Còn lại, Bertrand bị "cho mượn" 9 lần, ở 7 CLB khác nhau, trước khi được ký hợp đồng với đội bóng hiện thời là Southampton. Tiền vệ Jack Cork của Burnley cũng đã "ở trọ" 7 lần tại các CLB không sở hữu anh.
Bên phía đội Đức, chỉ có Mats Hummels, Toni Kroos, Antonio Rudiger và Sandro Wagner từng thi đấu theo hình thức "cho mượn". Hai cầu thủ đầu tiên phải tạm khoác áo đội khác chủ yếu vì họ còn khá trẻ, không cạnh tranh nổi chỗ đứng ở CLB Bayern Munich khét tiếng.
Chỉ có 4 tuyển thủ Đức từng bị CLB chủ quản đem cho mượn AFP
Đây có thể là khác biệt về văn hóa bóng đá. Nhưng, điều quan trọng là khác biệt này phần nào giải thích vì sao "tam sư" hiếm khi vươn được lên đẳng cấp cao ở các giải đấu lớn. Trong đa số trường hợp, các tuyển thủ Anh đều có hẳn những giai đoạn không đáp được yêu cầu chuyên môn ngay tại CLB của mình (nên mới bị đẩy sang đội khác theo hình thức cho mượn?) Với Bertrand, Cork, hoặc Jack Butland, thì đấy là "trong phần lớn sự nghiệp"!
Chủ quản một nơi nhưng lại thi đấu ở một nơi khác, và không thể biết trước tương lai cho đến khi kết thúc mùa bóng, thì hậu quả dễ thấy là khó ổn định phong cách chơi bóng hoặc phát huy sở trường chuyên môn. Cũng có thể, vì Premier League quá khốc liệt nên các cầu thủ Anh khó có cơ hội khẳng định chỗ đứng ở các đội mạnh. Nhưng tóm lại, bất kể vì nguyên nhân gì, nếu một đội bóng gồm toàn cầu thủ chỉ quen thi đấu theo hình thức "cho mượn", thì đấy dĩ nhiên không thể là một đội mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.