Tuyển thủ Việt Nam có thụt lùi vì khoác áo giải hạng nhất?

26/09/2024 10:38 GMT+7

Một số thành viên đội tuyển VN có nguy cơ sa sút phong độ khi tham dự giải hạng nhất, do sân chơi này không được đánh giá cao bằng V-League về trình độ.

ANH TÀI HỘI TỤ

Sân chơi hạng nhất 2024 - 2025 là mùa giải đặc biệt, khi quy tụ nhiều cầu thủ giỏi, trong đó có các thành viên đội tuyển VN. CLB Bình Phước vừa chiêu mộ tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Đội Ninh Bình sở hữu Đặng Văn Lâm, Lê Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Thịnh… Hay CLB PVF-CAND vẫn có dàn sao trẻ chất lượng, trong đó nổi bật là Nguyễn Thanh Nhàn, Trần Quang Thịnh.

Tuyển thủ Việt Nam có thụt lùi vì khoác áo giải hạng nhất?- Ảnh 1.

Công Phượng bắt đầu tập luyện cùng CLB Bình Phước

ẢNH: CLB BÌNH PHƯỚC

Giải hạng nhất lâu nay bị đánh giá là thiếu sức cạnh tranh và dễ đoán, bởi phần lớn các đội tham dự không hào hứng lên V-League (do vấn đề kinh phí), chỉ hoạt động cầm chừng theo mùa. Tuy nhiên ở mùa giải này, với việc có ít nhất 3 đội bóng giàu tiềm lực đặt mục tiêu thăng hạng, cuộc đua hứa hẹn nóng bỏng và khó đoán.

Mùa trước, không tính sự vượt trội của CLB Đà Nẵng, hai đội PVF-CAND và Bình Phước đã đua tranh đến những vòng cuối mới xác định được ngôi á quân (đồng nghĩa suất play-off thăng hạng). Còn mùa giải này, trong 3 cái tên PVF-CAND, Bình Phước và Ninh Bình, chưa đội nào cho thấy sự vượt trội. Cả ba đều có đầy đủ vũ khí cho cuộc chiến cam go sắp tới, với tham vọng có mặt ở sân chơi lớn nhất bóng đá VN.

DẤU HỎI CHUYÊN MÔN

Việc một số tuyển thủ VN như Văn Lâm, Công Phượng "hạ cánh" xuống hạng nhất là tín hiệu vui cho giải đấu. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là: đá ở giải đấu kém chuyên môn so với V-League có làm kéo lùi năng lực cầu thủ?

Tại giải hạng nhất, các đội không có ngoại binh (chỉ có con số rất ít cầu thủ nhập tịch), số trận đấu ít (22 trận/mùa), mặt bằng chất lượng cầu thủ không ấn tượng, tốc độ và cường độ cũng kém V-League. Với một số đội hạng nhất không nhắm vé lên chơi V-League, động lực cũng không rõ ràng. Ở trong môi trường như vậy, cầu thủ khó duy trì năng lực chuyên môn, chứ chưa nói đến chuyện tiến bộ.

Bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: "Trong số các tuyển thủ quốc gia ở hạng nhất, tôi hơi băn khoăn trường hợp của Văn Lâm. Thủ môn Văn Lâm được đào tạo ở Nga, thi đấu tại Thái Lan, Nhật Bản và giàu kinh nghiệm ở V-League. Nhờ vậy, Văn Lâm trở thành lá chắn chất lượng cho đội tuyển VN trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, môi trường ở giải hạng nhất sẽ khác. Tôi hy vọng với kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp, cậu ấy sẽ biết cách giữ được phong độ.

Còn với Công Phượng và Ngọc Bảo lại khác. Đây là những gương mặt chất lượng, nhưng không được đá nhiều ở CLB chủ quản. Trong khi Công Phượng chỉ chơi 3 trận (tổng thời gian chưa đầy 90 phút) cho Yokohama FC trong 2 năm qua, Ngọc Bảo cũng chỉ đá chính 5 trận ở lượt về V-League mùa trước cho CLB Nam Định. Với những cầu thủ này, ưu tiên trước mắt là ra sân thi đấu thường xuyên, tìm lại cảm giác bóng và cải thiện thể lực. Việc chơi ở hạng nhất có thể lại tốt cho Công Phượng và một số ngôi sao khác. Thậm chí nhờ họ, giải hạng nhất sẽ có sức hút và tính cạnh tranh cao hơn".

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định với Báo Thanh Niên: "Trường hợp của Công Phượng rất đặc biệt. Tiền đạo này kết thúc hợp đồng với Yokohama FC khi hạn đăng ký cầu thủ V-League đã hết, nên không có nhiều lựa chọn. Hai năm qua, Công Phượng tập luyện ở môi trường chuyên nghiệp, nhưng lại ra sân rất ít. Bởi vậy, được thi đấu lúc này đã là quý giá, trước tiên cứ lấy lại phong độ đã. Tôi mong Công Phượng tiếp tục bùng nổ và thành công với quyết định này.

Còn với những tuyển thủ VN khác, họ cần cố gắng nhiều hơn. Thi đấu ở hạng nhất tuy không bằng V-League, nhưng việc tiến bộ hay không phần lớn nằm ở ý chí từng người. Liệu khi đã đủ đầy về vật chất, họ còn muốn tập luyện và thi đấu cật lực để vươn tầm không? Nếu Văn Lâm và các ngôi sao khác không ngừng nỗ lực, giải hạng nhất vẫn đáng xem và bản thân họ vẫn có thể cải thiện trình độ, dù không đơn giản".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.