|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi đến các khu dân cư để chào bán sản phẩm, Công ty CP phát triển công nghiệp và dịch vụ khoa học kỹ thuật Bách Khoa đã được UBND phường “bật đèn xanh”, cụ thể là Chủ tịch P.Láng Hạ, Q.Đống Đa đã ký tên, đóng dấu vào tờ Chương trình tổ chức truyền thông của Công ty này, và ghi rõ: Đề nghị các khu dân cư giúp đỡ triển khai. Tương tự, giấy giới thiệu của công ty này đến UBND P.Thanh Xuân Trung cũng được một Phó chủ tịch phường “chú thích”: “Kính gửi các đ/c tổ trưởng tổ dân phố khu dân cư số 1, số 8 tạo điều kiện (trong phạm vi có thể)”. Tổ trưởng một tổ dân phố thuộc P.Thanh Xuân Trung phân trần: “Khi đã có ý kiến chỉ đạo của phường thì chúng tôi đành phải thực hiện chứ cũng không biết thông tin họ mang đến là những thông tin gì.”
Điều đáng nói là trong các giấy tờ mà công ty này gửi đến các phường đều không nói rõ sự thật là quảng cáo và bán sản phẩm, mà được ngụy tạo bằng một nội dung khác, như để liên hệ truyền thông theo chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công thương về tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng; rồi “Phổ biến rộng rãi kiến thức về sử dụng ga an toàn- tiết kiệm, phòng chống nguy cơ cháy nổ tại cụm dân cư và phân biệt rau củ quả Trung Quốc”… Mô tuýp của các buổi nói chuyện này là đưa ra các thông tin đáng lo ngại về sản phẩm, dịch vụ, sau đó quảng bá các sản phẩm của công ty để người dân thấy cần thiết phải mua.
Khi tìm hiểu về Công ty CP phát triển công nghiệp và dịch vụ khoa học kỹ thuật Bách Khoa, chúng tôi phát hiện công ty này không phải đơn vị thuộc viện Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách Khoa Hà Nội (viện Vật lý) như danh nghĩa mà họ giới thiệu. Ông Nguyễn Mạnh Quyết, Giám đốc kinh doanh của công ty này- người ký các giấy giới thiệu cho nhân viên đến làm việc ở các phường kể trên, thừa nhận: “viện Vật lý không có chức năng thành lập công ty, mà công ty chỉ là đơn vị trực thuộc Sở KH-ĐT Hà Nội”.
Lý giải vì sao công ty lấy danh nghĩa của viện Vật lý để làm việc, ông Quyết nói: “Do công ty sản xuất và bán các thiết bị do viện Vật lý nghiên cứu!”.
Bản thân ông Quyết cũng thừa nhận sản phẩm máy ozone M05 của viện Vật lý sản xuất chỉ có tác dụng lọc sạch không khí và diệt khuẩn chứ không có chức năng chữa bệnh như quảng cáo của nhân viên tới các hộ dân. Ngoài ra, để tạo niềm tin của người dân, trong hồ sơ pháp lý của sản phẩm (do một nhân viên công ty này mang đến các địa phương để làm việc) lại có Giấy chứng nhận “Đủ điều kiện hành nghề sản xuất trang thiết bị y tế tư nhân” của Bộ Y tế cấp cho viện Vật lý thuộc viện KH-CN Việt Nam, chứ không phải là viện Vật lý của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Về vấn đề này, ông Quyết trần tình: “Do không kiểm soát được nhân viên mang đi giấy tờ gì nên sẽ kiểm tra và thu hồi lại?”.
Điều đáng nói là trong khi các công ty chỉ vì mục đích bán hàng đã dùng mọi biện pháp, kể cả việc mạo danh để tạo niềm tin của người tiêu dùng, thì chính quyền địa phương không những không phát hiện được để ngăn chặn, mà thậm chí, còn vô tình tiếp tay cho các công ty này đến tận các khu dân cư để quảng bá sai lệch về sản phẩm như trường hợp chúng tôi đã nêu. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền địa phương.
Vũ Thơ
>> Tuyên truyền nhảm để bán hàng
Bình luận (0)