Tuyển Việt Nam: Khi sự ổn định là xa xỉ

16/10/2015 06:41 GMT+7

(TNO) Đặc điểm nổi bật nhất của đội tuyển là gì? Câu hỏi này khi đem đi hỏi một số tuyển thủ Việt Nam đã khiến họ ngẩn người và gãi đầu 'làm khó nhau thế!'.

(TNO) Đặc điểm nổi bật nhất của đội tuyển là gì? Câu hỏi này khi đem đi hỏi một số tuyển thủ Việt Nam đã khiến họ ngẩn người và gãi đầu 'làm khó nhau thế!'.

Sự thất vọng của Nguyên Mạnh trong trận thua Thái Lan - Ảnh: Bạch Dương

Đó thực sự là câu hỏi không dễ trả lời bởi trong gần một năm rưỡi nằm dưới triều đại HLV Toshiya Miura, đội tuyển Việt Nam hầu như không bao giờ giữ được một bộ mặt liên tục, ngược lại bị xáo trộn liên miên, cả về lối chơi lẫn nhân sự.

Nhìn đi nhìn lại, có lẽ thiếu ổn định lại là đặc tính hiếm hoi thực sự rõ nét, khi đội tuyển luôn biến hình xoành xoạch ở những lần xáo bài của HLV Toshiya Miura.

Sự ổn định đang trở thành điều quá xa xỉ ở tuyển Việt Nam.

Hôm 8.10, trước Iraq, tuyển Việt Nam đã chơi với sơ đồ 4-4-2. Điều đó đã gây bất ngờ cho đối thủ và thực tế các tuyển thủ của chúng ta đã chơi một trận tuyệt vời, khác hẳn sự bối rối và thụ động trong trận mở màn vòng loại World Cup 2018 tại Rajamangala (Thái Lan).

Tại Rajamangala, tuyển Việt Nam chơi với sơ đồ 5-3-2, thực tế là 5-4-1 khi phòng ngự. Sau đó tại Municipal (Đài Loan), chúng ta đã chơi với sơ đồ 4-4-2. Về lại Mỹ Đình gặp lại Iraq, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng sơ đồ này nhưng với cách bố trí nhân sự hoàn toàn khác. Để rồi trước Thái Lan, tuyển Việt Nam quay trở lại sơ đồ 3 trung vệ, với biến thể khác hẳn trận lượt đi tại Rajamangala.

Khi hành trình tại vòng loại World Cup 2018 và Asian Cup 2019 chỉ còn 2 trận cuối cùng, tuyển Việt Nam sẽ chơi với sơ đồ nào, với nhân sự thế nào quả thực là câu hỏi có lẽ chỉ Miura mới rõ được.

Công Vinh là cái tên hiếm hoi liên tục được ra sân dưới triều đại HLV Miura - Ảnh: Bạch Dương

Sơ đồ biến đổi, nhân sự cũng theo đó đảo xoành xoạch. Sau trận mở màn gặp Thái Lan, tuyển Việt Nam đã tung ra đội hình xuất phát trên sân Municipal của Đài Loan với chỉ 3 gương mặt đá chính tại Rajamangala là Quế Ngọc Hải, Công Vinh và Thanh Hiền.

Để rồi sau đó, gần nửa đội hình chính ở Đài Loan như Hoàng Thịnh, Văn Quyết, Thành Lương… đã biến mất và thay bằng một loạt cái tên mới như Tiến Duy, Mạc Hồng Quân, Huy Toàn, Duy Mạnh, Trọng Hoàng… trong lần tiếp đón Iraq.

Và như Mỹ Đình đã chứng kiến, Trọng Hoàng chơi rất xuất sắc trong trận thắng hụt Iraq đã bị cho ngồi ngoài cả trận thua đậm Thái Lan. Huy Toàn đầy nguy hiểm bên cánh trái cũng phải nhường chỗ cho Mai Tiến Thành. Bộ tứ hậu vệ thoắt cái biến thành hàng thủ với 3 trung vệ cùng 2 tay leo biên… 

Sự thất vọng của HLV Miura tại Mỹ Đình - Ảnh: Bạch Dương

Thực ra, những tính toán của HLV Miura đều có những ý đồ, cụ thể nhất là thích ứng với từng đối thủ để khắc chế điểm mạnh và sau đó nếu có thể, khai thác yếu điểm của họ.

Tuy nhiên, nếu đó chỉ là những điều chỉnh mang tính cục bộ ngắn hạn dựa trên nền tảng về một triết lý bóng đá rõ nét sẽ khác.

Đằng này tuyển Việt Nam và cả tuyển U.23 Việt Nam nữa, đã liên tục biến hình như thế suốt từ đầu triều đại HLV Miura đến nay. Để rồi cứ mỗi lần tập trung, chúng ta lại tập kín và người hâm mộ lại có dịp để chờ xem đội tuyển của mình sẽ hóa thân vào hình hài nào, với những bất ngờ về nhân sự nào... 

Cái gì quá cũng không tốt. Mạch phong độ cứ trận trước tốt trận sau lại xìu của các đội tuyển Việt Nam dưới tay HLV Miura, một phần cũng từ đó mà ra. 

Tuyển Việt Nam, trong những lần xáo bài liên tục của HLV Miura, riết mãi giống kẻ cắm đầu xuống đất mải miết đi mà không biết mình đi đâu và đi để làm gì, để rồi xấu hổ nhìn qua người Thái bình thản trung thành với 1 lối đá trước cả kèo trên Iraq lẫn khi làm khách tại Mỹ Đình. 
Sự ổn định với chúng ta là xa xỉ. Nhưng với người Thái thì không!
Không ai điều chỉnh bộ máy đang hoạt động tốt cả

“HLV số 1 Việt Nam”, ông Lê  Thụy Hải trong một lần nhìn cầu thủ B.Bình Dương khởi động trước một trận đấu tại V-League từng trỏ tay chỉ vào Tấn Trường và nói: “Tại sao Tấn Trường không bắt chính? Là vì khi anh ấy bị chấn thương Thiện Esele bắt quá tốt. Khi Trường lành chấn thương, tại sao tôi phải cất Thiện Esele trên băng ghế dự bị?

Nếu tôi làm thế là không công bằng cho cả Thiện Esele vì anh ấy đã rất nỗ lực và đang có phong độ tốt. Làm thế, về căn nguyên sẽ không công bằng cho cả Tấn Trường. Hãy nhìn thủ môn dự bị số 3 là Minh Phong. Nếu Esele mất phong độ, Minh Phong xếp kế sau mới là người sẽ được trao cơ hội và nếu không thể hiện được thì sẽ đến lượt Tấn Trường. Tất cả mọi người đều có cơ hội ngang bằng nhau.

Quan điểm của tôi là thế. Ví dụ nhiều người hỏi tôi tại sao B.Bình Dương không điều chỉnh mà cứ một đội hình đá mãi thế. Tôi tự hỏi, tại sao lại phải thay đổi một đội hình đang chơi rất tốt và gặt kết quả tốt nhỉ? Nếu khi nào kết quả không tốt nữa thì tôi mới điều chỉnh, chứ bộ máy đang chạy ngọt tại sao lại cứ phải vọc tay vào?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.