(TNO) Càng đến sát các trận chiến mang tính sống còn, những thông tin bất lợi với thầy trò ông Toshiya Miura càng xuất hiện nhiều hơn.
HLV Miura trong buổi tập ngày 2.10 của tuyển Việt Nam - Ảnh: Minh Tú
|
Đội tuyển Việt Nam như thường lệ bị biến thành bệnh viện dã chiến và cho đến thời điểm này, đã có ít nhất 4 "chiến binh" cáo ốm hay vì lý do nào đó mà rút lui, đó là Minh Tuấn, Thanh Hào, Phí Minh Long và Văn Biển...
HLV Miura cũng đang có biểu hiện rối, thậm chí… loạn đao pháp, khi thay đổi xoành xoạch các phương án tiếp cận trận đấu, cũng như việc hiệu đính nhân sự.
1. Các trường hợp rút lui của những Văn Biển, Phí Minh Long, Minh Tuấn và Thanh Hào, gợi rất nhiều liên tưởng. Thứ nhất, phần lớn họ không phải những cầu thủ hay nhất ở vị trí sở trường và đương nhiên không phải sự lựa chọn hàng đầu của HLV Miura, khi ông gút danh sách và lên đấu pháp.
Việc chủ động xin rút, đấy là một phép tính khôn ngoan, vừa đảm bảo mình sẽ không bị tổn thương (như trường hợp của Thanh Hào, người vừa đạp gãy chân Abass Dieng (B.Bình Dương) và ít nhiều bị dư luận lên án, đòi loại khỏi đội tuyển quốc gia ở lần đầu tiên tập trung), vừa không phải bước vào trận chiến "thập tử nhất sinh".
Bóng đá Việt Nam các cấp độ đội tuyển, ở nhiều thời kỳ và ở nhiều giai đoạn, luôn có chuyện "đào ngũ", bằng cách này hay cách khác. Hẳn nhiều người chưa quên vụ hơn chục cầu thủ Đà Nẵng và phía Nam, trong đó có cả Phan Thanh Hùng, Đặng Trần Chỉnh, Trương Văn Dưỡng, Lê Văn Sinh..., nửa đêm trèo tường (Nhổn - Hà Nội) rời tuyển, khi đội bóng dưới thời HLV Vũ Văn Tư chuẩn bị SEA Games 16, năm 1991, giải đấu quốc tế đầu tiên của đội tuyển Việt Nam kể từ sau hội nhập.
Mấy năm qua, tuy là không có thêm vụ đào ngũ tập thể nào, nhưng các trường hợp nhỏ lẻ vẫn xảy ra như cơm bữa. Đó là các lần viện chấn thương mà không lên tuyển hoặc lên rồi về của trung vệ Huy Hoàng, Chí Công năm 2008. Vụ thủ môn Dương Hồng Sơn báo mất hộ chiếu phút chót, để được ở nhà trong một lần đội tuyển Việt Nam xa luân chiến và trước AFF Cup 2014.
Hay là trường hợp của Minh Châu, khi xác định mình không thể ở lại để bị loại lúc đội bóng gút danh sách, hay ngồi đó chỉ để làm phương án 2 cho các đàn em, điều mà Tấn Tài, Công Vinh và cả Anh Đức đã phải trải qua...
Huy Toàn bị đau trong buổi tập chiều 2.10 - Ảnh: Minh Tú
|
Thành ngữ "đánh trống bỏ dùi", hiểu theo nghĩa bóng, ám chỉ cung cách làm việc tắc trách, làm cho xong nhiệm vụ, làm cho có của một bộ phận người. Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, đấy là một trong những thói hư tật xấu của người Việt Nam chúng ta. Câu "trách ai tham trống bỏ dùi" mang nghĩa tương tự.
Nhưng, cũng có cách giải thích thuần nghĩa đen khác cho thành ngữ này, với giáo sư Nguyễn Lân, thì "đánh trống bỏ dùi", đặc biệt là trống trận, mang ngôn ngữ hình ảnh hơn. "Dùi" ở đây là tên gọi tiếng trống lẻ (cũng có thể là tiếng cách, gõ vào thành trống) sau những hồi trống dài, liên tục.
Từ dùi mang nghĩa của từ tiếng do phép hoán dụ mà ra, dùng phương tiện hành động chỉ kết quả của hành động. "Đánh trống bỏ dùi" tức chỉ đánh số hồi trống mà không đánh tiếng lẻ làm người nghe không hiểu được thông điệp của người đánh.
Ở ngoài thực chiến, tức trận địa, người đánh trống trận thường phải là thống soái hay ít nhất cũng chủ tướng giữ trung quân hoặc tướng tiên phong, tức là nhân vật có vai trò quan trọng bậc nhất. Và nếu họ "đánh trống bỏ dùi", không đo được thế trận, thực hư mạnh yếu giữa ta và địch, nguy cơ chiến bại là rất hiện hữu.
Tiền đạo Công Phượng từng được HLV Miura bố trí chơi tiền vệ trung tâm - Ảnh: Minh Tú
|
Sau hơn một năm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Việt Nam, HLV Miura vẫn vừa làm, vừa khám phá và vừa đi tìm giới hạn của bản thân, chứ giới hạn của nền bóng đá vốn dĩ đã có từ trước khi ông đến đây. Dưới thời HLV người Nhật Bản, các đội bóng trận được, trận mất và bản sắc trong lối chơi là thứ xa xỉ. Nhiều ý kiến cho rằng, tài nghệ của ông giáo kiêm bình luận viên bóng đá Toshiya Miura đã kịch trần rồi.
Một nền bóng đá khi thuê các HLV nước ngoài về để tham chiến các giải đấu vùng trũng, thì ưu tiên số 1 phải là thành tích, là danh hiệu dù nhỏ nhất. Thành tích sẽ đảm bảo được các cái ghế khác không bị lung lay. Ở chiều ngược lại, nếu không thể có điều tối thiểu ấy, thì đích thị HLV bất tài, hoặc không gặp thời, nên nghỉ.
Thực thể nền bóng đá, xét về yếu tố lịch sử, đáng ra chúng ta nên thuê giám đốc kỹ thuật hay các chuyên gia ngoại quốc giỏi về làm tổng công trình sư, thay vì thuê tướng đánh trận.
Và HLV Miura chưa cho thấy mình là một vị tướng đánh trận giỏi.
HLV Miura trò chuyện với cầu thủ sau buổi tập - Ảnh: Minh Tú
|
Vì quá chủ quan, chúng ta đã thua ngược Malaysia trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, dù đã nắm lợi dẫn 2-1 sau lượt đi trên sân đối phương. Đấy là ông Miura cũng "đánh trống bỏ dùi" chứ còn gì.
Nhưng, bài học xương máu ở kỳ AFF Cup trên sân nhà ấy không được rút tỉa một cách nghiêm túc và thuyền trưởng người Nhật Bản tiếp tục mắc kẹt ở SEA Games 28, khi U.23 Việt Nam chỉ thể hiện một bộ mặt nhợt nhạt, thiếu cá tính, phải dừng chân ở bán kết.
Việc dùng các hậu vệ cao to hơn trung vệ dạt ra đá biên, hoặc thường xuyên dùng bộ đôi tiền vệ phòng ngự, bất kể đối thủ mạnh yếu, hoặc nữa là trám chỗ - yêu cầu học trò phải đa năng, đá trái sở trường..., được cho là những phát kiến thú vị của HLV Miura.
Ngoài thể lực của đội bóng vốn dĩ đang được trẻ hóa, ít nhiều có cải thiện, thì khả năng đọc trận đấu và đưa giải pháp của ông Miura lại khá hạn chế. Gần đây, ông thay đổi các phương án tác chiến, độc lập kiểu du kích cũng có mà đánh xáp lá cà (pressing) cũng có, nhưng liệu có còn kịp, khi Iraq và Thái Lan đã ở quá gần?!
Toshiya Miura càng dấn càng rối, trong khi các ông chủ ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng lại "bỏ dùi", đến đâu thì đến. Phim hay đoạn cuối và hồi sau, với 2 trận đại chiến tới đây, sẽ rõ ngay thôi.
Bình luận (0)