Tuyển Việt Nam phải chơi thật nhanh và tỉnh táo!

06/01/2023 08:57 GMT+7

Hôm trước, tôi đọc trên Thanh Niên bài viết phỏng vấn cựu cầu thủ Yulianto - một gương mặt vô cùng đặc biệt của bóng đá Indonesia cách đây gần 30 năm.

Tôi nhớ Yulianto còn bởi những kỷ niệm sâu sắc cùng anh ấy khi chúng tôi còn chưa từ giã sự nghiệp cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam mà tôi vinh dự được khoác áo từng đánh bại Yulianto và đồng đội của anh ấy tại trận tranh hạng ba Tiger Cup 1996 (tên gọi cũ của AFF Cup). Một chiến thắng rất đỗi tự hào!

HLV trưởng tuyển Indonesia Shin Tae-yong (áo trắng)

độc lập

Bóng đá Indonesia hiện tại ghi khá rõ dấu ấn của HLV trưởng Shin Tae-yong, đồng hương của HLV Park Hang-seo. Đội Indonesia chuyển đổi trạng thái từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại với tốc độ rất nhanh. Sự nhuần nhuyễn có thể chưa phải ở mức tuyệt đối nhưng rõ ràng, lối chơi uyển chuyển, tinh nhanh của Indonesia sẽ trở thành thách thức cực lớn với chúng ta.

Tôi đang muốn nói đến tốc độ của trận đấu, tốc độ của những tình huống xử lý và “tốc độ” của những quyết định trong phối hợp tấn công hay phòng ngự. Cầu thủ Indonesia rất nhanh thì chúng ta phải nhanh hơn họ, có khi chỉ cần nhanh hơn nửa giây cũng giải quyết được khối vấn đề. Đối thủ của chúng ta trước đây nếu cần 3 giây để xử lý một tình huống phòng ngự thì giờ họ chỉ cần 1 giây thôi. Nên chúng ta phải nhanh hơn họ nửa giây trong xử lý tấn công. Nghĩa là phải đi trước họ một bước. Tương tự khi phòng ngự, chúng ta phải nhanh hơn nửa giây so với tình huống xử lý tấn công của đối thủ. Lối chơi thiên về tốc độ sẽ biến trận đấu có diễn tiến cực nhanh, đòi hỏi cầu thủ đôi bên phải cực kỳ tỉnh táo. Chúng ta đừng tự rơi vào cái bẫy của chính mình bởi những quyết định xuất phát từ cái đầu nóng. Hãy nhanh nhưng phải thật tỉnh táo. Nhanh mà cuống rồi đặt mình vào thế khó là điều nên tránh.

Đừng lo ngại tuyển Việt Nam sẽ bị mất sức bởi cầu thủ của chúng ta là những người biết phân phối sức một cách khá khôn khéo. Trong bóng đá, thể lực sung mãn chưa chắc đã ăn thua bằng cách biết phân phối sức. Khỏe mà không biết tự điều tiết sức lực thì khỏe đôi khi sẽ vô tác dụng. Đá bóng bằng chân mà nói đá bóng bằng “đầu” cũng là vì thế.

Tôi muốn nhấn mạnh lại, nhanh nhưng phải tỉnh. Kết hợp trên sân phải ăn khớp, bọc lót hiệu quả cho nhau. Người này lôi kéo đối phương thì người kia phải tìm cách di chuyển, chiếm lĩnh khoảng trống. Trận đấu không hề dễ dàng với chúng ta đâu nhưng bóng đá mà, dễ dàng có thể lại sinh ra chủ quan, có khi còn nguy hiểm hơn.

Những trận trước, chúng ta thường chia tỷ lệ 70% tấn công, 30% phòng ngự. Còn trận này, phòng ngự và tấn công phải ngang nhau 50 - 50. Ông Park sẽ cho tuyển Việt Nam chơi phòng ngự số đông và tận dụng phản công để ghi bàn. Sức ép từ khán đài là khá lớn. Nhưng nên nhớ sức ép đó còn đè nặng lên đội chủ nhà. Nên cứ bình tĩnh mà đá, kết quả tốt đẹp rồi sẽ đến.

Lịch sử đối đầu huấn luyện viên Shin Tae-yong: Ông Park Hang-seo tỏ ra "lép vế"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.