Chiếc vương miện của vương triều Silla (Tân La) trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc luôn khiến người xem ngạc nhiên không chỉ bởi trọng lượng (gần 1 kg), mà đằng sau vẻ đẹp tạo hình cùng câu chuyện lịch sử hiện vật ấy đã gợi mở về một hành trình ngược dòng thời gian, tìm lại thời huy hoàng xưa của vương quốc vàng ròng Silla.
|
Khán giả hâm mộ phim Hàn của màn ảnh nhỏ Việt hẳn còn nhớ tác phẩm điện ảnh cổ trang Nữ hoàng Seon Deok (2009), với hình ảnh nữ hoàng do Á hậu Hàn Quốc 1989 Go Hyun Jung thủ vai, xuất hiện với chiếc vương miện vàng cùng bộ trang sức rực rỡ.
Trong lịch sử, Seon Deok là nữ hoàng đầu tiên của vương quốc Silla và cả lịch sử Triều Tiên, có thời gian trị vì từ 632 - 647. Chiếc vương miện cùng trang sức trong loạt phim truyền hình dài 62 tập ấy đều phỏng theo nguyên bản các hiện vật khảo cổ thuộc vương triều Silla. Câu chuyện đi tìm những tuyệt tác vàng ròng của Silla ở xứ Hàn được bắt đầu từ Seoul, tiếp đến là chuyến trở về nơi khởi phát vương triều Silla xưa - thành phố Gyeongju, thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc của Hàn Quốc, cách Seoul gần 5 giờ xe chạy.
Báu vật Silla ở Seoul
Trong bộ sưu tập phong phú với hơn 15.000 hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, những hiện vật đậm dấu ấn Silla là hai tượng Phật vàng (Phật Thích Ca, Phật A Di Đà) và chiếc vương miện mang hình dáng kỳ lạ, với ghi chú khai quật ở mộ cổ Geumnyeongchong từ 1924. Tại Hàn Quốc, hiện có 6 vương miện mang kiểu thức tương tự, cùng xuất xứ từ vương quốc Silla xưa, đều là đồ tùy táng trong mộ cổ đã được khai quật gồm: Geumgwanchong (1921), Geumnyeongchong (1924), Seobongchong (1926), Gyo-dong (1972), Cheonmachong (1973) và Hwangnam Daechong (1974).
|
Tượng Phật và vương miện chính là hai dòng hiện vật biểu trưng, đánh dấu sự phát triển của Silla qua các thời kỳ. Từ khởi thủy ở năm 57 (trước Công nguyên) đến đầu thế kỷ 6 trước khi vua Beopheung (514 - 540) trị vì, giai đoạn này còn được gọi là Thời đại Tam Quốc (Triều Tiên) gồm 3 vương quốc cổ Goguryeo, Baekje và Silla. Khi ấy Phật giáo chưa trở thành quốc đạo.
Những hiện vật vàng chế tác trong giai đoạn này chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của hoàng tộc với chén, bát, đĩa, đồ trang sức… dùng trong lễ nghi trọng đại như yết triều, cúng tế. Khi vua hay hoàng hậu băng hà, rất nhiều đồ tùy táng chế tác từ vàng ròng cũng được chôn theo người đã khuất về thế giới bên kia. Những hiện vật này thể hiện kỹ thuật, tay nghề thủ công, vẻ đẹp mỹ thuật, và sự giàu có… của thời kỳ đầu Silla đạt đến đỉnh cao tột bậc, hiếm quốc gia hoặc nền văn hóa nào sử dụng vàng trong trang trí có thể bì kịp bởi số lượng và hiện vật cực kỳ phong phú.
tin liên quan
Hoàng gia Anh kiện tạp chí Pháp đăng ảnh ngực trần Công nương, đòi 1,5 triệu euroHoàng gia Anh đang yêu cầu một tạp chí Pháp bồi thường 1,5 triệu euro vì đăng những bức ảnh ngực trần của Công nương Kate Middleton, vợ của Hoàng tử Anh William
Khi Phật giáo du nhập vào Silla (527) dưới triều vua Beopheung và nhanh chóng trở thành quốc đạo, tiếp 6 vương triều các vua kế vị sau Beopheung cũng đều xưng mình là Phật Vương, đồng nghĩa với tập tục địa táng dần thay bằng hỏa táng (theo quan niệm Phật giáo). Việc sử dụng vàng chế tác vật dụng, trang sức, tiến thêm một bước mới là phục vụ việc thờ tự. Hình thái tượng thờ Phật ra đời, hai tượng Phật vàng đang trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc sở hữu những chi tiết đặc biệt, gồm kỹ thuật dập khuôn tinh tế trong chế tác vương miện được ứng dụng trên hoa văn lá đề, thân người và gương mặt Phật với nét tạo hình biểu cảm đậm chất bản địa. Đây là một minh họa tiêu biểu của mỹ thuật Phật giáo trong giai đoạn đầu phát triển nơi vương quốc Silla xưa.
|
Vàng ròng trong mộ táng Gyeongju
Một địa danh nổi tiếng có mối liên hệ mật thiết với Silla chính là cố đô Gyeongju - cái nôi của vương triều Silla - nơi còn lưu nhiều dấu tích đặc biệt liên quan đến sự phát triển rực rỡ của thời kỳ này như chuỗi mộ cổ hoàng triều ở khu Daereungwon (mang niên đại từ cuối thế kỷ thứ 4 đến đầu thế kỷ 6), chiêm tinh đài Cheomseongdae - tháp thiên văn cổ nhất châu Á do nữ hoàng Seon Deok xây dựng (thế kỷ 7)… Những di chỉ này cho đến nay đều đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Đến với Gyeongju, ngoài các di tích tham quan đậm dấu ấn lịch sử - kiến trúc - văn hóa, số lượng hiện vật làm từ vàng ròng của vương triều Silla đang lưu giữ ở Bảo tàng Quốc gia Gyeongju cũng sẽ mở ra một thế giới khám phá thú vị khác. Ở đó, người xem sẽ có cơ hội đào sâu những thông tin về đời sống vương triều Silla thông qua các hiện vật tùy táng được khai quật.
Ấn tượng trong đó là khu vực trưng bày số 2 ở Bảo tàng Gyeongju, gồm các hiện vật từ ngôi mộ đầu tiên được khai quật vào tháng 9.1921 có tên Geumgwanchong. Giới khảo cổ gọi là “mộ vương miện vàng ròng”, nơi phát hiện chiếc vương miện đầu tiên của thời kỳ Silla và cũng là vương miện lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại. Trong số hơn 40.000 hiện vật tùy táng ở Geumgwanchong gồm nhiều vàng, bạc, đá quý, vòng ngọc, nhẫn, vương miện, dây đeo, đai lưng, các nhà khảo cổ còn tìm được một thanh kiếm, trên lớp nạm bạc có dòng minh văn ghi rõ “Isaji Vương”, hình thành giả thuyết đây chính là mộ phần của vua Isaji. Một chi tiết được Kim Yeon Ho - hướng dẫn viên của Bảo tàng Gyeongju, chia sẻ rằng khi khai quật mộ cổ này, chiếc vương miện được úp lên mặt chứ không đội trên đầu, cho thấy kiểu tùy táng của người Silla tương tự cách người Ai Cập sử dụng trong xác ướp các vị Pharaoh.
|
|
Một không gian triển lãm đặc biệt khác là các hiện vật từ mộ đôi Hwangnam Daechong, đây là mộ lớn nhất ở Gyeongju với chiều cao lên đến 23 m, nơi chôn cất thi hài vua và hoàng hậu. Ở mộ phần hoàng hậu, các hiện vật tùy táng nổi bật là vương miện làm từ vàng phiến, trên đó đính ngọc đá lục bảo, dây đai lưng cũng là vô số các miếng vàng nối kết bằng khóa móc được chế tác tinh xảo. Vương miện trong mộ vua lại được chế tác từ bạc và đồng. Dấu chỉ này cho thấy vương triều Silla khi ấy mang nhiều ảnh hưởng nữ quyền trong đời sống hoàng tộc, và vị thế hoàng hậu được xem trọng hơn vị thế quốc vương.
Điểm tương đồng trong vương miện của thời kỳ Silla là sử dụng kỹ thuật dập khuôn, tạo hình như nhành cây, hoặc như chiếc sừng nai, đính miếng vàng nhỏ tượng trưng cho lá, các hạt ngọc tượng trưng cho sinh mệnh con người. Ngoài vẻ đẹp tuyệt mỹ từ chiếc vương miện, đai lưng cũng trang trí thêm những dây xà tích mang độ thẩm mỹ cao. Thật khó để hình dung từ cách đây hơn 1.500 năm, người Silla đã có thể chế tác những tuyệt phẩm như vậy.
|
|
Bên cạnh đồ tùy táng vàng ròng, còn có khá nhiều đá mã não, thạch anh, thủy tinh, hạt gốm trang sức… Sản phẩm này không do cư dân Silla làm nên, mà du nhập theo con đường tơ lụa trên biển từ các nước thuộc khu vực Trung Đông xuyên Ấn Độ Dương, đến các nước châu Á. Các thương cảng cổ của Việt Nam thuộc văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, Chămpa cũng từng là trạm trung chuyển của con đường huyền thoại này, do vậy không khó để nhận ra những hiện vật từ mộ táng Silla mang nhiều điểm tương đồng về chất liệu với những hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo, Chămpa, Sa Huỳnh ở Việt Nam.
Với gần 1.000 năm tồn tại không gián đoạn (57 TCN - 935 SCN), Silla là triều đại có lịch sử phát triển dài nhất toàn vùng châu Á. Khám phá vẻ đẹp một thời hưng vượng Silla thực là một hành trình hấp dẫn, là cơ hội diện kiến những hiện vật vàng ròng mang kỹ thuật tạo hình đặc biệt, trang trí tinh xảo, đẹp toàn mỹ.
Bình luận (0)