Vương quốc của vàng

12/08/2017 14:08 GMT+7

Sau 4 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc), chúng tôi đã đến Gyeongju, cố đô của vương quốc Silla.

Silla được hình thành từ năm 57 trước Công nguyên, là một trong ba vương quốc Triều Tiên cổ đại (2 vương quốc còn lại là Goguryeo và Baekje) thống trị bán đảo Triều Tiên. Đến thế kỷ thứ 7, ba vương quốc thống nhất, tạo nên vương triều Silla mới đặt kinh đô ở Gyeongju. Triều đại Silla thống nhất (tồn tại đến năm 935) đã phát triển vô cùng rực rỡ về nhiều mặt trong đó có kinh tế, nghệ thuật. Điều đó được minh chứng qua những cổ vật bằng vàng mà các nhà khảo cổ đã khai quật được tại đây. Chẳng thế mà người ta gọi Silla là vương quốc của vàng.
Huyền bí mộ cổ
Chúng tôi rảo bước giữa khu lăng mộ hoàng gia, cảm nhận sự huyền bí tỏa ra từ những ngôi mộ cổ. Những ngôi mộ nằm gần kề nhau, trông như những ngọn đồi nhỏ phủ màu xanh mướt mát của cỏ cây. Khoảng 23 ngôi mộ lớn đã được tìm thấy ở đây, trong đó có nhiều ngôi mộ đã được khai quật. Tại đó, người ta tìm thấy vương miện, những vật dụng, trang sức… làm bằng vàng, bạc, châu báu đá quý, minh chứng cho cuộc sống xa hoa của gia tộc xưa kia. Khi đến thăm Bảo tàng Quốc gia Gyeongju, được tận mắt nhìn thấy những cổ vật quý này, chúng tôi mới thực sự choáng ngợp.
Mọi người ai nấy đều không khỏi trầm trồ trước chiếc vương miện được tìm thấy trong khu mộ Geumgwanchong. Một cổ vật có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 - 6, không chỉ mang biểu trưng cho quyền lực, sự giàu có mà còn khiến những con người của thời hiện đại kinh ngạc với kỹ thuật chế tác tinh xảo, tạo tác giống như một tác phẩm nghệ thuật.
Chiếc vương miện nặng tới trên 1 kg được tạo tác chủ yếu bằng vàng, với những sợi dây tua được gắn đá quý. Đây cũng là chiếc vương miện lớn nhất của triều đại Silla được tìm thấy cho đến tận bây giờ. Những chiếc hoa tai, vòng cổ bằng vàng, ngọc được chế tác tinh xảo, có đủ kiểu dáng không kém phần thời trang, sành điệu. Từ những chiếc áo giáp cho đến những vật dụng như bát, chén... tất cả đều được làm bằng vàng.
Một điều đặc biệt, trong số những hiện vật của triều đại Silla được phát hiện thấy, có nhiều hiện vật mang phong cách nghệ thuật của khu vực Tây Á, Trung Á, Đông Nam Á... Nhân viên bảo tàng giải thích cho chúng tôi, những cổ vật này được đưa đến Silla từ nhiều nơi trên thế giới.
Đó cũng là minh chứng cho thấy trong triều đại Silla, giao thương và giao lưu văn hóa với thế giới đã rất phát triển thông qua con đường tơ lụa. Trong lịch sử, con đường tơ lụa có đi qua VN. Vào cuối năm nay, tỉnh Gyeongju sẽ tổ chức lễ hội văn hóa thế giới tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó có hoạt động tái hiện hành trình của con đường tơ lụa.
Vương quốc của vàng 2
Đài thiên văn cổ nhất châu Á còn tồn tại Ảnh: Ngọc An
Đài thiên văn cổ nhất châu Á
Chúng tôi tới đài thiên văn Cheomseongdae nằm ngay trong khu lăng mộ. Cảm giác của những du khách như chúng tôi không phải là sự choáng ngợp giống như khi đứng trước một công trình kỳ vĩ mà là sự thích thú khi được tận mắt nhìn thấy một công trình kiến trúc cổ đã tồn tại qua hơn 1.000 năm lịch sử.
Cheomseongdae là đài thiên văn cổ nhất còn tồn tại ở châu Á cho đến ngày nay, được xây dựng trong triều đại Silla dưới thời trị vì của nữ hoàng Seon-deok (632 - 647). Tháp được xây từ 362 viên đá granite, thể hiện cho 362 ngày trong năm theo lịch âm lịch của người Silla. Các viên đá xếp chồng nhau tạo thành 27 lớp. Theo suy luận của các nhà nghiên cứu, con số 27 này có thể trùng với việc nữ hoàng Seon-deok cũng chính là vị vua thứ 27 của triều đại Silla.
Silla không chỉ phát triển về kinh tế, giao thương, văn hóa, nghệ thuật mà còn phát triển về mặt khoa học. Thiên văn học và chiêm tinh học là một phần quan trọng trong cuộc sống của triều đại Silla. Với đài thiên văn Cheomseongdae, người Silla xưa đã nghiên cứu các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng phục vụ cho việc quản lý nông nghiệp.
Ngắm trăng ở ao sen
Cũng như hầu hết các du khách khi đến Gyeongju, chúng tôi không thể bỏ qua cơ hội đi ngắm trăng ở ao sen Anapji. Một điều đặc biệt là ao sen chỉ mở vào buổi tối từ 8 giờ đến 12 giờ đêm. Bác tài xế bảo rằng, dù chúng tôi chưa có cơ hội đến ao sen vào đúng ngày trăng tròn nhưng nhờ thế lại được thong thả hơn, bởivào những ngày đó các đoàn du khách và cả người dân địa phương đến đây rất đông.
Bước qua cánh cổng ao sen Anapji, có cảm giác như đang đi lạc vào một thế giới khác. Vẻ đẹp của thiên nhiên và những công trình kiến trúc do con người tạo nên đan xen vừa thực vừa ảo. Những ánh sáng le lói cuối cùng của ngày tắt dần. Những chiếc đèn chiếu sáng với nhiều sắc màu rọi vào lầu vọng nguyệt, tất cả in bóng xuống mặt hồ thật lung linh, huyền ảo. Câu chuyện lịch sử về ao sen Anapji được kể lại qua những tấm bảng giới thiệu cùng những cổ vật đã được các nhà nghiên cứu khai quật tại nơi này.
Anapji được xây dựng từ năm 674 dưới thời trị vì của vua Munmu, vị vua thứ 30 của triều đại Silla. Khi đó, nơi đây là một khu vườn trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại thú quý hiếm, dành riêng cho hoàng tộc và các sứ giả nghỉ ngơi. Khi triều đại Silla sụp đổ, khu vườn bị bỏ hoang và dần bị lãng quên. Chiến tranh cũng đã tàn phá nơi này. Đến năm 1974, Anapji được xây dựng lại.
Đi trên con đường vòng quanh ao, bên những khóm trúc xanh, giữa những khúc nhạc xưa êm ái, trong lòng cảm thấy thật bình yên, tôi chẳng muốn rời khỏi thế giới vừa hư vừa thực ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.