TVQH phải cho ý kiến việc không đúng thẩm quyền vì nhiều đầu mối quản lý nợ công?

Vũ Hân
Vũ Hân
11/07/2018 21:28 GMT+7

Đứng trước tình huống UB TVQH phải xử lý một việc không đúng thẩm quyền vì sự "trật nhịp" của 3 đầu mối quản lý nợ công , Chủ tịch Quốc hội lập tức yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát việc thực hiện luật.

Chiều nay 11.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 cho tỉnh Bình Thuận - một việc mà Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết là không đúng thẩm quyền, vì bổ sung dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, thì đây là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ, còn 75 tỉ đồng nếu không giải ngân sẽ bị nhà tài trợ cắt, vì hiệp định viện trợ quy định các hoạt động của dự án phải kết thúc chậm nhất vào 31.12 tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, do đây là viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nên việc bổ sung dự toán sẽ không gây tác động đến nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước 2018.
Cho ý kiến về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: “UB TVQH không có quyền bổ sung dự toán, nhưng nếu UB TVQH không cho giải ngân, đợi Quốc hội họp thì sẽ chậm, nên xin Thường vụ đồng ý cho tiếp nhận khoản này và cho giải ngân, rồi trình ra Quốc hội cùng với trường hợp của Cao Bằng, Bắc Kạn để Quốc hội có nghị quyết vào tháng 10".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ quan điểm “TVQH không có thẩm quyền bổ sung dự toán", nhưng "vì đây liên quan đến hiệp định viện trợ, phải hoàn thành trước 31.12.2018, là lợi ích quốc gia, nên đồng ý cho Chính phủ triển khai tiếp tiền viện trợ cho Bình Thuận, còn thủ tục thì tháng 10 Chính phủ báo cáo Quốc hội cùng các tỉnh khác”; tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt dấu hỏi: vì sao dự án đã có từ trước mà Chính phủ không đưa vào dự toán ngân sách 2018?
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Đây là hậu quả của cơ chế quản lý nợ công cũ, mà cụ thể là trong Nghị định 16. Do việc giao thoa, phối hợp chưa chặt chẽ, nên khi làm dự toán 2018, chúng tôi không biết, UBND tỉnh Bình Thuận cũng không báo cáo. Đây đúng là sơ sót. Anh quản lý đầu mối (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phóng viên) không nói gì, anh thụ hưởng (UBND tỉnh Bình Thuận - phóng viên) không nói gì, ông Bộ Tài chính tổng hợp thì không biết, nên giờ nó mới chòi ra thế này. Các đồng chí phê bình tôi xin tiếp thu”.
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng “tiết lộ” thêm là cho đến cuộc họp tuần trước của Chính phủ về sửa Nghị định 16 thì việc quản lý vốn ODA không hoàn lại vẫn giao 3 đầu mối quản lý: WB, ADB thì vẫn giao Ngân hàng Nhà nước; các quốc gia là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Tới đây, sửa Nghị định 16, nếu kể cả viện trợ hoàn lại và không hoàn lại đều đưa về một đầu mối đúng theo tinh thần của luật Quản lý nợ công thì sẽ khắc phục được việc chúng ta báo cáo và xử lý kịp thời niên độ từng năm ngân sách”, Bộ trưởng Tài chính nói thêm.
Cũng theo ông Dũng, luật Quản lý nợ công mới đã có hiệu lực từ 1.7 vừa qua. Việc triển khai luật mới có 6 nghị định giao Bộ Tài chính soạn thảo thì đã ký ban hành hết, còn sửa Nghị định 16 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang còn một số ý kiến khác nhau (liên quan đến việc tập trung một đầu mối quản lý nợ công). Vừa rồi, Thủ tướng họp có kết luận phải thực hiện theo tinh thần luật Quản lý nợ công mới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.