Theo Telegraph, chuyên gia Aleksandr Kogan, người đã tạo ra các bài trắc nghiệm, câu hỏi khảo sát cho Cambridge Analytica để thu hoạch hơn 80 triệu dữ liệu người dùng Facebook cũng chính là nhân vật mua lại dữ liệu từ Twitter vào năm 2015.
Ông Kogan khẳng định những dữ liệu của Twitter không liên quan tới công việc của ông đối với hoạt động của Cambridge trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo The Next Web, các thông tin từ Twitter được thu thập chỉ trong một ngày, không giống như vụ Facebook. Công ty Global Science Research (GSR) của Kogan được trao quyền truy cập vào các dữ liệu trên nền tảng này, với một khoản tiền chưa tiết lộ.
Đại diện Twitter trả lời trên Bloomberg xác nhận năm 2015 công ty GSR đã được cấp phép truy cập các mẫu ngẫu nhiên trong giai đoạn kéo dài 5 tháng từ Twitter. Việc cấp phép này chỉ diễn ra một lần. “Dựa trên các báo cáo và điều tra của chúng tôi hiện tại, không có truy cập nào vào dữ liệu cá nhân của những người sử dụng Twitter”, vị này khẳng định.
Đến nay, cả Cambridge Analytica lẫn ông Kogan đều giữ quan điểm không có vấn đề phi đạo đức nào xảy ra trong vụ scandal với Facebook, và trường hợp với Twitter cũng vậy. Vị đại diện của Twitter cho biết hãng chưa từng nhận được thông báo nào liên quan đến các dữ liệu mà GSR đã có.
Tuy nhiên, thông tin cá nhân sẽ rất có giá trị nếu được kết hợp lại từ những gói dữ liệu tưởng chừng không liên quan. Giống như chơi ghép hình, khi ai đó đã xong 99% quá trình, miếng ghép cuối cùng vẫn luôn có giá trị.
Kogan, Twitter và Cambridge Analytica đều phủ nhận những điều đã xảy ra, nhưng các chuyên gia vẫn nghi ngờ rằng những người liên quan tới vụ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đều được hưởng lợi từ các dữ liệu mà GSR đã mua được của Twitter.
Bình luận (0)