Tỷ giá chịu sức ép

Thanh Xuân
Thanh Xuân
13/09/2023 06:23 GMT+7

Mặc dù nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào nhưng tỷ giá vẫn đứng trước áp lực tăng. Đặc biệt chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng có nguy cơ tăng vào cuối tháng 9 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất.

Tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng

Sau nhiều ngày giảm, giá USD tại các ngân hàng (NH) đã tăng trở lại trong những ngày gần đây. Ngày 12.9, các nhà băng đã tăng thêm 20 - 35 đồng/USD so với ngày 11.9. Giá mua USD tại Vietcombank lên 23.890 - 23.920 đồng, bán ra lên 24.260 đồng. ACB mua USD với giá 23.900 - 23.950 đồng, bán ra 24.250 đồng. Eximbank mua vào 23.860 - 23.940 đồng, bán ra 24.250 đồng… So với cách đây 1 tháng, các nhà băng đã tăng giá USD thêm 340 đồng, tương ứng 1,42%. Thế nhưng so với mức cao nhất đạt được cách đây 2 tuần, giá đô la Mỹ đã giảm 100 đồng. Trong ngày 12.9, tỷ giá giao dịch giữa các nhà băng quanh mức 24.050 - 24.100 đồng.

Tỷ giá chịu sức ép - Ảnh 1.

Giá USD tăng, lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng

NGỌC THẮNG

Trước đó 1 ngày, ngày 11.9, tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 đồng, tăng 12 đồng so với cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 393 đồng, tương đương 1,66%. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.805 - 25.205 đồng/USD.

Trong khi đó, lãi suất USD giao dịch giữa các NH cao hơn tiền đồng vẫn duy trì từ 0,4 - 4,8%. Lãi suất USD ở các kỳ hạn từ qua đêm đến 6 tháng từ 5,03 - 5,61%/năm. Riêng lãi suất tiền đồng giảm gần về mức 0% ở một số kỳ hạn, dao động từ 0,2 - 5,04%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện nay đang duy trì mức lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%, là mức lãi suất cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Vào cuối tháng 9, Fed sẽ có một cuộc họp về chính sách tiền tệ. Dự báo thị trường có khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 0,25%. Trong trường hợp Fed tăng lãi suất, khả năng gây áp lực thêm cho lãi suất USD trong nước sẽ tiếp tục đi lên.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, tỷ giá chịu áp lực khi chỉ số USD-Index leo lên mức cao gần 105 điểm vào đầu tháng 9, tăng 2,9% so với cuối tháng 7.2023. Đà tăng này được thúc đẩy bởi sự lo ngại về khả năng Fed có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND liên NH lên mức 24.073 vào đầu tháng 9, tăng 1,6% so với cuối tháng 7.2023 và tăng 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, bao gồm Thái Lan tăng 2,5% so với đầu năm, Trung Quốc tăng 5,5% và Malaysia tăng 5,9%.

Không quá lo ngại

Theo đánh giá của VNDirect, tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp. Dẫu vậy, có những yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay. 

Chẳng hạn, thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 8 tháng đầu năm xuất siêu ước đạt 20,19 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, là mức kỷ lục từ trước đến nay. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký vào VN đạt 18,15 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của VN. VNDirect cho rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD dưới 3% sẽ thúc đẩy, tăng khả năng hoạt động xuất khẩu của VN. Ngoài ra, ít có khả năng khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi VN.

Ông Nguyễn Hữu Huân (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tỏ ra thận trọng hơn khi đặt vấn đề: Mặc dù cán cân thương mại dương nhưng cũng cần phải xem các cán cân vốn, cán cân dịch vụ khác có dương hay không để tính được tổng thể nguồn ngoại tệ. Với góc nhìn đó, ông Huân đánh giá từ nay đến cuối năm vẫn còn áp lực tỷ giá dù rằng xuất siêu đạt con số cao. Lý do đến từ lãi suất USD hiện ở mức cao, tầm 5%/năm, trong khi tiền đồng vào khoảng 5-6%/năm. Điều này có khả năng sẽ khiến dòng vốn đầu tư hạn chế chảy vào VN. 

Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước không còn dư địa để giảm lãi suất điều hành, cũng như việc nới lỏng chính sách tiền tệ khó hơn. Trước áp lực như vậy, giải pháp cần đưa ra cho những tháng cuối năm là từ từ điều chỉnh giá USD tăng lên nhiều hơn mức đề ra từ đầu năm khoảng 3%.

Ông Nguyễn Hữu Huân nhận định thông thường khi điều chỉnh giá USD tăng lên, nguy cơ lạm phát sẽ gia tăng. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đang nguội vì sức cầu thấp thì không quá đáng quan ngại. Hoạt động xuất khẩu được xem là động lực phát triển kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn nên tăng giá USD sẽ hỗ trợ cho hoạt động này nhiều hơn. "Ở đây cần "hy sinh" phần nào tỷ giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tăng dần giá USD, tránh tăng sốc còn giúp tránh việc Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối can thiệp thị trường như hồi năm 2022", ông Huân đề xuất.

Ngân hàng Nhà nước thông tin kể từ đầu tháng 7 đến nay, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá có xu hướng tăng sau khi Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2023 (26.7). Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Huy động vốn của các ngân hàng tăng

Tính đến ngày 16.8, huy động vốn của các NH tăng 4,65%, trong đó huy động tiền đồng tăng 6,47%, huy động ngoại tệ giảm 15,06%. Trong khi tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,54%, trong đó tín dụng tiền đồng tăng 4,12%, tín dụng ngoại tệ tăng 13,71% so với cuối năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.