Khi mắc bệnh, nhiều người có tâm lý cho rằng mình chỉ sốt thông thường, dẫn đến nguy cơ bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue (gọi tắt là SXHD) đang có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Nguyên nhân gây bệnh SXHD là do một loại vi rút có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang vi rút Dengue đốt người. Vi rút Dengue có 4 type huyết thanh: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Hiện VN chưa ghi nhận biến chủng gây bệnh dịch này, nhưng ghi nhận cả 4 type, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 (DEN-1) vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác, và có thể mắc 4 lần với 4 type kể trên.
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 13 ca mắc SXH tử vong; tỷ lệ ca mắc SXH nặng hiện đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2021 và gấp 2 lần năm 2019. Nguyên nhân nặng hầu hết do các ca mắc SXH đến bệnh viện muộn.
Bộ Y tế đề nghị sở Y tế các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài trong cộng đồng.
Dễ nhầm với sốt vi rút thông thường
Theo Bộ Y tế, triệu chứng của SXH dễ nhầm với sốt vi rút thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đây, phần lớn chúng ta đều cho rằng SXH là bệnh của trẻ nhỏ, bởi hơn 90% các trường hợp mắc SXH xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở VN, tình hình SXHD đang diễn biến ngày một phức tạp ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.
Sốt xuất huyết dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ thành dịch |
shutterstock |
Lưu ý triệu chứng gây nguy hiểm
SXH thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên (giai đoạn 1), các triệu chứng SXH rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút thông thường, vì bệnh thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 - 2 ngày đầu.
Giai đoạn 2 (từ khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt), các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi); nặng hơn có thể thấy chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng: đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ.
Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3 là giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này vẫn có thể xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.
Khi nghi ngờ bị SXH, người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để được điều trị kịp thời, theo dõi sát và xử trí đúng, vì SXH gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại nhà, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường, nếu có cần phải đến bệnh viện ngay.
Lưu ý, khi điều trị và theo dõi SXH tại nhà, người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
Bình luận (0)