Tỷ lệ mất việc gia tăng

27/07/2011 01:26 GMT+7

Các chính sách an sinh xã hội được coi là điểm sáng ấn tượng của nhiệm kỳ vừa qua trong công tác tham mưu, ban hành chính sách của Bộ LĐ-TB-XH. Nhưng việc tạo việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm lại có vẻ chật vật.

Lần đầu tiên đăng đàn trước QH ngày 31.5.2008, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân khi đó thừa nhận, xóa đói giảm nghèo cho bộ phận nông dân là một đề tài “đau đầu” và "tôi chưa báo cáo được giải pháp gì mới”. Nhưng sau đó, nếu như năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 14,75%, thì đến năm 2010 thành tích giảm nghèo của VN được coi là một thành tựu lớn. Mục tiêu giảm nghèo đã hoàn thành trước một năm so với kế hoạch đề ra, vượt quá mục tiêu mà QH đề ra tới 10%.

 

Thu nhập công nhân ngành may không đảm bảo cuộc sống - Ảnh: Ngọc Thắng

Một số chỉ tiêu kế hoạch 2011-2015

- Phấn đấu thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho 8 triệu LĐ, bình quân 1,6 triệu người/năm. Cụ thể, tạo việc làm trong nước cho 7,55 triệu người, XKLĐ 450.000 người.
- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 5%, nông thôn dưới 3%.
- Mức tiền lương tối thiểu đạt 70% mức trung bình ASEAN và mức tiền lương trung bình/tháng/LĐ tăng 10-12%.
- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 55%.
- 5.000 trẻ em thoát khỏi điều kiện LĐ nặng nhọc vào năm 2013. Xóa bỏ các hình thức LĐ trẻ em vào năm 2016.

Tuy nhiên, ngành LĐ-TB-XH trong nhiệm kỳ qua phải đối mặt với thách thức rất lớn là tình trạng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến thiếu việc làm, thất nghiệp, đình công gia tăng, thị trường xuất khẩu lao động thu hẹp… Liên tiếp trong 2 năm, 2008-2009, chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động (NLĐ) đều không đạt mục tiêu đề ra. Năm 2011, mặc dù đã hạ thấp chỉ tiêu tạo việc làm mới từ 1,7 triệu người xuống còn 1,6 triệu người, song theo dự báo của bộ này công bố hồi cuối tháng 6, đạt chỉ tiêu này rất khó khăn, ước tính chỉ có thể tạo việc làm cho 1,52 triệu người.

Trong 3 năm 2007-2009, tỷ lệ thất nghiệp đều gia tăng, từ 4,64 % lên 4,66%. Nếu như trong năm 2008, có khoảng 80.000 LĐ mất việc, thì theo báo cáo thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH đến cuối năm 2009, cả nước đã có 133.262 LĐ bị mất việc làm.

Vấn đề đình công đã được các đại biểu chất vấn tại QH, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh Luật LĐ, tăng cường giáo dục pháp luật cho công nhân và người sử dụng LĐ; tiến hành ký thỏa ước LĐ tập thể ngành; lập chương trình xây dựng nhà ở xã hội; xây dựng chương trình cải cách tiền lương;… Tuy nhiên, cho đến nay đình công vẫn là vấn đề dai dẳng. Nếu năm 2008, cả nước xảy ra 800 vụ đình công được xem là con số "kỷ lục", thì trong 6 tháng đầu năm 2011, thống kê chưa đầy đủ cả nước xảy ra 440 cuộc đình công, ngừng việc tập thể (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian và sức lực mà NLĐ phải bỏ ra.

Trong khi tỷ lệ mất việc gia tăng thì LĐ phổ thông người nước ngoài lại phổ biến ở các công trường, tỉnh, thành.

 

Kỳ vọng

LĐ có nghề và sống được bằng nghề

Mong Bộ trưởng mới tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống chăm lo cho người dân, đặc biệt những người có công, người nghèo; chăm lo cho thanh niên, nông dân để làm sao NLĐ thông qua nghề nghiệp của mình đời sống được cải thiện. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến an toàn vệ sinh LĐ. Hơn lúc nào hết phải có những giải pháp và chính sách an sinh xã hội giảm bớt những khó khăn cho NLĐ, để NLĐ có nghề, sống bằng nghề.

Bà Nguyễn Thị Hằng
Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội Dạy nghề VN

Bảo vệ quyền lợi cho NLĐ

Theo tôi, Bộ trưởng mới cần quan tâm đến 3 việc. Thứ nhất, tiếp tục tạo việc làm mới, giữ vững việc làm ổn định, cố gắng để LĐ dôi dư, LĐ thất nghiệp giảm đi. Đối với LĐ thất nghiệp, cần có chính sách dự phòng, chẳng hạn như quỹ đối với LĐ thất nghiệp. Thứ hai, quan tâm lực lượng đến tuổi LĐ. Bảo vệ quyền lợi cho LĐ cũng là vấn đề quan trọng.

ĐBQH Lê Như Tiến
Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của QH

Tiền lương đảm bảo cuộc sống

3 năm gắn bó với nghiệp may, mỗi năm tăng lương một lần nhưng mỗi lần tăng chỉ 100 - 150 ngàn đồng, tính ra lương cơ bản chỉ hơn 1 triệu đồng. Nếu cộng cả 12 - 15 tiếng vắt kiệt sức trên máy may/ngày, mỗi tháng thu nhập của chúng tôi khoảng  2,5 triệu đồng. Số tiền trên không đáng là bao và không bù nổi cho chi phí tăng hằng ngày. Chúng tôi không muốn đình công, chỉ muốn có một công việc ổn định.

Nguyễn Thị Huyền
C
ông nhân làm việc tại KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội

Những điểm sáng, tối trong nhiệm kỳ 2006-2011

Điểm sáng

- Gần 40% trong tổng chi ngân sách nhà nước được dành cho an sinh xã hội
- Hoàn thiện chính sách bảo hiểm (BH) xã hội, BH thất nghiệp, BH y tế; xây dựng lộ trình cải cách chế độ tiền lương và các chính sách về thị trường lao động
- Ban hành chuẩn nghèo, cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 và ban hành Nghị quyết của Chính phủ về giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020
- Ứng phó nhanh trong việc giải cứu 10.000 LĐ VN trong vùng chiến sự Libya hồi đầu năm 2011

Điểm tối

- Tình trạng trẻ em bị xâm hại, ngược đãi vẫn diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng, báo động về trách nhiệm xã hội, gia đình đối với việc chăm sóc trẻ em
- Mặc dù pháp luật VN cấm sử dụng LĐ trẻ em dưới 15 tuổi ở cả nông thôn lẫn thành thị, nhưng hiện có khoảng 25.000 trẻ em VN phải LĐ trong điều kiện tồi tệ
- LĐ nước ngoài không phép ồ ạt vào VN. Theo Bộ LĐ-TB-XH, năm 2010 có 50% trong gần 57.000 LĐ nước ngoài đang làm việc ở VN không có phép
- Trong 5 năm qua, xuất khẩu LĐ liên tiếp gặp khó. Bên cạnh lý do bất khả kháng, còn có nguyên nhân công tác quản lý chưa chặt chẽ, thẩm định không kỹ, tuyển dụng ồ ạt chất lượng LĐ thấp, không thẩm định kỹ đối tác, thu phí cao...

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.