Ba tôi luôn tự hào là mình từng sinh sống ở Cà Mau. Nhưng khi tôi hỏi ba về vùng Đất Mũi thì ba “ú ớ” vì không nhớ lắm! Má tôi cười: “Ông bà nội hoạt động cách mạng tại miệt U Minh Hạ (Cà Mau) nên sinh ổng trong rừng rồi ẵm đi nơi khác chứ ổng có ở đó đâu mà biết”. Ba chống chế: "Thì Cà Mau là nơi chôn nhau cắt rún của tui mà!". Mùa hè, tôi quyết tâm khám phá vùng Đất Mũi, tận mắt xem nơi "chôn nhau, cắt rún" của ba ra sao! Tôi rủ thêm vài người bạn đi cùng và bắt đầu hành trình về với U Minh Hạ.
Bắt đầu hành trình về với U Minh Hạ... |
thiên anh |
Tôi có ấn tượng đặc biệt khi vào địa phận U Minh bởi hai bên đường lau sậy mọc um tùm thành từng đám cao, che lút người. Những ngôi nhà lụp xụp cất theo kiểu tựa nhà sàn với những cái ao, con kinh nở đầy bông súng đỏ, phía trước mỗi nhà đều có chiếc xuồng nhỏ. Hỏi thăm đường vào rừng, một bác trai vừa bơi xuồng hái bông súng từ dưới dòng kinh lên, nói tỉnh queo: "Xa lắm, rừng rú mênh mông, mà ở trỏng có giống gì đâu mà tụi bây đi, toàn cây rừng với muỗi không à, ở xứ Cà Mau này, trâu bò còn ngủ trong mùng, huống chi đi tuốt vô miệt U Minh". Thấy chúng tôi quyết tâm đi bằng được, bác nhiệt tình hướng dẫn: "Ở trỏng không có chỗ qua đêm, đến giờ là đóng cửa rừng, lơ mơ là chết đói như chơi. Đói thì trở ra đây tao cho ăn bông súng chấm kho quẹt hổng lấy tiền!". Bác chỉ vào chiếc xuồng chở đầy bông súng đỏ dưới kinh, cười ha hả. Cám ơn bác trai tốt bụng, tôi hứa sẽ quay lại xin "ăn ké" nếu không tìm được quán ăn.
Thiên nhiên hùng vĩ, sống động
Từ cửa rừng (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), xe chạy mãi cho đến khi hiện ra cổng chào "Vườn quốc gia U Minh Hạ” với con đường hun hút dài chen giữa hai rặng chuối xanh tốt và rừng tràm tuyệt đẹp.
Tôi leo lên đài quan sát cao 24 mét, phóng tầm mắt nhìn bao quát và không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn màu xanh của rừng như kéo dài vô tận, cảm thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên. Tôi thuê vỏ lãi chạy dọc theo những con kinh bắt đầu khám phá khu rừng hoang sơ đầy bí ẩn trong tiếng máy nổ ồn ào và hương tràm thơm ngát. Bèo, lục bình nhiều và dày đến nỗi những con chim Trích cồ màu sắc sặc sỡ đi lại trên mặt bèo mà không bị rơi xuống nước. Tôi thích thú nhìn đám bình bác mọc vươn ra lòng sông, trái chín lúc lỉu chạm trên mặt nước. Sóc và khỉ ở đây rất đông. Thấy chiếc vỏ lãi lướt qua, đám khỉ hè nhau hái trái chín ném chúng tôi, có mấy trái văng gọn vào lòng vỏ lãi, nhờ vậy tôi được thưởng thức vị bình bác giữa rừng U Minh. Muỗi thì to, hung hăng và nhiều vô kể, từng bầy xông vào tấn công người tới tấp. Hèn chi bác trai kia nói “trâu bò còn ngủ trong mùng” quả không ngoa.
Các rễ chống bao quanh gốc cây đước giúp cây vững trong vùng nước ngập mặn, đầm lầy... |
thiên anh |
Tôi chú ý đến những cây mắm, đước mọc hằng hà sa số. "Mắm trước, đước sau", mắm đâm tua tủa bám đất rồi đến đước, tràm. Tôi có cảm giác chúng có rất nhiều chân, chạy nhảy, đâm chồi khắp nơi. Đậu trên những tán tràm, tán bần là vô số các loại chim, cò. Nhìn đàn cò gần gũi, khăng khít với nhau khiến tôi liên tưởng đến một gia đình hạnh phúc, chúng kết thành đôi, thành đàn như sẵn sàng bảo vệ, che chở nhau trong mọi hoàn cảnh, ví như tấm lòng tương thân tương ái, trượng nghĩa của người dân miền Tây Nam Bộ.
Tình người hào sảng
Ra khỏi rừng, không tìm được quán ăn nên đành ghé nhà bác trai lúc trưa đã có lời mời. Bác vui vẻ gọi vợ làm cơm đãi khách. Bác gái hiền lành lăng xăng nấu nướng. Vài người hàng xóm thấy nhà “bác Tư” có khách cũng nhiệt tình đến giúp. Bác Tư thết đãi chúng tôi bằng những sản vật của U Minh: bông súng nấu canh chua cá lóc, gỏi bông súng trộn lá é, cá lóc nướng trui chấm mắm me, rắn bông súng chấm muối ớt hột đâm với ớt hiểm xanh và một rổ rau đủ loại như đọt choại, lá sầu đâu, bông lục bình... Tráng miệng là món cà na ngào đường. Lần đầu tôi được thưởng thức món tráng miệng độc và lạ này. Theo lời bác Tư gái thì cà na làm được nhiều món hấp dẫn như ngào đường, muối, đập dập chua cay, kho với cá rô hay thịt ba rọi. Bác chỉ tay qua phía nhà đối diện: "Cà na này là bên nhà bà Bảy, lát nữa con qua đó coi cho biết”. Tôi đáp lời bác bằng một tiếng “dạ” rõ to.
Bữa cơm chiều diễn ra và kết thúc trong bầu không khí thân tình, ấm áp. Người dân hiếu khách, xem chúng tôi như người nhà. Trước khi ra về, tôi ngỏ ý gửi lại bác Tư một ít tiền gọi là phụ với bác bữa cơm, bác xua tay: "Tiền bạc gì, lúa gạo có sẵn, thức ăn cũng có sẵn quanh nhà, có tốn đồng bạc nào đâu mà tụi bây lo, lần sau có dịp đi thì cứ ghé bác ăn cơm. Tiếc là tụi bây không ở lại buổi tối nghe đờn ca tài tử trong xóm và nghe muỗi “thổi sáo” về đêm, hay lắm!". Bác cười sảng khoái.
Bác Tư gái gọi thằng nhỏ đang chơi ngoài bờ bao: "Út Mót, dẫn mấy cô chú này đi coi cây cà na bên nhà mày nè!". Thằng nhỏ chừng mười tuổi nhanh nhẩu chạy vào, dẫn chúng tôi men theo bờ sông chỉ cây cà na rồi thót lên cây rung cho trái rụng xuống. Nó nhảy tùm xuống sông lượm trái bỏ đầy áo mang lên bờ và hướng dẫn: "Cô phải lấy trái chà vào áo cho hơi dập rồi chấm muối ớt ăn mới ngon, để con dô nhà lấy muối!".
Út Mót đem nhúm muối ớt đựng trong tờ giấy lịch ra, tôi cầm trái cà na chùi chùi vào áo theo sự hướng dẫn rồi chấm muối ớt cho vào miệng và cảm nhận được vị mặn, cay, chua, chát và vị thơm dân dã tan ra nơi đầu lưỡi.
Trở lại nhà bác Tư với bao cà na Út Mót vừa hái kèm lời dặn hồn nhiên: "Cho cô dìa ngào đường ăn nè, ngào đường thì ăn cô không phải chà "dô" áo đâu!". Chia tay Út Mót, gia đình bác Tư và lối xóm, tôi len lén chùi nước mắt. Tôi xúc động trước tình cảm của những người dân chất phác, hồn hậu và mến khách. Tôi nhớ mãi căn nhà mái lá đơn sơ không cửa, lợp bằng lá dừa nước, bộ xoong nồi đen thui do nấu bằng củi, rổ chén bát có cái đã mẻ miệng khá nhiều, một cái ấm móp dùng để nấu nước pha trà cùng hai ông bà già với một tấm lòng phóng khoáng dùng đãi khách phương xa! Quãng đường về, xe của chúng tôi chật hơn bởi chở thêm một bó to bông súng, hai hủ bồn bồn muối chua (đặc sản Cà Mau), mấy lít mật ong rừng của gia đình bác Tư gửi cho cả nhóm và bao cà na của Út Mót. Chuyến xe nặng hơn bởi nó chở theo cả nghĩa tình của người dân miệt thứ!
Về với U Minh, được hòa mình với thiên nhiên, với văn hóa miệt rừng - sông - nước và "sống chậm" cùng người dân Tây Nam bộ, tôi mới cảm nhận được sự thi vị của vùng "đất lành chim đậu", chứ không có cảm giác là vùng "rừng thiêng nước độc".
Rời Cà Mau, rời U Minh Hạ, tôi không quên được những rừng cây bạt ngàn, chằng chịt kinh rạch, những đám bông súng đỏ au, những con người thật thà, chất phát, và nhất là hình ảnh cánh cò trắng thân thương, chấp chới trong ánh dương tà. Tôi băn khoăn tự hỏi: Ở cái xứ sở muỗi bay loạn xạ này, không biết chính xác chỗ nào giữa miệt rừng sâu nước thẳm, là nơi ba mình đã từng được "cắt rún, chôn nhau"?!
Bình luận (0)