Còn con gái vẫn bị u nang buồng trứng
Theo bác sĩ Khúc Minh Thúy - giảng viên Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y - Dược, kiêm Trưởng khoa Phụ ngoại - Ung bướu, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) thì, UNBT có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ bé gái (10, 12 tuổi) cho đến các... cụ bà, bệnh không chỉ "dành riêng" cho một nhóm lứa tuổi nào.
Hằng năm, hai bệnh viện phụ sản lớn ở TP.HCM là Từ Dũ và Hùng Vương tiếp nhận chữa trị cho gần 4 ngàn trường hợp UNBT nhập viện, chiếm hơn 12% trong tổng số ca mắc các bệnh về phụ khoa mà 2 bệnh viện này tiếp nhận mỗi năm.
Khối u là một tập hợp bất thường, hiện diện ở một hoặc cả hai buồng trứng, bao gồm, u nang cơ năng và u nang thực thể. Khối có thể nặng từ vài chục gram cho đến vài kg. Nguyên nhân gây bệnh, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ ràng. Điểm đặc biệt là đa số các trường hợp bị UNBT không có những triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Chính vì vậy, rất nhiều phụ nữ mắc bệnh khi đến bệnh viện thì khối u đã to. Bác sĩ Khúc Minh Thúy cho biết, thông thường người ta chỉ phát hiện bệnh trong lúc tình cờ đi khám, siêu âm một bệnh khác, hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát. Một số trường hợp thì có triệu chứng rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, đau bụng... Cơn đau bụng thường cũng không rõ ràng, nên khiến nhiều người mắc bệnh dễ lầm tưởng với cơn đau do "chu kỳ" của phái nữ, hay do kinh nguyệt không đều gây nên... Do vậy, việc khám phụ khoa định kỳ (khoảng 6 tháng một lần), kết hợp với siêu âm sẽ giúp phát hiện bệnh sớm.
U quái, đừng nghĩ rằng là bị "ếm bùa"!
|
Cũng có một số trường hợp gọi là u quái buồng trứng, thỉnh thoảng các bệnh viện cũng gặp phải. Những khối u này khi xẻ ra, bên trong có cả tóc, sụn, xương... nên trước đây dân gian thường cho rằng bị như vậy là do bị "ếm bùa"!
Biến chứng thường gặp ở những trường hợp UNBT đó là: xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội); vỡ u (ngoài đau bụng dữ dội, còn gây xuất huyết nội); chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa (gây rối loạn tiêu hóa), đường tiết niệu (gây thận ứ nước), bọng đái (gây khó tiểu, bí tiểu)...; hoặc hóa thành u ác tính...
Mắc bệnh, có sinh được con ?
Theo bác sĩ Khúc Minh Thúy, vai trò siêu âm hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán, phân loại UNBT. Chỉ qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được khối u đó có phải điều trị bằng phẫu thuật hay không. Đối với UNBT lành tính, một số trường hợp không cần điều trị, tự nó sẽ biến mất sau một vài chu kỳ kinh. Còn những khối u lành, nhưng cần phải phẫu thuật chữa trị, thì tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có cách xử lý thích hợp: Nếu bệnh ở các bạn gái trẻ chưa có gia đình, hoặc đã có gia đình nhưng chưa đủ con, thì bác sĩ sẽ áp dụng một trong hai phương cách sau: Phẫu thuật bảo tồn (chỉ bóc tách phần u nang bị bệnh, giữ lại phần mô buồng trứng lành); hoặc cắt bỏ triệt để khối u (nghĩa là cắt bỏ cả khối u và ống dẫn trứng, hay còn gọi là cắt bỏ phần phụ, nhưng chỉ một bên, giữ lại bên không bệnh còn lại). Đối với UNBT lành tính, phần lớn sau khi phẫu thuật thường là bệnh sẽ dứt điểm và cách phẫu thuật này không làm triệt sản. Còn nếu là phụ nữ đã lớn tuổi, đã có đủ con, hay sau tuổi mãn kinh, thì thường bác sĩ sẽ áp dụng khuynh hướng cắt bỏ khối u lẫn tử cung và phần phụ còn lại (mặc dù chỉ u một bên buồng trứng, nhưng cũng cắt bỏ cả hai bên). Việc cắt tử cung không ảnh hưởng gì đến chuyện sinh hoạt vợ chồng nhưng không thể tiếp tục sinh con.
Đối với nhóm bệnh UNBT ác tính, cũng sẽ có những phương cách khác nhau trong điều trị. Chẳng hạn, nếu bệnh ở phụ nữ trẻ, hoặc chưa có đủ số con, thì áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, đồng thời làm xét nghiệm để tìm tế bào ung thư di căn. Đối với phụ nữ lớn tuổi, đã có đủ con, thì ngoài việc cắt bỏ khối u, còn cắt cả tử cung và cả phần phụ của bên còn lại.
Thanh Tùng
Bình luận (0)