Tuyến yên là tuyến nội tiết có nhiệm vụ điều khiển mọi chức năng nội tiết trong cơ thể con người. Tuyến yên nằm trong sọ não nên u tuyến yên được xếp vào loại u sọ não. Khi bị u tuyến yên, bệnh nhân bị xáo trộn nhiều loại nội tiết tố (hormon), vì thế bệnh nhân có những biểu hiện bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh của một số chuyên khoa khác. U tuyến yên chiếm tỉ lệ 10-15% các u nội sọ.
U tuyến yên mà trị... bao tử!
Ngày 21-5, chúng tôi gặp anh N.T.N. (27 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) tại Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM. Trước đó hai ngày, anh N. đã được phẫu thuật cắt bỏ u tuyến yên to đến 3,2cm. Theo anh N., cách đây khoảng ba năm anh thấy hay mệt mỏi, buồn nôn, có khi nôn ói. Anh đã đi khám bệnh nhiều nơi, bác sĩ cho làm đủ thứ xét nghiệm và đều chẩn đoán là đau bao tử. Anh đã uống thuốc trị đau bao tử rất nhiều nhưng các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn... chỉ giảm tạm thời. Đặc biệt, dù tuổi còn trẻ nhưng một năm trở lại đây anh gần như mất hẳn nhu cầu sinh hoạt vợ chồng mà không biết vì sao. Ngoài ra, bàn tay, bàn chân cũng như xương ở gương mặt (trán, hàm) của anh có biểu hiện to ra. Nghĩ mình lao động chân tay, anh không chú ý những bất thường này và bác sĩ cũng không nói gì mỗi khi anh đi khám bệnh tổng quát.
Giữa tháng 5-2009, trong một lần đến Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic) khám bệnh, một bác sĩ của trung tâm này tình cờ gặp anh và bảo chắc chắn anh bị u tuyến yên. Bác sĩ này chỉ định cho chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Kết quả khẳng định anh N. bị u tuyến yên nên bác sĩ hướng dẫn anh đến BV Tai mũi họng TP.HCM phẫu thuật.
Trong khi đó, một bệnh nhân khác là anh N.T. (41 tuổi, Cần Giờ, TP.HCM) lại cho biết mấy năm nay anh thường xuyên bị nhức đầu. Bác sĩ ở một cơ sở y tế tư nhân cho chụp X-quang rồi chẩn đoán anh bị viêm xoang. Khi uống thuốc anh thấy bớt nhưng ngưng thuốc thì nhức lại. Mức độ nhức đầu ngày càng nhiều hơn, nặng hơn. Gần đây, đầu anh nhức như búa bổ, người luôn xây xẩm, hai mắt mờ dần, ói mửa. Nghĩ mình bị viêm xoang nặng anh đến BV Tai mũi họng TP khám bệnh. Tại BV, sau khi loại trừ yếu tố viêm xoang, bác sĩ nghi ngờ anh bị u tuyến yên nên đã cho chụp CT scanner. Kết quả anh có u tuyến yên to 2,3cm. Sau mổ nội soi cắt u tuyến yên, các triệu chứng nhức đầu, mờ mắt, nôn ói... hết hẳn.
Triệu chứng đa dạng
Bác sĩ Trần Trọng Uyên Minh - khoa mũi xoang BV Tai mũi họng TP.HCM - cho biết u tuyến yên là bệnh thường gặp ở người trưởng thành, cũng có khi gặp ở thiếu niên, người già.
Có hai nhóm u tuyến yên: u chức năng và u không chức năng. U không chức năng không tiết ra nội tiết tố nên ít gây rối loạn nội tiết và thường triệu chứng khiến bệnh nhân đi khám bệnh là nhức đầu, mờ mắt. U chức năng tiết ra nội tiết tố nên gây rối loạn chức năng nội tiết. Khối u sẽ làm bệnh nhân bị giảm hoặc tăng sinh nội tiết tố của cơ thể, dẫn đến bệnh nhân bị thiếu hoặc thừa nội tiết tố tăng trưởng, nội tiết tố sinh dục, nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố tuyến thượng thận. Đặc biệt, nếu bị suy toàn bộ tuyến yên, bệnh nhân có thể rơi vào sốc, hôn mê và tử vong.
Phương pháp phẫu thuật mới
Theo bác sĩ Uyên Minh, việc chẩn đoán xác định u tuyến yên không khó, bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp MRI, CT scanner) kết hợp với triệu chứng lâm sàng có thể phân biệt được u tuyến yên với các loại u khác như u sọ hầu, u màng não, u sợi thần kinh, u di căn...
Bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa để điều chỉnh nội tiết tố trở lại bình thường. Trường hợp u ác tính có thể xạ trị để tiêu hủy các tế bào bất thường. Xạ trị còn thường được dùng sau phẫu thuật tuyến yên đối với tất cả các loại u còn sót. Tuy nhiên, đa số trường hợp bệnh nhân cần phải được mổ cắt bỏ khối u. Trước đây bác sĩ phải khoan và mở hộp sọ, sau đó phải vén não lên mới có thể thấy khối u để cắt. Hiện nay, một số BV của TP đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu cắt u tuyến yên bằng đường mổ qua mũi. Phương pháp này có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị biến chứng nặng như: rò dịch não tủy, viêm màng não đơn thuần, chảy máu hậu phẫu, tổn thương động mạch cảnh, tổn thương thần kinh thị giác, thậm chí tử vong. Những biến chứng nhẹ là tê môi thoáng qua, nghẹt mũi, thủng vách ngăn...
Bác sĩ Uyên Minh cho biết hơn một năm nay BV Tai mũi họng TP đã thực hiện mổ lấy u tuyến yên qua nội soi xoang bướm dưới sự hướng dẫn của máy định vị ba chiều. Đây là phương pháp mới, tiến bộ và được xem là thích hợp nhất trên thế giới hiện nay để phẫu thuật các u tuyến yên lớn từ 2cm trở lên. Tuy nhiên, với các u nhỏ dưới 2cm nếu có triệu chứng nhức đầu, rối loạn nội tiết hoặc đột quỵ tuyến yên thì cũng có chỉ định phẫu thuật. Với phương pháp này, hình ảnh chụp CT scanner của bệnh nhân sẽ được đưa vào máy vi tính, được sử dụng để định vị và hướng dẫn dụng cụ trong lúc phẫu thuật. Khi mổ, bác sĩ nhìn trên màn hình máy vi tính sẽ biết được dụng cụ mổ đang ở vị trí nào. Nhờ đó đem lại hiệu quả cao, ít biến chứng do tránh được các vùng nguy hiểm, bệnh nhân dễ chịu hơn, thời gian hồi phục và nằm viện ngắn hơn hẳn so với các phương pháp khác.
Tuy nhiên, để sử dụng phương pháp này cần có sự phối hợp của phẫu thuật viên ngoại thần kinh cũng như bác sĩ nội tiết. Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị và theo dõi đầy đủ vì các điều chỉnh nội tiết thường kéo dài...
Những rối loạn nội tiết mà u tuyến yên có thể gây ra
|
Thiếu nội tiết tố tuyến thượng thận
|
Thừa nội tiết tố tuyến thượng thận
|
Thiếu nội tiết tố tăng trưởng
|
Thừa nội tiết tố tăng trưởng
|
Thừa nội tiết tố prolactin
|
Triệu chứng
|
Sụt cân, thiếu năng lượng, yếu mệt, có khi phải đi cấp cứu
|
Bệnh Cushing: tăng cân, mặt tròn như mặt trăng, rạn da, dễ bầm tím, thay đổi tâm thần, tăng huyết áp, tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp
|
Người lớn tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, giảm sức cơ, giảm khả năng hoạt động, tăng cholesterol; trẻ lớn: giảm chiều cao, giảm tỉ lệ tăng trưởng; trẻ nhỏ: hạ đường huyết
|
ở trẻ em, thanh thiếu niên sẽ bị chứng khổng lồ, còn ở người đã trưởng thành, bàn tay, chân to rộng ra, các ngón tay, chân dày, mặt thô, trán dồ, hàm nhô ra, thay đổi giọng nói,
|
Phụ nữ mất kinh, tiết sữa (dù không có thai hoặc cho con bú), khó thụ tinh; đàn ông giảm ham muốn,
|
Theo Lê Thanh Hà / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)