U.20 Việt Nam: Lịch sử không chỉ là 1 điểm!

22/05/2017 21:08 GMT+7

Đến phút 15 của trận đấu U.20 Việt Nam và U.20 New Zealand, mạng xã hội Việt Nam bất ngờ nóng lên. Nhiều người hâm mộ và kể cả những facebooker mà tôi kết bạn vốn lâu nay ít quan tâm bóng đá cũng có nhiều lời khen liên tục dành cho các cầu thủ trẻ chúng ta...

Nào là “trẻ Việt nam chơi hay bất ngờ”, “các cầu thủ mình đá hay quá 500 anh em ơi”, "U.20 sao đá vậy vậy?”... Những lời động viên xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều cho đến khi trận đấu kết thúc.
Khi hết hiệp 1, facebook của một đồng nghiệp, BTV Đình Khôi HTV thể hiện sự lo lắng: “Hay lắm mà cũng lo lắm! Bung sức kiểu này dễ đuối sức khúc cuối!”. Nhà báo Đỗ Tuấn báo Bóng Đá comment: “Anh cũng lo”. Tôi chia sẻ với các đồng nghiệp và tôi biết các anh lo nhưng trong lòng cũng ẩn chứa niềm kỳ vọng. Và tôi cũng không thể ngồi yên: “Không sao đâu, mình đủ sức và còn đầy tinh túy chơi hết 90 phút!”. Lúc đó, trận đấu đi được 50 phút.
Tôi tin như vậy không phải vì cảm tính của người Việt Nam dành cho các cầu thủ U.20 nước nhà mà bằng tất cả những cứ liệu có được. Hiệp 1 chúng ta cầm bóng đến 58% và có đến 11 cú dứt điểm về khung thành đối phương. Các cầu thủ U.20 Việt Nam cho thấy nhiều điểm sáng.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng đã làm chủ được khu vực 16m50 của U.20 Việt Nam Độc Lập
Thứ nhất: Thủ môn Tiến Dũng có nhiệm vụ khống chế khu 16 mét 50, thành ra có nhiều tình huống, tung tẩy trên không, sử dụng lợi thế đôi tay để khống chế không gian hoạt động của những cầu thủ tiền đạo cao trên 1 mét 80 của New Zealand - điều làm các hậu vệ ta bị lép vế trước đội bạn.
Thứ hai: các cầu thủ Việt Nam khi mất bóng thì ngay lập tức đeo bám để giành lại bóng trong chân đối phương.
Thứ ba: khả năng bọc lót của các cầu thủ khá tốt. Khi thể hình, sức tì đè kém hơn, chúng ta lấp điểm yếu này bằng cách 2 kẹp 1.
Thứ tư: Khi có bóng, các cầu thủ hạn chế tối đa chuyền dài, chuyền bổng và thay vào đó là những đường phối hợp sệt, vặn sườn đối phương.
Thứ năm: Có cơ hội, cầu thủ Việt Nam mạnh dạn dứt điểm và sút thật nhanh
Muốn làm được điều đó, đòi hỏi nền tảng thể lực của các học trò ông Hoàng Anh Tuấn phải tốt, phải vững vàng và thực tế cho thấy, trên sân U 20 Việt nam di chuyển nhiều, đua tốc độ không thua kém đối phương. Có đôi lúc, chúng ta thấy cầu thủ đội bạn hổn hển và mướt mồ hôi.
Nếu may mắn hơn, chúng ta đã có được quả penalty trong hiệp 1 khi bóng chạm tay hậu vệ đối phương hay Hoàng Đức dứt điểm chuẩn xác trước khung thành trống rỗng trong hiệp 2.
Những phát biểu trước đó của HLV Hoàng Anh Tuấn là hoàn toàn có cơ sở Độc Lập
Nói vậy để thấy rằng, những phát biểu trước đó của HLV Hoàng Anh Tuấn là hoàn toàn có cơ sở. Việc ông rèn thể lực cho cầu thủ, thực hiện các liệu pháp tâm lý, giúp các em tự tin, cởi bỏ tâm lý “chưa đá đã thua” hay đánh giá đối thủ New Zealand cũng “không ghê gớm lắm!”… xuất phát từ những nghiên cứu kỹ, biết người biết ta.
Tôi đã từng có lần ngồi tâm sự với ông Hoàng Anh Tuấn gần 1 giờ đồng hồ hồi trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu. Tôi hỏi ông: “Người ta nói đội anh may mắn mới giành vé đến World Cup U.20 thế giới, anh nghĩ sao?". Ông cười và trả lời: "Cái đó người ta nói đúng một phần. Chứ chúng tôi thi đấu mỗi trận, đều quán triệt tư tưởng cho từng cầu thủ. Đã chơi thì phải hy vọng. Tôi không thích câu chuyện thua nhưng ngẩng cao đầu”. Nghĩa là với ông, đội tuyển ra trận là phải phấn đấu và có mục tiêu rõ ràng. Tôi hiểu đó là suy nghĩ “Đã sinh ra trong trời đất thì phải có danh gì với núi sông”. Tướng ra trận thì không thể tự ti và hoang mang. Người tướng không vững vàng thì làm sao anh em binh sĩ có thể vững tin mà chiến đấu?
Ông Tuấn đã truyền được cái lửa và sự tự tin cho cầu thủ. Sự tự tin đó đến từ quá trình rèn luyện nghiêm túc, có tính toán, chọn điểm rơi thể lực, phong độ và cả tâm lý vững vàng. Những trang bị đó giúp tuyển U.20 Việt Nam tìm được 1 điểm đầu tiên ở sân chơi World Cup lần này - số điểm mà chưa đội trẻ U.20 Đông Nam Á nào giành được trong lịch sử tham dự các kỳ World Cup U.20 thế giới.
Khi ông Hoàng Anh Tuấn tuyên bố: “Quyết tâm tạo ra lịch sử cho bóng đá Đông Nam Á”, tôi không nghĩ ông chỉ hài lòng hay đặt mục tiêu giành 1 điểm! Bởi cái mốc 1 điểm mong manh và… mơ hồ lắm! Tối nay, ông đã thay người, một phần là khỏa lấp điểm yếu thể lực cho một số vị trí xuống sức nhưng ý đồ chiến thuật của ông có lẽ muốn “kết liễu” luôn đối thủ mà nếu may mắn và… cố chút nữa đội bóng U.20 chúng ta có thể giành 3 điểm.
Chúng ta không kỳ vọng U.20 Việt Nam sẽ đánh bại ứng cử viên vô địch là U.20 Pháp, đội đã thắng U.20 Honduras 3-0 trước đó. Nhưng cái cách tiếp cận trận đấu và dồn sức để cố tìm ra kết quả có lợi nhất trong trận đầu ra quân trước New Zealand là tính toán hợp lý.
Nếu lỡ chúng ta có thua Pháp, chúng ta cũng không hề trắng tay. Một điểm giành được ở trận khai mạc cho phép chúng ta hy vọng ở trận cuối nếu có thất bại ở trận gặp Pháp. Đã chơi một trận hay trước New Zealand như vậy thì trận cuối trước đại diện châu Mỹ thì chúng ta có quyền hy vọng một kết quả tuyệt vời hơn. Nếu vậy thì lịch sử mà ông Hoàng Anh Tuấn muốn tạo ra đâu chỉ có 1 điểm tại giải đấu lần này?
Tôi tin điều đó như những gì tôi đã phát biểu trong các buổi bình luận trước khi giải đấu diễn ra trên Thanh niên Online, trên chương trình Bóng tròn HTV và chuyên mục Góc nhìn thể thao trên Kênh FM 95.6mhz VOH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.