U.23 Việt Nam, giải Fair-play và cái cùi chỏ

28/01/2018 19:52 GMT+7

U.23 Việt Nam với giải Fair-play tại giải U.23 châu Á đã truyền đi một thông điệp: bạn không cần phải dùng đến cùi chỏ để có được thành công!

“Bóng đi thì người phải ở lại”. “Khi tranh chấp, mày giơ chỏ ra”. “Trong sân tụi nó cho ăn chỏ là chuyện bình thường”. Tôi chắc đa phần các bạn đều từng nghe qua ít nhất 2/3 trong các câu trên.
Chuyện chơi xấu, tiểu xảo được xem là bình thường. Thậm chí ai không làm như vậy sẽ là bất thường, và “thiếu hiểu biết về bóng đá chuyên nghiệp”. Tư duy này ăn sâu vào bóng đá Việt Nam từ đội tuyển, các câu lạc bộ chuyên nghiệp cho tới bóng đá hạng ruồi ở cấp phường, cấp trường, cấp lớp. Người ta dạy nhau phải “khôn banh” kiểu như vậy.
Khoan tranh cãi xem bóng đá chuyên nghiệp có đồng nghĩa với cái cùi chỏ hay không. Thực tế là với tư duy ấy, vài chục năm qua bóng đá Việt Nam gặt hái được cái gì? Không có gì đáng kể.
Khi U.23 Việt Nam đụng U.23 Uzbekistan, chưa chắc tâm lý ai nặng nề hơn ai. Đành rằng nếu không thắng, Uzbekistan sẽ “quê” hơn vì họ được đánh giá cao hơn. Việt Nam có thể vào trận với tư thế không có gì để mất, nhưng họ mang trên vai gánh nặng kỳ vọng. Khi báo chí Uzbekistan hầu như không bình luận gì nhiều về đội U.23, thì truyền thông và người hâm mộ Việt Nam lại đặt hết niềm tin vào lứa trẻ này.
Một pha vào bóng từ phía sau của cầu thủ Uzbekistan với Văn Thanh Ngọc Linh
Nhưng lạ ở chỗ, sự lo sợ của tôi bỗng nhiên thừa thãi. Dù biết không được để thua bàn, lứa trẻ Việt Nam lại không quýnh quáng giành thành quả bằng mọi giá kể cả chơi xấu. Nói thẳng là chẳng đứa nào trong đội U.23 này cho đối phương ăn cùi chỏ cả. Ngược lại chỉ thấy Uzbekistan tranh thủ phạm lỗi cố ý từ giữa sân và gây sự để làm hậu vệ Việt Nam mất bình tĩnh.
Các cầu thủ U.23 Việt Nam, với giải Fair-play này, có vẻ đã thoát khỏi tư duy làng xã của những cú cùi chỏ trên sân.
Albert Capellas, nhà điều phối cấp cao phụ trách lứa trẻ của Barcelona tiết lộ về cách hoạt động của lò đào tạo La Masia như sau: “Chúng tôi đào tạo người trẻ để trở thành người tốt với một lối sống lành mạnh và giúp họ hạnh phúc với lối sống ấy. Việc các chàng trai trẻ tôn trọng người khác là điều rất quan trọng. Họ phải là người tốt, như những người dàn ông lịch thiệp”.
Trên sân bóng, các cầu thủ nhí của La Masia không ưu tiên tiểu xảo (ngoại trừ việc bạn vẫn còn ác cảm với Sergio Busquets), mà được dạy hãy tập trung chơi cho tốt.
Đây là điều Capellas nói thêm: “Đầu tiên, họ phải tỏ ra là một đội thể thao, phạm lỗi ít hơn và ít hung hăng hơn. Rồi họ phải cố thắng bằng cách đá tốt, sáng tạo hơn đối phương…”.
Bóng đá chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống. Nhưng đó là nơi có thể đóng góp cho sự hình thành nhân cách.
Từ nhiều năm nay, báo chí đã viết khá nhiều về một hiện tượng các công ty ưu tiên tuyển mộ ứng viên xin việc “từng chơi thể thao khi còn trẻ/có chơi thể thao”, đặc biệt là các môn thể thao đồng đội. Một ứng viên có chơi thể thao là người có khả năng mang theo bên mình một tinh thần thể thao. Tinh thần ấy là sự cống hiến cho tập thể, là những suy nghĩ về thành công một cách tử tế.
Trên sân, bạn thắng bằng cách chơi tốt chứ không phải cùi chỏ. Ngoài đời sống, bạn thành công nhờ nỗ lực vươn lên chứ không phải đâm chọt đồng nghiệp, đối thủ.
Và U.23 Việt Nam, với giải Fair-play an ủi ấy, đã truyền tải một thông điệp rõ ràng trong và ngoài sân: Bạn không cần phải dùng tới cùi chỏ để tiến xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.